Tuesday, July 15, 2014

Bạn trẻ ơi, hãy sống thật sung mãn



Gần đây, tôi nhận thấy trên các ly đựng cà phê Starbucks người ta có in một số câu nói thật ngắn gọn của Oprah Winfrey là một người rất nổi danh với chương trình hội thoại trên truyền hình tại Mỹ từ vài ba chục năm gần đây. Ðiển hình như câu phát biểu sau đây của người nghệ sĩ tài ba này: “Cuộc sống của bạn thật to lớn. Hãy tiếp tục vươn tới” - Nguyên văn tiếng Anh: “Your life is big. Keep reaching.”

Câu nói này khiến tôi liên tưởng đến cái khẩu hiệu rất thông dụng trong giới trẻ trên thế giới từ ba bốn chục năm nay. Câu đó chỉ gồm có 4 chữ thế này: “Think Globally, Act Locally.” Xin tạm dịch dài dòng cho rõ nghĩa hơn: “Hãy suy nghĩ toàn cục, Hãy hành động tại địa phương.”

I- Thích nghi với hoàn cảnh mới của xã hội tiến bộ

Ngày nay với sự tiến bộ thần kỳ của khoa học kỹ thuật cũng như sự thịnh vượng về mặt kinh tế tại khắp nơi trên thế giới - và đặc biệt là sự bùng nổ thông tin và giao lưu giữa các dân tộc - thì hiện tượng toàn cầu hóa càng ngày càng mở rộng trên khắp các lãnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa cũng như chính trị. Trong một thế giới văn minh phát triển như thế, thì mỗi cá nhân riêng lẻ - cũng như mỗi tập thể dân tộc của một quốc gia - đều phải cố gắng học tập, suy nghĩ, tìm hiểu để mà theo kịp được với những sự chuyển biến lớn lao của xã hội. Như dân gian thường nói, “Mỗi khi nước nổi lên, thì con thuyền cũng phải dâng cao theo.” Ðó là một quy luật trong cuộc tranh đấu sống còn của thiên nhiên cũng như của cộng đồng nhân loại vậy.

Còn về mặt hành động, thì cũng phải thích nghi với hoàn cảnh thực tế tại mỗi địa phương với những đặc thù về văn hóa xã hội cũng như về kinh tế chính trị riêng biệt tại mỗi nơi, mỗi lúc. Cụ thể như tại nhiều nơi trên thế giới kể từ thập niên 1950, người ta thường phát động những chương trình hoạt động gọi là “Phát Triển Cộng Ðồng” (Community Development Projects) nhằm cải thiện môi trường sinh hoạt của từng địa phương. Ðó là những công tác cải tiến xã hội thực tiễn mà được thực hiện với sự tham gia tự nguyện và hăng say phấn khởi của chính người dân địa phương, ngay tại “hạ tầng cơ sở” nơi đó (at the grassroot).

Cũng tại các địa phương, thì thường xảy ra những bất công áp bức do người có quyền thế gây ra làm khổ cực cho người dân “thấp cổ bé miệng, thân cô thế cô.” Vì thế mà cần phải có những người trượng phu quân tử dám ra tay nghĩa hiệp để bênh đỡ cho những nạn nhân của bất công xã hội đó. Như cha ông ta xưa kia đã từng nhắc nhở trong câu, “Anh hùng thấy sự bất bình chẳng tha.” Và chính vì khía cạnh “Hành động nhằm bênh vực sự công bằng xã hội” này, mà tôi muốn khai triển chi tiết hơn trong mục sau đây.

II- Vai trò làm “đối trọng” của xã hội dân sự hiện nay

Như ta đã biết xã hội dân sự đóng hai vai trò chính yếu, đó là vừa làm “đối tác” và vừa làm “đối trọng” đối với Chính Quyền Nhà Nước (Counterpart/Counterbalance). Làm đối tác là cùng sát cánh với nhà nước trong loại công việc từ thiện nhân đạo, giáo dục thanh thiếu niên v.v..., như các hội hồng thập tự, hướng đạo, cứu trợ nạn nhân thiên tai bão lụt. Còn làm đối trọng là tranh đấu bênh vực những nạn nhân của bất công áp bức do cán bộ nhà nước gây ra, điển hình như bênh vực dân oan bị mất nhà mất đất, bảo vệ các nạn nhân bị công an cảnh sát đối xử tàn bạo, chà đạp nhân phẩm v.v...

Từ trên 60 năm nay, kể từ ngày Liên Hiệp Quốc công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền vào năm 1948, thì lần lượt tại khắp nơi trên thế giới đã phát sinh ra một phong trào tranh đấu cho phẩm giá và quyền con người. Cuộc tranh đấu này đã và đang diễn ra hết sức kiên cường sôi nổi nhằm bắt buộc giới cầm quyền cũng như giới tài phiệt tại từng quốc gia phải chấm dứt mọi hành động bất công áp bức đối với người dân sở tại. Và đặc biệt trong vòng 30 năm nay, nhờ sự phổ biến của Internet mà người dân tại nhiều quốc gia đã có thể trao đổi tin tức vừa mau lẹ vừa chính xác cho nhau - để rồi từ đó mà đưa ra những hành động hợp thời, hiệu quả nhằm bênh vực quyền lợi chính đáng của bà con đồng bào ruột thịt của mình.

Riêng ở nước Việt Nam chúng ta hiện nay, thì đang xuất hiện công khai các nhóm, các tổ chức tự phát mà có đủ cả ba tính chất “phi chính phủ,” “bất vụ lợi” và “tự nguyện” của xã hội dân sự nhằm đòi hỏi nhà cầm quyền cộng sản phải thực tâm tôn trọng những quyền tự do căn bản của mỗi người công dân - như đã được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền và các văn bản liên hệ khác cũng do Liên Hiệp Quốc ban hành. Như vậy là cuộc tranh đấu của bà con chúng ta ở trong nước đã đi đúng hướng với phong trào toàn cầu để đòi hỏi mọi chính phủ phải thực thi những cam kết về Bảo Vệ Nhân Quyền từ lúc họ ký kết phê chuẩn các Công ước Quốc Tế về quyền chính trị và dân sự cũng như về quyền kinh tế, xã hội và văn hóa.

Cụ thể là gần đây, nhiều nhà tranh đấu nhân quyền từ Việt Nam đã có mặt tham gia tại các buổi điều trần công khai về nhân quyền do Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ, hay do tổ chức Cộng Ðồng Âu Châu (EU = European Union) hoặc do chính phủ Liên Bang Hoa Kỳ mở ra cho công chúng tham dự. Rõ rệt là những đại biểu đó đang cất lên tiếng nói thay cho những nạn nhân của bất công áp bức ở Việt Nam - mà họ luôn bị chính quyền cộng sản bịt miệng không cho phát biểu - điển hình là Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã bị công an công khai bịt miệng trước phiên tòa (Voice for the Voiceless in Vietnam).

Như vậy là cuộc tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền tại địa phương Việt Nam chúng ta hiện đang có được sự thông cảm, liên đới và sự tiếp tay yểm trợ của nhiều dân tộc trên thế giới vậy đó (Local Action with Global Solidarity and Support).

III- Tranh đấu vì “yêu thương trọn vẹn” đối với đồng bào ruột thịt thân yêu của mình

Vào năm 1995, lúc còn bị giam giữ tại trại Z30D ở Hàm Tân, Phan Thiết, tôi có làm một bài thơ song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh nhan đề “Nói với bạn trẻ” - trong đó có mấy câu cuối như sau:

“...Hãy sống thật sung mãn
Bằng yêu thương trọn vẹn
Và tận hưởng
Sự an bình ngây ngất
Trong sâu thẳm nội tâm chúng ta.”

Tôi muốn đưa cụm từ ngữ “hãy yêu thương trọn vẹn” trong bài thơ này để góp thêm vào với cái khẩu hiệu “hãy suy nghĩ toàn cục, hãy hành động tại địa phương” đã ghi ở trên thành một khẩu hiệu có ba vế mà được viết ra tiếng Anh như sau: “Think Globally - Act Locally - Love Totally.”

Và tôi cũng muốn nói rõ hơn với các bạn trẻ rằng, ở vào đầu thế kỷ 21 này, phần đông trong chúng ta đang được hưởng thụ những thành quả tốt đẹp của sự tiến bộ về khoa học kỹ thuật, của nền kinh tế thịnh vượng và của sự thông cảm và liên đới quốc tế. Ðó là những phúc lộc do cha ông chúng ta trước đây và cũng do nhân loại tiến bộ ngày nay đã góp phần tạo dựng ra để cho tất cả chúng ta được sống trong bàu không khí nhân ái an hòa, thịnh vượng và tiến bộ của cộng đồng thế giới hiện nay.

Vì từ gần 70 năm qua, người cộng sản đã gieo rắc mối hận thù ân oán của chủ thuyết “đấu tranh giai cấp” với “chuyên chính vô sản” vào trong lòng dân tộc ta - khiến cho cái nọc độc bạo lực căm thù đó đã tàn phá đến tận cội rễ trong tâm hồn con người Việt Nam chúng ta, làm băng hoại tiêu diệt hết cái truyền thống nhân ái bao dung trong xã hội - mà phải biết bao nhiêu thế hệ vất vả cực nhọc cha ông ta mới gầy dựng nuôi dưỡng lên được. Do đó, mà tôi muốn kêu gọi các bạn trẻ hãy nghiêm túc nghe theo lời kêu gọi khuyên nhủ của cha ông chúng ta từ xa xưa - mà được gói ghém trong hai câu văn thật ngắn gọn như sau, “Ðem đại nghĩa thắng hung tàn. Lấy chí nhân thay cường bạo.”

Trong cuộc sống của con người thời nào và ở đâu cũng vậy - điều quý báu nhất là do nơi tấm lòng nhân ái yêu thương đùm bọc lẫn nhau, giúp đỡ nhau mỗi khi có ai gặp hoạn nạn, bị bóc lột chèn ép. Các bạn trẻ ngày nay được tiếp cận nhiều với thế giới văn minh tiến bộ, thì các bạn càng có nhiều khả năng, nhiều sáng kiến để mà đem ra giúp dân giúp nước đang bị cả hai thứ “thù trong, giặc ngoài” quấy phá.

Và chỉ khi nào mà - thông qua các hành động cụ thể tích cực - các bạn biết đem hết cái tình yêu thương trọn vẹn đó ra để san sẻ rộng rãi với đông đảo các bà con đang là những nạn nhân khốn khổ bất hạnh của cường quyền bạo lực - thì cuộc sống của các bạn mới thật sự sung mãn và có ý nghĩa cao đẹp tuyệt vời vậy.
07-13-2014 3:36:25 PM 
Ðoàn Thanh Liêm

Theo NgườiViệt

No comments:

Post a Comment