Tuesday, July 15, 2014

Người Việt làm ít, kêu ca nhiều!



Published on July 15, 2014   ·   No Comments
XAHOI-VANHOA1

Năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước ở ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Khi so sánh quỹ thời gian làm việc giữa nhân viên các công ty nước ngoài tại TP.HCM với người lao động ở các công ty trong nước, “phe” nhân viên công ty nước ngoài đã không ngần ngại thốt lên: “Người Việt mình sướng quá!”.

Lúc nào cũng… ngồi quán

Trở về Việt Nam sau hơn 14 năm học tập và làm việc tại Tokyo (Nhật), anh Đỗ Văn Bảo, đang làm việc cho Công ty Maeda – (Nhật), có công ty con tại TP.HCM không khỏi ngạc nhiên khi thấy sáng nào khu vực gần nơi làm việc của mình cũng có rất đông nhân viên mặc đồng phục của các công ty Việt Nam túm tụm uống cà phê đến hơn 8 giờ mới đủng đỉnh vào văn phòng.
“Ở Nhật không có cảnh tượng này. Từ 6 giờ sáng, các phương tiện vận tải hành khách công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm đã chật cứng người đi làm. Ai cũng rất vội vàng, khẩn trương. Đến nơi làm việc họ mới tranh thủ uống cà phê pha sẵn rồi bắt tay vào công việc. Còn ở TP.HCM hầu như lúc nào cũng bắt gặp cảnh người lao động ngồi quán cà phê hàng tiếng đồng hồ. Có khi mới 9-10 giờ sáng đã thấy nhiều người kéo nhau vào quán nhậu”, anh Bảo nói, giọng vẫn chưa hết ngạc nhiên dù anh đã làm việc tại TP.HCM được hơn ba tháng.
“Để phân biệt sự khác nhau về thời gian làm việc ở các công ty Nhật với Việt Nam chỉ cần đến tầng 19, tòa nhà VC ở quận 1 vào lúc chiều tối sẽ rõ”, anh S. – một kỹ sư đang làm việc cho một công ty xây dựng của Nhật, trả lời khi chúng tôi nhờ anh so sánh về quỹ thời gian làm việc giữa người lao động cho các công ty của Nhật với các công ty Việt Nam. Đúng như anh S. nói, khoảng 18 giờ, chúng tôi có mặt thì thấy văn phòng công ty anh vẫn sáng đèn, còn nhiều người làm việc. “Ở đây văn phòng nào mở cửa muộn, đóng cửa sớm là của công ty Việt Nam. Còn ngược lại là văn phòng của công ty Nhật. Tôi quan sát nhiều năm rồi và thấy điều này luôn đúng” – anh S. dí dỏm.
Anh S. tâm sự: “Trước đây mình từng làm cho một công ty xây dựng lớn của Việt Nam. Có lần sếp giao việc phải làm trong hai tuần nhưng hai ngày mình đã làm xong. Thế nhưng khi nộp báo cáo thì bị sếp mắng sao làm nhanh quá, phải làm chầm chậm để theo nhịp với anh em trong công ty…”.

Làm ít, kêu ca nhiều

“Người Việt mình làm thì ít mà kêu ca thì nhiều”, nhiều giám đốc công ty Việt Nam đã nói như thế khi so sánh quỹ thời gian, hiệu suất công việc giữa người lao động Việt Nam với các nước trong khu vực Đông Nam Á hoặc với Nhật, Hàn Quốc.
“Cũng là kỹ sư xây dựng nhưng ở công ty Nhật họ làm việc gấp 4-5 lần kỹ sư của mình. Nhiều kỹ sư ở công ty tôi sáng cà phê cà pháo đến gần 9 giờ mới vào. Chiều mới 4-5 giờ họ đã trốn về đi nhậu. Mình siết thời gian thì họ so bì, kêu ca lương thấp nên chỉ làm thế thôi. Công ty của bạn bè tôi cũng vậy. Hình như đây là tình trạng chung của người lao động Việt Nam mình” – ông H., Giám đốc một công ty xây dựng ở Gò Vấp, than thở.
Nhiều người Việt đang làm cho công ty Nhật cũng cho biết bạn bè của họ làm ở các công ty Việt Nam thường hay so sánh về chuyện thu nhập giữa họ với những người làm cho công ty nước ngoài nhưng lại không so sánh về quỹ thời gian dành cho công việc.
“Nhiều người hay lấy lý do lương thấp nên làm việc ít. Trong khi đó, ban giám đốc công ty thì lại bảo do nhân viên làm ít nên trả lương thấp là lẽ đương nhiên. Cứ thế, người lao động thì đổ thừa lãnh đạo công ty, còn lãnh đạo công ty lại đổ do người lao động” – chị H. đang làm việc cho một công ty nước ngoài có văn phòng tại TP.HCM nói.
Theo tìm hiểu, trong lĩnh vực xây dựng, lương của kỹ sư làm cho công ty Nhật tại TP.HCM thường cao hơn kỹ sư làm cho công ty Việt Nam gấp 4-5 lần. Anh N., một kỹ sư người Việt đang làm cho nhà thầu Nhật về lĩnh vực hạ tầng giao thông, cho biết lương hiện tại của anh khoảng 30 triệu đồng/tháng, gấp năm lần so với lúc anh làm cho công ty Việt Nam cùng lĩnh vực. Song nếu so sánh về quỹ thời gian làm việc anh lại thấy mình thiệt thòi: “Nhiều người làm cho công ty Việt Nam lương 5-7 triệu đồng/tháng nhưng thật ra mỗi ngày họ chỉ dành cho công việc vài ba giờ là cùng. Còn làm cho công ty Nhật, ngày nào cũng phải làm hơn tám tiếng. Vậy ai sướng hơn ai?”.
Anh Nguyễn Văn Sổng, cũng làm việc cho công ty Nhật, bày tỏ: “Người Việt Nam mình hay đổ thừa chiến tranh, thiên tai bão lụt nên đất nước mới chậm phát triển. Vậy nước Nhật thì sao? Họ bị thiệt hại từ chiến tranh, từ thiên tai còn khủng khiếp hơn chúng ta rất nhiều. Vậy sao họ vẫn phát triển vượt bậc? Tôi nghĩ, sự khác nhau cơ bản là người Nhật họ dành thời gian cho công việc rất nhiều, còn người Việt mình thì thời gian dành công việc quá ít”.

Để người Việt thấy vui khi làm việc

Theo báo cáo toàn cầu “Thế giới việc làm 2014” của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và nhận định của ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO, thì “năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thấp là một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam”. Đặc biệt theo các số liệu “năng suất của lao động Việt Nam thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần, Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước ở ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan”.
Nguyên nhân của vấn đề này đầu tiên phải kể đến là côngviệc không phù hợp với chuyên môn, kỹ năng và đặc biệt là lòng đam mê. Môi trường làm việc thiếu thân thiện, chuyên nghiệp và hợp tác, thiếu tôn trọng, không ghi nhận thành tích và đặc biệt là họ không nhìn thấy con đường phát triển ở phía trước. Do vậy đa số người lao động làm việc đều không vui. Kế đến, phương pháp quản trị “cảm tính” đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý và năng suất lao động. Cần cho nhân viên biết con đường nào phải đi, công việc gì phải làm, làm thế nào là đạt… đặc biệt khi họ làm đạt thì họ sẽ được gì. Thứ ba, việc thiếu đầu tư công tác đào tạo đã khiến người lao động làm việc mà thiếu sự chủ động và sáng tạo, chưa hiểu nghề và thiếu gắn bó. Nguyên nhân cuối cùng là doanh nghiệp chưa chú trọng đến công tác nghiên cứu để cải tiến bộ máy quản lý, quy trình, máy móc, thiết bị. Ngoài ra những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính tại các cơ quan, doanh nghiệp và trong bộ máy hành chính nhà nước; việc thường xuyên ách tắc giao thông cũng là những nguyên nhân đáng kể ảnh hưởng đến năng suất lao động chung tại Việt Nam.
Trên cơ sở đó, cần có một số giải pháp mang tính cốt lõi để nâng cao năng suất lao động tại Việt Nam như sau:
- Phân công công việc phù hợp với từng nhân viên.Người quản lý cũng cần thấu hiểu và chia sẻ với những khó khăn của nhân viên, kịp thời động viên và dẫn dắt họ yên tâm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống và trong công việc.
- Xây dựng môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp, hợp tác và tôn trọng. Đặc biệt hệ thống cơ sở hạ tầng quản lý phù hợp và thống nhất sẽ tạo sự chủ động cho nhân viên, giảm bớt vai trò quản lý đáng kể.
- Việc áp dụng phương pháp quản trị mục tiêu và đánh giá thành tích nhân viên vào trong cơ quan, doanh nghiệp sẽ là đòn bẩy lớn nhất trong việc nâng cao năng suất lao động của nhân viên, bởi vì khi áp dụng phương pháp này thì sẽ tạo cho nhân viên từ thế bị động (đến cơ quan, doanh nghiệp có việc gì thì làm, không có thì chơi) sang thế chủ động suy nghĩ, hoạch định công việc.
- Trả lương và các chế độ đãi ngộ đảm bảo cạnh tranh và công bằng. Để đáp ứng nguyên tắc này thì cơ quan, doanh nghiệp cần khảo sát và so sánh với cơ quan, doanh nghiệp tương đương để xây dựng chính sách trả lương và đãi ngộ vừa hợp lý vừa cạnh tranh.
- Chú trọng đến công tác đào tạo và phát triển nhân viên: Đầu tư để phát triển con người là một sự đầu tư thông minh vì con người là yếu tố quan trọng nhất để giúp nâng cao năng suất và tăng tính cạnh tranh đối với sản phẩm và dịch vụ. Hơn thế nữa cần xây dựng lộ trình thăng tiến cho mỗi vị trí để nhân viên nhìn thấy được họ đang ở đâu, họ làm gì, cần tham gia các khóa đào tạo nào để có thể bước lên cấp bậc cao hơn.
- Cuối cùng,doanh nghiệp cũng giống như con người, qua thời gian sẽ có lúc bị bệnh, có lúc sai đường… do vậy cần thường xuyên nghiên cứu hoặc phát động các phong trào thi đua về cải tiến để nâng cao hiệu quả quản lý, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh. Nâng cấp hoặc thay thế máy móc, thiết bị hiện đại hơn, giảm thiểu nguồn lực, giảm chi phí do hao hụt cũng là giải pháp nâng cao năng suất và tính cạnh tranh cho doanh nghiệp.
TRẦN THANH HƯNG, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển Nguồn nhân lực Quốc tế
Theo Báo Pháp Luật TPHCM

No comments:

Post a Comment