Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Ở đời có những chuyện, cười đến chảy nước mắt sống.
Thông thường những chuyện ngỡ là tiếu lâm, không chỉ có thật mà còn để lại nhiều suy nghĩ sâu xa, ý nhị, chua cay và mỉa mai tột độ từ những vụ việc tưởng chừng "tào lao bát xế".
Trùm quần lên đầu
Đó là "ngón nghề" của các mẹ, các chị, các cô sử dụng khi ức quá không biết làm gì, lại không để mang tiếng hành động "bạo lực".
Báo Tiền Phong ra ngày 12/3/2007 đưa tin [1] (trích): "Một người đàn ông bị một phụ nữ lấy quần nhuốm màu đỏ bầm, tròng lên đầu. Người đàn ông cho rằng mình đã bị làm nhục, còn cơ quan công an kết luận “hành vi không cấu thành tội phạm”..." (hết trích).
Theo đó, vì một mâu thuẫn thường tình trong kinh doanh, một chị phụ nữ đã làm như thế để hả giận. Người đàn ông kia khiếu nại kết luận của công an, vì cho là vụ việc nghiêm trọng. Luật sư Lê Minh Châu - Đoàn luật sư Cà Mau cho biết: “Vụ tròng quần lên đầu người khác là vi phạm pháp luật hình sự". Tuy nhiên sự việc có vẻ trôi vào quên lãng. Có lẽ vì người đàn ông kia là... thường dân, nên coi như "đại trượng phu" không đến nỗi chấp nê... đàn bà (?!)
Trong một diễn biến tương tự, mới hơn, bà Nguyễn Thị Xuân Đào, 58 tuổi, cư ngụ tại Quy Nhơn - Bình Định đã bị tòa tuyên phạt tù giam với thời hạn 4 tháng 15 ngày vào hôm 17/1/2014 bằng tội danh "Làm nhục người khác" đối với ông Chánh án Tòa án Nhân dân Tp. Quy Nhơn, sau hai lần hoãn xử [2].
Dù bà Nguyễn Thị Xuân Đào được biết là một nữ võ sư, nhưng may mắn, bà đã không dại dột sử dụng chuyên môn. Trước tòa bà nói: "Vì xót của, bị cáo tìm đến tòa hỏi về vấn đề này. Lúc đó nóng giận, mất khôn, bị cáo đã làm ra hành động sai trái với chánh án".
Báo Pháp Luật Xã Hội viết tắt tên ông chánh án tòa án Quy Nhơn với vỏn vẹn chữ D. Trong khi báo Một Thế Giới cho hay [3]: "...Chánh án Tòa án nhân dân TP Quy Nhơn Trương Quốc Dũng, người bị hại của vụ án có đơn xin xử vắng mặt".
Trang thông tin của cơ quan cao nhất Việt Nam về pháp luật, với hình ảnh cụ thể cho biết [4]:"Ngày 17/8/2012, TAND tỉnh Bình Định phối hợp với TAND thành phố Quy Nhơn, Thành ủy Quy Nhơn tổ chức Lễ công bố và trao Quyết định bổ nhiệm Thẩm phán trung cấp cho đồng chí Trương Quốc Dũng, sinh năm 1959, Chánh án TAND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định".
Từ khi ông Chánh án tòa Quy Nhơn: "...bày tỏ lòng tự hào và vinh dự vì đây là lần đầu tiên bổ nhiệm Thẩm phán Trung cấp cho TAND cấp huyện..." cho đến khi bị nữ võ sư trùm quần lên đầu vào ngày 11/9/2013, chỉ vỏn vẹn có hơn một năm.
Cũng trang Một Thế Giới cho biết thêm: "Các nhân chứng là thẩm phán của Tòa án nhân dân TP Quy Nhơn vắng mặt", dù trước đó "...những người này đã chứng kiến cảnh ông Dũng bị bà Đào trùm quần lên đầu và kéo ra ngoài hành lang [...] la lớn cho nhiều người cùng nghe, thấy".
Hành xử như các thẩm phán dưới quyền của ông Chánh án gần với hành vi trốn tránh sự thật - điều lẽ ra những người như thế cần hiểu rõ hơn ai hết. Không những vậy, sự thật đó còn nhằm phục hồi thanh danh ông Trương Quốc Dũng - vừa là cấp trên, vừa là đồng nghiệp, đồng chí của họ.
Việc vắng mặt của các thẩm phán - trong phiên xử - còn trở nên đáng trách với tư cách nhân chứng, nhằm củng cố tội danh của bà Đào để bảo vệ sự thật một cách khách quan và thuyết phục. Thật đáng chỉ trích đối với những người mệnh danh "con nhà luật", khi họ dường như không muốn trình bày vụ việc "tai nghe mắt thấy" trước công lý thuộc "công đường XHCN".
Sự thật diễn tiến như thế nào đã làm bà Đào "nóng giận" và "mất khôn" để hành động ra nông nổi (?). Không biết ông Trương Quốc Dũng có lời lẽ sỉ nhục hay khiêu khích như là phạm điều 121, đối với bà Đào hay không? Phiên tòa thiếu phần đối chất giữa đôi bên - một thiếu sót không thể chấp nhận về chuyên môn.
Điều 121. Tội làm nhục người khác:
1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:
...
c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
d) Đối với người thi hành công vụ;
Nếu có những lời lẽ, hành vi từ phía ông Trương Quốc Dũng như là tác nhân khiến bà Đào hành động như thế, chứng tỏ ông Dũng đã phạm vào khoản c và/hoặc d nói trên. Nói cách khác, nếu có như vậy, cần phải truy tố cả ông Dũng tội "làm nhục người khác" trong lúc đang thi hành công vụ, vì ông đang tiếp công dân trong tư cách Chánh án Tòa Quy Nhơn.
Ông tiên sống mãi.
Cuốn sách "Hồ Chí Minh - Ông Tiên sống mãi" [5], nguyên tác của Suprida Phanomjong (Thái Lan), do Nguyễn Thành Hoan và Nguyễn Thị Thùy Châu chuyển dịch ra tiếng Việt do ba đơn vị đồng giới thiệu gồm: Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật, Ban Tuyên giáo trung ương và Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Tác giả người Thái Lan cũng được biết có người cha - cố Thủ tướng Thái Lan Pridi Phanomyong - nặng ân tình với ông Hồ Chí Minh. Cuốn sách nhằm bày tỏ lòng ngưỡng mộ và "xúc cảm chân thành" của tác giả, theo NXB CTQG - ST cho biết.
Lý do gọi ông Hồ Chí Minh là "ông tiên", cũng theo bài giới thiệu: "... bởi cho đến tận ngày nay, trên bàn thờ của người Việt Nam đều đặt ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ được toàn dân hết lòng kính yêu...".
"...trên bàn thờ của người Việt Nam đều đặt ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh...", "cho đến tận ngày nay" vẫn chưa có căn cứ kiểm chứng qua con số vài phần trăm nào đó, cho nên tựa tác phẩm trở nên khá... cực đoan. Thậm chí, nhà xuất bản trở nên lố lăng khi sử dụng chữ "ông tiên" với "tôn chỉ" luôn mang danh "sự thật".
Người Việt Nam cũng biết khẩu hiệu: "Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta".
Ngay cả "sống mãi" cũng là khái niệm sai lầm trầm trọng. Theo thuyết nhà Phật, các vị Thần Tiên, tất cả đều thoát khỏi kiếp luân hồi, do đó không tồn tại khái niệm "sống mãi".
"Sống mãi", suy cho cùng chỉ thể hiện nỗi khát khao vô độ mang tính cuồng vọng của những bậc vua chúa tàn bạo như nhiều người biết về Tần Thủy Hoàng. Vì cố đi tìm thuốc "trường sinh bất lão", không biết bao nhiêu con người đã chết dưới tay ông ta.
Nếu Hồ Chí Minh xứng gọi là "tiên ông", không cần và không nên "sống mãi". Phản khoa học và dị hợm.
Duy, trong truyện cổ tích người ta thường thấy: một giống loài nào đó khổ công tu luyện ngàn năm để can thiệp hoặc chi phối đời sống loài người, ví dụ "Hồ Ly Tinh" - một loài cáo, tương truyền, để trở thành một mỹ nhân với nhan sắc tuyệt trần cùng phép thần thông ghê gớm, cáo ta phải mất cả ngàn năm khó nhọc mới luyện thành. Thậm chí, với khát khao độc tôn tuyệt đối, các loài yêu tinh luôn "phấn đấu" làm sao để điều khiển tất thảy tư tưởng và hành động của loài người.
Trong tác phẩm "Những lời trăng trối" [6], triết gia Trần Đức Thảo nhận định về Hồ Chí Minh: “Ông cụ” đã tạo ra một thời chính trị điên đảo. Ngoài ra, đám quần thần chung quanh “ông cụ,” không tha thứ cho ai dám tỏ ra ngang hàng với “Người”. Họ tôn vinh “ông cụ” làm bác, làm cha dân tộc. Tạ Thu Thâu chết mất xác vì câu nói “ngoài bắc có cụ, trong nam có tôi.” TĐT cho biết, năm 1946 gặp “ông cụ” trong một buổi chiêu đãi ở Paris, ông đã bất ngờ trước lời khước từ: “cách mạng chưa cần tới chú đâu” của HCM; khi ông tự ý nắm tay “ông cụ” ngỏ lời: “Tôi muốn về nước cùng cụ xây dựng thành công một mô hình cách mạng tốt đẹp tại quê hương.”
Quả là tàn ác và độc địa vô song!
Đài RFI có bài [7]: "Cần làm sáng tỏ các tư liệu Trung Quốc về Hồ Chí Minh" với cuộc phỏng vấn ông Phạm Quế Dương. Với tư cách "người lính Bác Hồ", luôn tự hào về và kính trọng Hồ Chí Minh, cựu đại tá Dương đòi làm rõ sự thật xoay quanh thông tin từ phía Trung cộng đưa ra.
Một mai sự thật phơi bày, không biết những người sùng bái tột độ Hồ Chí Minh có bật ngửa và hãi hùng như đang dõi theo bộ phim "Liêu Trai Chí Dị" với đoạn kết: Dù khổ công "tu luyện", nhưng các loại yêu tinh trước sau gì cũng lộ nguyên hình. Tất cả vỏ bọc dù thanh tao hay vời vợi "hồn muôn trượng", đều vỡ vụn.
Suy cho cùng, dù ông Hồ là người Hoa hay người Việt, những gì ông ta đã gây mầm tội nghiệt ngày nay cho quê hương này vẫn là và mãi là sự thật. Phải chăng ý nghĩa Hồ Chí Minh "sống mãi" tỏ ra hiệu quả trong nhận định này? Vấn đề còn lại, "sống mãi" thế này thì... quả đáng sợ!
Kết
Chuyện xưa (mà có thật) kể rằng: Tại kinh thành phồn hoa, náo nhiệt, một hôm, xuất hiện bốn chàng trai tuấn tú, bỗng vác búa tạ đòi đập "Lăng Ông Tiên".
Rất may, nhờ có "mặt trời trong lăng rất đỏ" [*] mà bá tánh tránh được tai kiếp. Theo đó, "lăng tiên ông" vẫn còn nguyên "cho đến tận ngày nay". Hết.
Chuyện nghe...thật... vô duyên!
Tuy nhiên, để góp phần răn đe ngưòi dân, án phúc thẩm của [8]: Nguyễn Doãn Kiên, Vũ Hồng Tố, Nguyễn Văn Kiệm, Trịnh Minh Khánh chắc khó nhẹ, khi đã dám tính chuyện quậy phá "ông tiên" đang "ngủ trong lăng".
Cảnh báo! Người dân không nên động đến "tiên ông" đang "nằm trong lăng" dưới bất kỳ hình thức nào. Đặc biệt các bà, các cô cần nên nhớ: Không bao giờ được phép "trùm quần lên đầu" bất cứ ông cộng sản nào, tất nhiên "ông tiên" cũng là một ông cộng sản.
_________________________________
Ghi chú: Bài viết không nhằm cổ súy việc "trùm quần lên đầu" của bất kỳ ai. Bất cứ ai nếu bị một người nào đó hành xử tương tự như vậy, dứt khoát "không liên quan" đến tác giả viết bài này.
[2] http://phapluatxahoi.vn/20140118081146365p0c1002/phat-tu-nu-vo-su-trum-quan-len-dau-chanh-an.htm
[4] http://toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/299083?pers_id=1751941&item_id=20331504&p_details=1
[*] Viếng lăng bác - Thơ Viễn Phương
No comments:
Post a Comment