ÐÀ NẴNG (NV) - Hôm 15 tháng 7, sau khi phóng thích 13 ngư dân Việt Nam, đến nửa đêm, Tân Hoa Xã loan báo, công ty dịch vụ mỏ dầu trên biển của Trung Quốc quyết định kéo giàn khoan 981 về đảo Hải Nam.
Cảnh Sát Biển Việt Nam cho biết, giàn khoan 981 đã được dịch chuyển khỏi vị trí tọa lạc trước nay khoảng 8 hải lý.
Giàn khoan 981 được đưa đến khu vực quần đảo Hoàng Sa để thăm dò dầu khí và đã tọa lạc ở đó 75 ngày.
Giàn khoan 981 tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. (Hình: Tân Hoa Xã)
Theo Tân Hoa Xã thì giàn khoan 981 đã hoàn tất quá trình thăm dò dầu khí ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và nay sẽ được kéo về khu vực Lăng Thủy ở đảo Hải Nam.
Trò chuyện với Tân Hoa Xã, ông Khâu Trung Kiến, một chuyên gia địa chất dầu khí, làm việc tại Viện Kỹ Thuật Trung Quốc, bảo rằng, Trung Quốc rút giàn khoan 981 khỏi khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm bảo vệ an toàn tính mạng cho công nhân Trung Quốc đang làm việc trên giàn khoan, cũng như các thiết bị của giàn khoan khi mùa bão ở biển Ðông đang đến.
Nhân vật này cho biết, tuy đã phát hiện ra dầu nhưng Trung Quốc chưa cho khai thác vì phải tổng hợp, phân tích và đánh giá những tài liệu về khu vực đó.
Việc Trung Quốc đưa giàn khoan đến thăm dò dầu khí ở quần đảo Hoàng Sa đã khiến quan hệ Việt-Trung trở thành căng thẳng chưa từng có, kể từ năm 1990, sau khi hai bên “bình thường hóa quan hệ.”
Sự hiện diện của giàn khoan 981 ở khu vực quần đảo Hoàng Sa còn khiến Trung Quốc bị nhiều quốc gia như Hoa Kỳ, Úc, Nhật và một số quốc gia thành viên khối ASEAN chỉ trích kịch liệt.
Việc đưa giàn khoan 981 đến quần đảo Hoàng Sa thăm dò dầu khí được xem là hành động khiêu khích, gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực.
Thái độ của Trung Quốc trước phản ứng của cộng đồng quốc tế được xem là nguyên nhân chính khiến đầu tháng này, chính phủ Nhật tuyên bố chấp nhận việc diễn giải hiến pháp hiện hành theo hướng, lực lượng tự vệ của Nhật được phép sử dụng “quyền tự vệ tập thể”, vào hôm 1 tháng 7. “Quyền tự vệ tập thể” cho phép lực lượng phòng vệ của Nhật tham chiến ở ngoại quốc để bảo vệ các đồng minh.
Thái độ đó còn là nguyên nhân khiến Việt Nam xem tình hữu nghị với Trung Quốc là “viển vông,” xích lại gần hơn với Philippines, Nhật và nỗ lực tìm kiếm sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ.
Cũng trong ngày hôm qua, Trung Quốc chính thức lên tiếng về nghị quyết hôm 10 tháng 7 của Thượng Viện Hoa Kỳ.
Nghị quyết này tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với quyền tự do hàng hải và khẳng định, việc sử dụng hải phận, không phận ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương phải tuân thủ luật pháp quốc tế. Nghị quyết kêu gọi Trung Quốc tránh các hoạt động trái với Công ước Ngăn ngừa Xung đột trên biển và trả biển Ðông về nguyên trạng, giống như trước ngày 1 tháng 5, thời điểm Trung Quốc đưa giàn khoan 981 đến thăm dò dầu khí ở khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc khuyến cáo Hoa Kỳ đừng can dự vào những tranh chấp ở biển Ðông và hãy để các quốc gia trong khu vực tự giải quyết những tranh chấp này.
Hoa Kỳ cho biết dự định nêu tranh chấp chủ quyền trên biển Ðông ra thảo luận tại cuộc họp của các ngoại trưởng Châu Á ở Miến Ðiện trong tháng tới. Ðồng thời dự trù chi 156 triệu Mỹ kim để la hỗ trợ các quốc gia Ðông Nam Á phát triển khả năng hàng hải trong vòng hai năm tới. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ khẳng định không đứng về phía nào mà chỉ ủng hộ giải pháp hòa bình và quyền tự do hàng hải tại hải lộ quan trọng này. (G.Ð)
07-15 2014 3:05:48 PM
No comments:
Post a Comment