(Baodatviet) - Trung Quốc leo lẻo về cái gọi là “ảnh hưởng tiêu cực” của “Quyền tự vệ tập thể” Nhật Bản, ngụy biện cho hành động chạy đua vũ trang...
Ngày 3-7, trên trang mạng “Học giả ngoại giao” Nhật Bản (The Diplomat) có bài viết với tiêu đề là: “Thuyết răn đe và Quyền tự vệ tập thể của Nhật Bản”, đã khiến cho đông đảo học giả và chuyên gia bình luận Trung Quốc bàn tán sôi nổi về những ảnh hưởng của nghị quyết mới của Nhật Bản về thực thi “Quyền tự vệ tập thể”, mang đến cho an ninh Đông Bắc Á.
Vấn đề quan trọng nhất được những chuyên gia phân tích của Bắc Kinh đề cập đến là việc chính phủ Nhật Bản giải thích lại Hiến pháp, xét đến cùng là yếu tố thúc đẩy sự ổn định hay là sự phá hoại cơ chế an ninh Đông Á?
Một số học giả Trung Quốc đều cho rằng, việc giải thích lại Hiến pháp, xóa bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể” là sự kiện có tính biểu trưng rất cao, là sự điều chỉnh tư tưởng chiến lược quân sự, điều này đồng nghĩa với việc trong khoảng thời gian ngắn nó không phải là yếu tố phá hoại nghiêm trọng sự ổn định.
Trung Quốc luôn tìm cách bao biện cho những hành động ngang ngược của mình
|
Ngược lại, các nước láng giềng của Nhật Bản sẽ tiếp tục quan tâm đến các hành động mang tính xúc phạm của Thủ tướng Nhật như: Thăm viếng đền Yasukuni và vấn đề phụ nữ bị ép làm nô lệ tình dục trong Thế chiến thứ 2
Tuy nhiên, một số chuyên gia Trung Quốc đã gắn việc giải thích lại Hiến pháp theo những quan điểm trong “Lý luận về cân bằng các mối đe dọa” để quy vấn đề Nhật giải thích lại Hiến pháp và dỡ bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể” có thể sẽ phá hoại an ninh và ổn định khu vực Đông Bắc Á.
“Lý luận về cân bằng các mối đe dọa” do học giả người Mỹ Stephen Walt đưa ra theo quan điểm chủ nghĩa hiện thực truyền thống là “Các nước sẽ căn cứ vào thực lực của nước khác để kiểm soát và duy trì sự cân bằng chiến lược”. Lý luận này cho rằng, các nước sẽ căn cứ vào sự uy hiếp mình cảm nhận được để điều chỉnh sự cân bằng trong cán cân quân sự với nước khác.
Bắc Kinh nỗ lực phát triển lực lượng hải quân để hậu thuẫn cho giấc mơ độc chiếm biển Đông và biển Hoa Đông
|
Chuyên gia Trung Quốc phân tích, dù trong “Hiến pháp hòa bình” đã tuyên bố từ bỏ chiến tranh nhưng trong tâm khảm của nhiều người, Nhật vẫn là một quốc gia rất hiếu chiến, hơn nữa lực lượng phòng vệ của nước này rất mạnh, về cơ bản có thể so sánh được với quân đội Pháp.
Xét quan hệ đối địch giữa Bắc Kinh và Tokyo với tiến trình hiện đại hóa hải quân Trung Quốc, giải thích lại Hiến pháp cho phép lực lượng tự vệ nước này có quyền tham gia tự vệ tập thể, bảo vệ đồng minh. Điều này làm tăng thêm cảm giác bất an của Trung Quốc trước mối đe dọa từ phía Nhật Bản.
Trước đây, Bắc Kinh đã đứng trước khả năng đối địch với Tokyo vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, nhưng hiện nay Trung Quốc có thể sẽ phải chiến đấu với Nhật trên cả những chiến trường khác. Vì thế, Nhật thực thi “Quyền tự vệ tập thể” có thể dẫn đến việc Bắc Kinh đẩy mạnh phát triển quân đội để làm đối trọng với Tokyo.
Bắc Kinh đầu tư hàng trăm tỷ USD/năm để xây mộng bá quyền
|
Một số chuyên gia quân sự còn đưa ra một luận điểm là khả năng Nhật sẽ can dự vào xung đột trên eo biển Đài Loan giữa Đại Lục và Đài Bắc. Tuy khả năng này khó có thể xảy ra, nhưng chỉ riêng việc Tokyo được phép tiến hành “Quyền tự vệ tập thể” đã khiến cho nó hoàn toàn có thể biến thành sự thật, làm thay đổi những tính toán chiến lược của của Đại Lục, khi quyết định tiến công vào Đài Loan.
Các phương tiện truyền thông Trung Quốc nhận định, từ khi ông Shinzo Abe và Đảng Dân chủ Tự do LDP lên nắm quyền 2 nhiệm kỳ liên tiếp, Trung Quốc đã phải đề phòng “sự đe dọa đến từ Nhật Bản”. Vì vậy, dỡ bỏ lệnh cấm “Quyền tự vệ tập thể” sẽ không dẫn đến những thay đổi rõ rệt mà nó chỉ là “sự tiếp nối” các hành động mà Bắc Kinh đang thực hiện.
Tuy nhiên, Tokyo đã trở thành mối đe dọa ngày càng lớn đối với Bắc Kinh, buộc Trung Quốc điều chỉnh sự cân bằng. Nhìn từ góc độ này, việc thực thi “Quyền tự vệ tập thể”, nếu không phải là yếu tố phá hoại hòa bình và an ninh một cách rõ rệt, thì chắc chắn cũng không phải là yếu tố mang lại sự ổn định cho khu vực Đông Bắc Á.
Trung Quốc dự định dùng sức mạnh quân sự để uy hiếp các nước khác
|
Thực ra, luận điểm này của giới học giả và chuyên gia quân sự Trung Quốc chỉ là ngụy biện cho hành động chạy đua vũ trang, xây dựng một quân đội khổng lồ làm công cụ răn đe quân sự, dọa nạt nước khác nhằm hiện thực hóa giấc mộng bành trướng bá quyền của Bắc Kinh.
Đã mấy chục năm Nhật yên ổn sống chung với bản “Hiến pháp hòa bình”, với chiến lược quân sự là “phòng vệ đất nước”. Chỉ từ khi “Trung Quốc uy hiếp luận” ngày càng trở nên rõ ràng, trước những hành động hung hăng của lực lượng hải/không quân Trung Quốc, Nhật mới bắt đầu thay đổi nhận thức.
Trước những đòi hỏi chủ quyền ngang ngược, vô căn cứ của Bắc Kinh trên biển Đông và biển Hoa Đông, Tokyo mới phải đưa ra quyết định khó khăn, gây sóng gió trong đời sống xã hội của nước này là giải thích lại Hiến pháp, xóa bỏ chế ước về “Quyền tự vệ tập thể”, sửa đổi “3 nguyên tắc xuất khẩu vũ khí” để “tự cởi trói” nhằm đối phó với những hành động ngang ngược, bất chấp luật lệ quốc tế của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Thứ Tư, 16/07/2014 13:45Thùy Linh
No comments:
Post a Comment