Tuesday, July 15, 2014

Hàng loạt bệnh nhân bị hoại tử vì vi khuẩn ăn thịt


Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư gần đây tiếp nhận một số ca bệnh hoại tử do nhiễm vi khuẩn ăn thịt Aeromonas Hydrophila.
Khoảng 50% số bệnh nhân tử vong do bệnh quá nặng. Nhiễm trùng nặng do vi khuẩn ăn thịt dễ bị chẩn đoán nhầm với bệnh do liên cầu lợn.
Tổn thương nặng
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cho biết, đầu tháng 7, khoa tiếp nhận bệnh nhân N.H.V (nam, 45 tuổi, ở Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, suy thận, rối loạn đông máu nặng. Hai cẳng chân, bàn và cẳng tay phải sưng nề và hoại tử. Trước đó 3 ngày, bệnh nhân bị ong đốt vào mu bàn tay phải và đã rửa vết thương bàn tay dưới mương nước bẩn.
Sau 3 ngày thì xuất hiện sưng nề mu bàn tay phải và có sốt nhẹ. Hôm sau, xuất hiện đau nhức 2 bắp chân và khớp gối. Điều trị tại bệnh viện địa phương 1 ngày thì tổn thương sưng nề bắp chân 2 bên tiến triển nhanh, da chuyển màu xanh tím và hoại tử.
Bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng. Bác sĩ Cấp cho biết, với bệnh nhân này, có chỉ định cắt bỏ 2 chân từ đầu gối trở xuống vì đã hoại tử hết, trên cơ thể còn nhiều vị trí cũng hoại tử, nhưng gia đình xin cho bệnh nhân về vì bệnh quá nặng.
Trước đó, ngày 22/5, bệnh nhân P.X.T. (35 tuổi, ở Bắc Giang) bị vết xước ở mu bàn chân phải, sau đó đi lội nước bẩn. Bốn ngày sau, bệnh nhân bị sưng nề vùng bàn và căng chân phải, diễn biến nhanh thành hoại tử toàn bộ cẳng chân phải, có nhiều vùng sưng nề hoại tử khác trên cơ thể, sốc nặng, suy thận, rối loạn đông máu. Kết quả cấy máu ra vi khuẩn Aeromonas Hydrophila. Sau 6 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân vẫn không thoát sốc, gia đình xin ngừng điều trị, đưa về nhà.
Bệnh nhân bị hoại tử vì nhiễm vi khuẩn Aeromonas Hydrophila
Bệnh nhân bị hoại tử vì nhiễm vi khuẩn Aeromonas Hydrophila
Tháng 4/2013, bệnh nhân Ph.V.T (nam, 40 tuổi, ở Nam Hồng, Tiền Hải, Thái Bình) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Trước khi vào viện 4 ngày, bệnh nhân đi bắt cá bị ngạnh cá đâm vào mu bàn tay phải (đã lấy được ngạnh cá ra) và ăn hàu sống.
Sau 1 ngày, mu bàn tay phải sưng nề, nóng, đỏ, và bệnh nhân có sốt nhẹ. Ngày thứ 2 sốt cao hơn, tổn thương sưng nề lan lên cánh tay, bắp chân 2 bên cũng sưng và đau nhức nhiều. Ngày thứ 3, bệnh nhân có biểu hiện li bì, các tổn thương sưng nề bắp chân 2 bên có màu xanh tím.
Bệnh nhân vào bệnh viện địa phương trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc, có hoại tử da và nhiều phỏng nước trên các vùng tổn thương sưng nề. Khi bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, các vùng hoại tử sâu dưới da đã lan tới các khu vực khác như cánh tay, vai, cẳng chân, đùi và lưng. Xuất hiện tình trạng tắc mạch đầu chi với các biểu hiện đầu chi tím đen hoặc trắng bệch, thời gian đổ đầy máu mao mạch rất dài và mạch mu chân rất kém. Bệnh nhân ở trong tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc nặng, thiếu máu, rối loạn đông máu, suy gan, suy thận, và toan chuyển hóa. Sau vài ngày, kết quả cấy máu ra vi khuẩn Aeromonas Hydrophila.
Dễ bị chẩn đoán nhầm
Thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho thấy, từ năm 2012 tới nay, tiếp nhận hơn 10 trường hợp nhiễm trùng liên quan vi khuẩn Aeromonas Hydrophila, trong đó, phần lớn các trường hợp có kết quả cấy dịch tổn thương và/hoặc cấy máu thấy mọc vi khuẩn Aeromonas Hydrophila. Trong đó có 8 trường hợp cơ địa suy giảm miễn dịch (xơ gan, nhiễm HIV…) và 4 trường hợp có yếu tố phơi nhiễm rõ ràng như: bệnh nhân lội cống nước thải, làm việc ở khu vực nước ngâm bè tre nứa, bị ngạnh cá làm rách da và có ăn hàu sống, bị ong đốt và rửa tổn thương bàn tay trong mương nước bẩn.
Bác sĩ Cấp cho biết, vi khuẩn gây bệnh thường không gây nhiễm trùng, trừ khi chúng xâm nhập vào cơ thể qua vết cắt hoặc các tổn thương rách da khác. Vi khuẩn có thể lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc gần, như chạm vào vết thương của người bị nhiễm.
Nhưng trường hợp này hiếm khi xảy ra, trừ khi người bị phơi nhiễm hay tiếp xúc với vi khuẩn có vết thương hở, bị thủy đậu, hoặc hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Có thể mắc bệnh khi vi khuẩn xâm nhập vết thương, vết thương tiếp xúc với nước biển, cá nước mặn, hoặc hàu sống, bao gồm cả những tổn thương từ việc xử lý động vật biển như cua…
Bên cạnh nhiễm trùng nặng liên quan vi khuẩn Aeromonas Hydrophila, những năm gần đây cũng xuất hiện các nhiễm trùng nặng liên quan vi khuẩn liên cầu lợn, với đặc điểm bệnh rất giống với nhiễm trùng liên quan Aeromonas Hydrophila. Nhưng 2 loại nhiễm trùng này lại có cách xử trí khác nhau. Vì vậy, nếu không có kinh nghiệm, bác sĩ rất dễ chẩn đoán nhầm và điều trị sai hướng, dẫn tới bệnh nhân tử vong.
Điều trị càng sớm thì khả năng hồi phục và tránh được các biến chứng nghiêm trọng như cắt cụt chi hoặc tử vong càng cao. Bác sĩ khuyến cáo, để giúp ngăn ngừa bất cứ loại nhiễm trùng nào, hãy rửa tay thường xuyên và luôn giữ các vết cắt, xước, bỏng, loét, đốt… trên da sạch sẽ.

No comments:

Post a Comment