Sau khi vào Biển Đông, bão Thần Sấm (Rammasun) đã mạnh lên cấp 13. Khoảng trưa chiều ngày 19/7, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, vùng tâm bão có thể là Hải Phòng – Quảng Ninh.
Chiều 16/7, tại Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã chủ trì cuộc họp với các ban ngành bàn phương án phòng chống bão Thần Sấm.
Ông Doãn Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, 14h chiều nay bão Thần Sấm đã vào tới Biển Đông và mạnh lên cấp 13, giật cấp 14, 15. Bão đi theo hướng tây tây bắc, hướng vào đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau khi bão đi vào tới vịnh Bắc Bộ sẽ có khả năng giảm cấp.
“Đây là cơn bão mạnh, có diễn biến phức tạp, do vậy người dân phải hết sức chú ý, theo dõi, đề phòng. Chúng tôi dự báo có khả năng trưa hoặc chiều ngày 19/7, bão sẽ đổ bộ vào đất liền, tâm của bão Thần Sấm có thể đổ bộ vào các tỉnh Hải Phòng – Quảng Ninh”, ông Cường nhận định.
Đướng đi của cơn bão Thần Sấm
Theo ông Cường, vùng biển quần đảo Hoàng Sa từ ngày mai (17/7) có gió mạnh dần lên cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão cấp 13, giật cấp 14. Đến chiều tối và đêm 18/7, bão Thần Sấm có khả năng đi vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 11, cấp 12, giật cấp 14. Mưa tập trung từ ngày 17 đến 22/7 với lượng mưa phổ biến từ 200-300 mm.
Sau khi nghe diễn biến về cơn bão, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho hay, đây là cơn bão mạnh, di chuyển nhanh. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương có thể bị ảnh hưởng của bão Thần Sấm phải lên phương án sẵn sàng đối phó. Tỉnh Hải Phòng và Quảng Ninh trong ngày mai 18/7, cũng họp bàn phương án phòng chống bão.
“Trưa 19/7, bão Thần Sấm sẽ vào tới bờ, ngay từ buổi sáng gió đã rất mạnh. Tất cả tàu thuyền ở vịnh Bắc Bộ, trong ngày 18/7 phải vào bờ, kể cả tàu vận tải, tàu du lịch. Các địa phương chịu ảnh hưởng của bão cũng phải xong mọi việc trước ngày 19/7”, Bộ trưởng Phát nói.
Bộ trưởng Phát lưu ý, về nông nghiệp, các địa phương chưa cấy phải ngừng ngay lại, chờ sau khi bão tan tiếp tục cấy. Đối với tỉnh có tàu bè lớn phải neo đậu an toàn, không để xảy ra tình trạng tàu đứt neo trôi tự do va đập làm hư hỏng cầu, công trình xây dựng.
Theo báo cáo của bộ đội biên phòng các tỉnh, đến nay đã kêu gọi được gần 60.000 tàu bè, phương tiện các loại vào bờ tránh trú bão. Hiện tại, ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, còn 45 tàu đang ở hoạt động, chưa tìm nơi tránh bão.
Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh thành từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa xây dựng kế hoạch ứng phó bão, sắp xếp việc neo đậu tàu thuyền an toàn. Căn cứ vào tình hình thực tế, tham mưu cho các địa phương thực hiện lệnh cấm biển.
Các tỉnh biên giới phía Bắc chủ động rà soát bổ sung phương án phòng chống lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt chia cắt, cô lập dài ngày, sẵn sàng sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng tỉnh Khánh Hòa, lúc 4h ngày 16/7, tàu KH 90154 do ông Trương Quốc Toàn làm thuyền trưởng hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trên đường chạy về bờ tránh bão phát hiện thuyền viên Nguyễn Văn Tài (1988) do bất cẩn bị rơi xuống biển, mất tích. Thuyền trưởng đã cho tàu tìm kiếm quanh khu vực nhưng chưa thấy.
Theo bản tin Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hồi 16h ngày 16/7 , vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,4 độ vĩ bắc; 118,5 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 710km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (tức là từ 134 đến 149 km một giờ), giật cấp 15, cấp 16.
Dự báo trong 24h tới bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km. Đến 16 giờ ngày 17/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,8 độ vĩ bắc; 114,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 230km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, cấp 14 (tức là từ 134 đến 166 km một giờ), giật cấp 16, cấp 17.
|
Nguyễn Đức (Khampha.vn
No comments:
Post a Comment