Tuesday, July 15, 2014

Cái ác

Người đời định nghĩa cộng sản
Cộng sản: là gian là dối ...
Xã hội chủ nghĩa: là thối là tha ...

(Nguyên Thạch, blog Dân Làm Báo)

LTS - Tòa soạn xin đăng tải nguyên văn bài viết dưới đây của cựu ký giả Thiên Ân về tập hồi ức “Thung Lũng Tử Thần: Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo” của cố ký giả Vũ Ánh. Buổi ra mắt tác phẩm “Thung Lũng Tử Thần” sẽ được tổ chức vào lúc 2 pm ngày 19 Tháng Bảy, tại Phòng Sinh Hoạt Người Việt.

***

Vài tuần trước, một người tự xưng là thuộc một đơn vị tình báo của Quân Ðội Nhân Dân Việt Nam công bố trên mạng một bản văn với đầy đủ hình ảnh ghi lại những vụ tàn sát dã man của lính Tàu nhắm vào các nữ tù binh Việt Nam trong trận chiến xâm lăng vùng biên giới. Người đọc bài và nhìn thấy những hình ảnh cho là nữ tù binh Việt Nam bị cắt xén các bộ phận sinh dục, lõa lồ phơi thây sau khi bị trục ra khỏi các quân y viện trên biên địa và bị hãm hiếp tập thể trước khi bị giết, đều không khỏi cảm thấy ghê rợn trong óc lẫn đau xót trong tim. Bài viết và những hình ảnh đó, nếu thật, cho thấy một thảm trạng mà có lẽ không ai còn chối cãi nổi, chứng minh thực chất tàn ác của những người cộng sản đối với những người được coi là các đồng chí cùng theo thánh Mác để xiển dương và thành đạt cuộc cách mạng nhắm đưa thế giới tiến lên chủ nghĩa xã hội đen.

Poster buổi ra mắt sách “Thung Lũng Tử Thần: Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo” tại Nhật Báo Người Việt chiều 19 Tháng Bảy, 2014. (Hình: Triết Trần/Người Việt)

Nhưng thật ra thì đấy không phải là lần đầu tiên người ta được biết tới tâm địa độc ác của người cộng sản. Người đọc lịch sử đã biết chuyện Lenin và Stalin sát hại đến cả 20 triệu dân Nga sau khi cuộc cách mạng Bolsheviks thắng lợi năm 1917; hay chuyện Mao Trạch Ðông sát hại đến cả 10 triệu dân Tàu ngay từ thời cộng sản Tàu còn lâm chiến với Quốc Dân Ðảng của Tưởng Giới Thạch cho tới sau khi Mao chiếm trọn Hoa Lục năm 1949 và thành lập nước cộng sản Tàu, được mỹ miều mệnh danh là Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc. Thậm chí ngay trên quê hương Việt Nam thì chính các đảng viên cộng sản cũng xác nhận cuộc cải cách ruộng đất được Hồ Chí Minh và đảng cộng sản của ông ta mang ra thi hành sau khi chiếm được nửa đất nước, đã giết, và giết oan, đến cả 200 ngàn người theo lệnh giết người đúng tỉ số do Mao chỉ thị.

Thành thử có thể nói rằng cái ác của người cộng sản đã là một sự thật đương nhiên, đối với người khác chủng tộc, đối với đồng bào mình, đối với đồng chí và ngay cả đối với anh em ruột thịt. Ðối tượng truy sát của người cộng sản không cứ phải là đối thủ (thí dụ như Leon Trotsky bên Nga) mà có thể là chiến hữu (thí dụ như Lâm Bưu bên Tàu hay Nguyễn Bình ở Việt Nam), bạn bè, anh chị em (thí dụ như Ðinh Ðức Thiện) nếu những người đó dám chống đối, hay ngay cả chỉ dám bất đồng với đám chóp bu cộng sản. Bởi thế, những hành động cực ác mà người cộng sản làm đối với những người bị họ coi là kẻ thù không còn là chuyện đáng ngạc nhiên. Nhất là khi đó lại là những kẻ cựu thù thuộc hàng ngũ “phe thua trận,” nghĩa là những người không còn một mảy may khả năng chống đối hay tự vệ nào. Ðây có lẽ là đại ý của 270 trang sách tóm lược 13 năm tù gọi là “cải tạo” của ký giả Vũ Ánh. Quyển “Thung Lũng Tử Thần: Hồi Ức Của Một Người Tù Cải Tạo” là tập hợp những bài báo của ký giả Vũ Ánh viết đăng trên nhật báo Người Việt trước khi anh từ giã gia đình và thân hữu đi về miền miên viễn hôm 14 tháng 3 năm 2014. Sách với khổ 15x23cm do các thân hữu của anh trong tờ Người Việt ấn hành và bán với giá 20 Mỹ kim, do vậy không phải là một tác phẩm dài, hay trường thiên, tỉ như “Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch,” hay “Trại Ung Thư” hay “Quần Ðảo Ngục Tù” của Aleksandr Solzhenitsyn. Người đọc, nếu muốn, và nếu thấy hấp dẫn, có thể đọc liên tục và đọc trọn trong chỉ một ngày. Ðó chính là điều tôi đã làm.

Một chi tiết có thể bị trành tròn ở đây. Vì nghịch lý. Ấy là làm thế nào mà một quyển sách viết về tội ác lại có thể hấp dẫn? Tội ác; được điểm xuyết bằng bệnh tật, bằng xương thịt rã rời vì bị đòn vọt và cùm gông suốt đêm ngày, bằng nước mắt kết tụ do cả đau đớn nhọc nhằn lẫn hận thù dằn vặt và bằng xác chết của người tù lẫn đôi khi là của thân nhân họ. Những hình ảnh đó cố nhiên là dễ gây kinh tởm, khiến nhiều người đọc có thể thở dài lau nước mắt rồi gấp sách. Ấy là nếu tác phẩm không kèm theo những chi tiết, rất nhiều chi tiết, về tình người, tình chiến hữu, tư cách và nhân tính của người tù. Nói cho rõ hơn, đó là tư cách và nhân tính của chính tác giả Vũ Ánh và những bạn đồng tù của anh trong các nhà giam từ Nam ra Bắc, nhất là trong trại trừng giới khổ sai A-20 Xuân Phước. Những đoạn ngắn, chỉ chiếm một phần nhỏ nội dung quyển sách, đã mô tả tình người bàng bạc của các cựu quân nhân VNCH sa cơ, của các tu sĩ Phật Giáo lẫn Công Giáo và nhất là của người dân thường cũng thuộc “bên thua trận” ở miền Nam Việt Nam dành cho những người tù khốn khổ này. Hấp dẫn là bởi thế. Chớ còn mô tả cái ác và lòng tham của những kẻ thắng trận thì sách vở từ thập niên 1980 tới nay đã trần tình không thiếu. Các bài báo và sách loại này nhiều đến mức không thể ghi lại đầy đủ nếu không chịu khó ngồi kiểm điểm và liệt kê mọi tài liệu đã được in ấn từ 35 năm nay của các cựu tù nhân. Tuy nhiên đấy không phải là mục đích của một bài viết ngắn, tóm tắt vài ý nghĩ và, thế tất là thiếu sót của một người đọc.

Trước hết, xin hãy nói về cái ác. Con người - hơn nữa, lại là người cộng sản - thì đúng như Freud đã xác nhận, vốn có tính tàn ác, thích gây đau khổ cho đồng loại để thưởng thức nỗi đau của đối tượng nhằm thỏa mãn bản chất hung ác của chính họ. Thiếu Tá Vũ Mộng Long, TÐT/TÐ82BÐQ kể lại trong một bài của ông chuyện một bạn tù trốn trại chẳng may vướng lại bên hàng rào kẽm gai chỉ để bị một cán bộ cộng sản ngồi cách đó không xa, tay cầm AK cứ thỉnh thoảng lại nâng súng lên bắn nát từng khớp xương trên tấm thân người tù. Người cộng sản chiến thắng, đầy quyền lực, cứ ngồi đó thưởng thức nỗi đau kèm tiếng rên la của một người lính thua trận và rồi bỏ mặc nạn nhân chảy máu cho đến chết. Những ví dụ chứng minh cái ác của người cộng sản đối với các chiến binh sa cơ của miền Nam có lẽ không còn cần phải được đưa ra thêm nữa. Nhưng gần đây thì còn những hình ảnh mới xuất hiện, và ngày một nhiều, trên mạng, lại cho thấy bên thắng trận ác như thế nào đối với những người - và đây là các thường dân không hề mang một chút nợ máu nào đối với nhân dân - chỉ chẳng may đứng trong hàng ngũ khối dân miền Nam bị xâm lăng mà thôi.

Hình ảnh một cụ già 90 tuổi, cầm một tấm bảng cầu cứu sau khi được báo cho biết căn nhà vách tôn cụ đang ở đã bị cưỡng chế, không thể không gây chấn động trong lòng người xem. Cũng trong thời gian này, hình ảnh trọn một gia đình ở Thạnh Hóa thuộc tỉnh Long An vừa than khóc vừa lớn tiếng tố cáo tội ác của người đang là bí thư huyện ủy và đám “công an” nơi họ ở, hùng hổ kéo tới trục xuất họ ra khỏi nhà. Nhiều trường hợp tương tự cũng đã được phơi bày, bởi chính các lão bà lưng còm má hóp lẫn con cháu họ trong những cuộc biểu tình công khai của dân oan mất đất, mất nhà, mất ruộng, mất vườn, mất hết. Tất cả căn nguyên đưa tới thảm nạn có thể được tóm gọn trong chữ tham. Và từ tham mà dẫn tới cái ác vô biên và tuyệt đối của những kẻ có quyền năng tuyệt đối. Xin hãy đọc một chi tiết ác, nhẹ nhất đối với những người tù, ở trang 70 trong sách của nhà báo Vũ Ánh.

“ ... mọi thứ thực phẩm của những anh em có gia đình thăm nuôi mang lên từ Hàm Tân Z30C đều bị ném vào mấy chiếc cần xé lớn. Viên cán bộ trực trại ra lệnh cho tù hình sự mang xuống nhà bếp của tù nhân với lệnh 'Ngày mai đem nấu để phát cho trại viên ăn chung.' Và đúng như lời ông ta, nhà bếp của tù nhân phải bóp bụng tuân lệnh nấu một thứ thực phẩm chè không ra chè, cháo chẳng ra cháo. Mỗi người được phát một nửa tô bằng nhựa một loại thực phẩm loãng gồm cơm khô, bột, lẫn vào đó là những cọng mì ăn liền. Thực ra, bình thường người dễ tính nhất cũng khó ăn, nhưng tù cải tạo đã 4 năm đói khát triền miên chúng tôi cũng vui vẻ thưởng thức món ăn mà trong đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy này ...”

Tôi đoán đám tù khi ăn cái món tả pí lù quái dị đó đã phải “nhăn mặt mỉm cười” và tôi cũng võ đoán Vũ Ánh khi viết đoạn này cũng phải mang nét mặt y như thế. Khác chăng chỉ là lúc phải ăn ở Xuân Phước thì bấm bụng ăn cho đỡ đói, vừa ăn vừa chửi thề; còn khi ngồi tả lại ở Mỹ thì nhăn mặt vì tưởng tượng tới cái bụng đau nhừ sau khi ăn và rồi mỉm cười ghi nhận hạnh phúc của một cựu tù đang sống ở Mỹ và được thưởng thức các món cao lương mỹ vị ở những nhà hàng vùng Nam California. Quí vị có thể tự hỏi, “Tù, có ăn là may rồi, còn nhăn mặt chửi thề chi nữa.” Quí vị nghĩ đúng nếu chưa đọc đoạn kế tiếp, để nhờ đó mà biết rằng trong mấy cái cần xé đựng thực phẩm tiếp tế của gia đình cho người tù, còn có cả những hũ thịt ram mặn, những gói lạp xưởng hay thịt muối kiểu Tàu được nấu theo tiểu táo (bếp nhỏ) dành cho trưởng phó trại và an ninh!!! Nên nhớ là từng ấy “cao lương mỹ vị” đã được mẹ và vợ con các tù nhân đưa tới trại sau nhiều ngày trèo đèo vượt suối, đánh đố với chính sinh mạng họ. Những món ăn đó là kết quả của bao nhiêu tháng năm hi sinh dành dụm chắt mót của họ ... rốt lại đã lọt vào bụng những kẻ đang hành hạ con, chồng và cha họ bên trong vòng rào. Thật không còn nỗi xót xa và đắng cay nào hơn cho người tù khi nghĩ tới người thân và khi nhìn thấy đám cán bộ cộng sản hể hả thưởng thức công lao mồ hôi nước mắt của thân nhân mình. Nhất là sau năm bảy năm dài mà trong đó người tù chỉ hàng ngày được hưởng chế độ hai muỗng cơm, hai muỗng nước và hai muỗng muối trong biệt giam. Ðây là một hình thức tra tấn mà tác giả cho là vượt xa Ðức Quốc Xã (đối với dân Do Thái thời Ðệ Nhị Thế Chiến). Bởi muối thật nhiều trong thực đơn chỉ nhắm duy nhất một mục đích là làm người tù khát rã họng suốt ngày đêm và thân thể họ mau bị phù thũng để chết lẹ hơn mà thôi. Ðám cai tù cộng sản rõ ràng là phải rất sung sướng khi chứng kiến kết quả của những hành động tra tấn tâm thần lẫn thân xác người tù do họ chủ động. Niềm vui sướng kỳ quặc đó có thể được coi là một hiện tượng tâm lý phổ quát của đa số cán bộ trông coi các trại trừng giới trên cả nước Việt Nam sau ngày 30 tháng 4, 1975 nếu nhìn vào bằng cớ trưng dẫn trong sách vở và các bài báo của những cựu tù may mắn sống sót.

Tôi nghĩ cái hay của ký giả Vũ Ánh, căn bản, nằm trong lối mô tả các thực kiện suốt 13 năm tù của anh, kể cả hơn 6 năm bị cùm trong xà lim, đôi khi cùm cả tay lẫn chân. Tất cả các bài viết trong sách, gồm tổng cộng 30 tiểu mục không kể lời tác giả mở đầu và kết thúc cuối sách, đều được viết một cách nhẹ nhàng đến bình thản - đôi khi còn có cả nét cợt cười - không ai oán, không than van và nhất là vắng cả những thù hận đúng ra phải có đối với những kẻ đã cướp mất một phần đời trai trẻ và đáng sống nhất, chưa kể thiếu chút nữa đã tước đi mạng sống, của anh. Người đọc quyển Hồi Ức của Vũ Ánh có cảm tưởng anh đã mô phỏng văn phong trong “Ðiên” của một bậc tiền bối đã ở tù cộng sản trước anh, đã gánh chịu những cơ cực chẳng thua gì anh và đã bị hạ nhục có khi còn hơn cả anh vì địa vị của ông trong chính quyền VNCH trước khi bị cộng sản cầm tù ngoài Bắc từ Tết Mậu Thân. Chỉ khác là tác giả Hoàng Liên (Nguyễn Văn Ðãi) ở tù ngắn hơn anh mà thôi.

Cụ Hoàng Liên, cũng như Vũ Ánh, đã bị cộng sản cầm tù; nhưng đã vượt khỏi ngưỡng chết để sống nốt quãng đời còn lại của mình. Tôi cho đó là một cái may do trời đất, tổ tiên và ý chí của chính họ hơn là do lòng nhân của những người đã bắt bớ, kìm kẹp và lưu đày họ trong tình trạng sống không ra sống mà chết chẳng được chết. Nghĩa là không hề do sự khoan hồng mà đám cán bộ cộng sản luôn miệng nhấn mạnh trước các tù nhân, coi đó là một đặc trưng của chế độ cộng sản. Trong một đoạn (trang 175, 176), ghi lại những đối đáp, có thể coi là một cuộc đấu trí, giữa Vũ Ánh và một cán bộ trung ương tới trại thẩm vấn anh, Ánh đã định nghĩa rất chính xác lượng khoan hồng đó bằng một hình ảnh tỷ giảo “ ... khoan hồng mà nhà nước nói như kiểu này thì thà các ông đưa chúng tôi ra ngoài đồng, cho mỗi đứa một viên đạn, như thế mới đúng là khoan hồng ....” Lập luận tương tự cũng đã được ông Huỳnh Cự, Trung Tá (VC) trước ngày hồi chánh, khi trả lời trưởng trại giam “lẽ ra đem tôi ra bắn ở cầu Bình Triệu thì mới là khoan hồng” khi y nói với ông rằng ông được sống cho tới lúc đó là nhờ nhà nước khoan hồng. Các thành phần chống cộng đã nói tới cảnh tắm máu nếu cộng sản chiếm được miền Nam. Cảnh đó đã không thực sự xảy ra như ở Kampuchea khi Khmer Ðỏ vào tới Phnom Pênh. Nhưng lừa bịp tất cả các quân nhân và công chức VNCH, bị gọi một cách miệt thị là bọn “ngụy,” vô tù để buộc họ lãnh một cái án vô hạn kỳ mà có khi đã kéo dài đến hơn 17 năm đối với một số tù - mà loại uyển ngữ giả nhân giả nghĩa của cộng sản bắt phải gọi là “trại viên” - thì tình cảnh đó đôi khi còn tệ hơn là tắm máu.

Chính Vũ Ánh đã kể trong những lần bị thẩm vấn và khảo tra, anh đã thẳng thắn nói với cán bộ cộng sản thẩm vấn anh rằng với tấm thân “xác ve” tiều tụy anh đang mang thì có đem anh ra bắn cũng thế thôi; bởi anh “coi như đã chết rồi.” Anh viết rất rõ một nhân tố đã giúp người tù sống và giữ được phần NGƯỜI trong thân xác héo mòn của họ” ... muốn giữ được nhân phẩm, duy trì nhân cách và khí tiết, một người tù cải tạo phải biết chấp nhận phần xấu nhất cho đời tù của mình, đó là sẵn sàng ra nằm ở Ðồi Thông (nghĩa địa của tù nhân cải tạo) ... ” (trang 107). Tôi võ đoán rằng đó không chỉ là kết luận của Ánh mà còn là của tất cả những người tù kiên cường khác. Tôi cũng mạn phép võ đoán thêm một chút nữa rằng quyết định như thế không hề là một lối phát biểu kiểu anh hùng Tàu, khinh thường sinh mạng mình. Trái lại, đối với những người tù không có ngày mai thì “coi như đã chết” chỉ là một phương tiện để giữ cái sống cho mình. Nếu xét kỹ thì sẽ thấy tính thuận lý của việc coi như đã chết để còn được sống. Trường hợp những người quá u buồn, quá lo lắng cho vợ con đến nỗi co ro khúm núm luồn lụy kẻ thù với hi vọng sẽ được nhẹ tay và nhờ đó mà sống sót, thì cái sống của họ hình như không đáng mang ra so với những người coi như chết mà vẫn sống. Ấy là chưa kể trường hợp những người quá lo rồi thực sự lìa đời do đau ốm thân xác và bệnh hoạn tâm thần trong tù, hay đi làm ăn-ten ton hót cho cai tù biết hành trạng các bạn tù của mình đến độ bị khinh ghét, bị hành hung và chung cuộc đã chết thảm ngay cả khi đã ra khỏi tù. Những trường hợp đại để như vừa kể cho thấy rằng khi những người cộng sản thuộc “bên thắng cuộc” không tạo ra những biển máu đúng theo ý muốn của Lê Duẩn bằng cách giết toàn bộ sĩ quan từ cấp tá trở lên và công chức từ trung cấp trở lên, để thay bằng cách giết họ lần mòn trong các nhà tù, không chứng tỏ người cộng sản chủ trương khoan hồng hay hòa hợp hòa giải gì cả với đồng bào mình bên “phe thua cuộc.” Người cộng sản trong thời gian sau 30 tháng 4, 1975, theo thiển ý, không hề ý thức mức độ gian ác của họ; loại gian ác mà Ánh cho là “... không thể tưởng tượng nổi trên thế gian này lại có sự dối trá, che đậy đến mức phi nhân như thế ...” khi đám cán bộ lừa dối vợ của một người tù đang ngồi chờ chồng trong giây phút họ đưa xác chết người tù ra nghĩa địa ngang qua chính chỗ mà bà này đang ngồi chờ. La Rochefoucault từng nhận xét là “khó có người nào khôn ngoan đủ để biết hết những cái ác mà y làm” (*). Rõ ràng là chẳng sai chút nào đối với người cộng sản. Dĩ nhiên cũng đáng mừng là đã có tù nhân sống sót về với gia đình. Nhưng bù lại thì cũng đã có rất nhiều người được cho về chỉ cốt để trại tù đỡ phải chôn họ. Và như thế là đỡ mang tiếng sát hại tù nhân. Người cộng sản không khôn đến độ ý thức cái ác của họ nhưng đủ khôn đến mức giả vờ nhân đạo cho những tù nhân gần chết về với gia đình.

Nhà báo Vũ Ánh không nằm trong số này. Phần chính, theo như tôi đã lạm bàn, là nhờ anh đã dứt khoát coi như mình không có gia đình, không cha mẹ vợ con, không cả thân mạng, không còn gì ráo. Anh đã thậm chí từ chối ra gặp Mẹ mình khi cụ bà cày cục đi thăm và có lẽ nhờ vậy mà đã không bị các cán bộ cộng sản dùng Mẹ và người anh cả làm áp lực truy bức anh. Có lần tôi hỏi xem anh phải sống làm sao trong tình trạng đó? Và nhất là làm sao giữ được đầu óc đừng phát điên và thân thể đừng bị phù thũng khi chỉ được cho ăn mấy lát khoai mì mỗi ngày với 2 muỗng nước muối bên trong xà lim? Câu trả lời của Vũ Ánh, đơn giản đến mức cộc lốc “đã chết rồi thì còn lo gì chuyện sắp chết?” Người đọc sẽ hiểu được lý do khiến anh và vài tù nhân gốc lính VNCH cả gan làm tờ báo chuyền tay mang tên Hợp Ðoàn ngay trong tù, trước mặt những tay điềm chỉ mà anh gọi là bọn “lá lúa PRC25” (**) khi hiểu được cái tâm cảm đã chết lúc vẫn còn thở của họ. Tôi không muốn nhắc lại những hành động đáng cho là can đảm và bất khuất của những người này trong trại tù (mà Vũ Ánh đã ghi trong sách) để mệnh danh họ là anh hùng. Chính họ thật sự cũng không hề muốn mạo nhận như thế. Tuy nhiên nếu không có một tâm lực cực nóng đối với điều mình tin tưởng và một ý lực cực mạnh đối với điều mình muốn làm thì đã không có những người liên tục kiếm đường trốn trại bất kể nỗi lo bị bắn chết (hay bị đánh chết) mà họ biết chắc là sẽ gặp nếu không thoát. Cũng đã không có cảnh một tù nhân nguyên là sĩ quan trẻ dám đứng lên, ngay trước mặt cai ngục và cán bộ cộng sản , để làm “quản ca” đốc thúc tất cả tù nhân hát vang bài “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” của Nguyễn Ðức Quang như được tả lại ở trang 65 “... ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người, làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam ...”; cũng đã không có chuyện một sinh viên 19 tuổi bị tù vì tội rải truyền đơn, can trường đấu khẩu tay đôi với cán bộ cộng sản và nhất định không quì gối theo lệnh của y, kèm theo khẩu CKC lên đạn mà hắn đã chĩa thẳng vào người anh khi ra lệnh (trang 115).

Tuy nhiên ghi nhận sơ lược về lòng quả cảm của đa số tù nhân trại cải tạo như thế đã đủ. Như xem một cuốn phim mà người xem chưa biết lúc mở gút (denouement) như thế nào, độc giả sẽ khám phá ra rất nhiều điều đáng ghi nhớ về cộng sản và những tù nhân VNCH nằm dưới tay họ khi đọc Hồi Ức của Vũ Ánh. Riêng đối với tôi, một bạn thân của Ánh, tôi còn muốn nhớ thêm, và nhớ mãi, hai sự kiện. Trước hết là mối tình đẹp muôn đời giữa Ánh và Ty như đã được chấm phá đôi nét ở trang 153. Ðẹp, và vui hơn nữa đối với riêng tôi, khi trong đám cưới, nhìn quanh quất không có ai, Ánh đã bảo tôi, “Mày đầu bạc đại diện đàng trai đứng chủ hôn luôn cho tao.” Vậy là tôi bỗng trở thành trưởng thượng của bạn mình trong khoảng 15 phút. Kế đó là bữa ăn thân hữu - loại bữa ăn mà tôi đã vui hưởng nhiều lần với nhiều bè bạn trong đời - diễn ra trong vòng non 1 tháng trước cái ngày định mệnh 14 tháng 3 năm nay. Ðây, do thâm tình giữa hai chúng tôi, là một kỷ niệm nhớ đời, bởi nó do chính tay bạn tôi nấu nướng cho tôi ăn. Lần đầu mà cũng là lần cuối. Nó mặn mòi, đơn sơ và hiền lành y như bản chất con người đích thực của bạn tôi. Tôi nghĩ tôi sẽ nhớ mãi bữa ăn đó, như sẽ nhớ mãi Hồi Ức của bạn tôi, coi như một tập văn kiện riêng, tuy rằng, như Ánh ghi trong lời kết “... tôi chỉ có mục đích duy nhất là để con cháu tôi và con cháu những bạn đồng tù với tôi ... dùng làm tài liệu tham khảo, đối chiếu và suy nghiệm khi cần thiết sau này ... “

Nguyễn Thiên Ân
(12 tháng 7, 2014)
Theo NgườiViệt
_____________
(*) Il n'y a guère d'homme assez habile pour connaitre tout le mal qu'il fait

(**) Máy truyền tin của các đơn vị hành quân VNCH hồi thời chiến
Theo Người Việt

No comments:

Post a Comment