(Baodatviet) - TQ thả 13 ngư dân Việt, rút tàu cá bảo vệ giàn khoan 981 về đảo Hải Nam tránh bão. Bên cạnh đó, TQ lại tuyên bố ngang ngược ở biển Đông
TQ thả 13 ngư dân Việt Nam
Theo TTXVN, ngày 15/7, trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên Việt Nam và nước ngoài liên quan đến hai tàu cá Việt Nam bị Trung Quốc bắt giữ vừa qua, Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự, Trưởng phòng bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài Lương Thanh Quảng cho biết:
"Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, phía Trung Quốc đã thả 13 ngư dân Việt Nam bao gồm bảy ngư dân thuộc tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB 93256 TS cùng sáu ngư dân thuộc tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS."
Tàu cá của ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. |
Ông Lương Thanh Quảng cho biết thêm: "Hiện số ngư dân nói trên đang trên đường về nước trên tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB 93256 TS. Phía Trung Quốc đã tịch thu tàu cá Quảng Ngãi số hiệu QNg 94912 TS và toàn bộ ngư cụ của hai tàu cá nói trên. Các cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc sẽ tiếp tục giao thiệp với phía Trung Quốc để xử lý thỏa đáng vụ việc."
Như đã đưa tin, ngày 14/7, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu cho biết tàu cá Quảng Bình mang số hiệu QB 93256 TS cùng bảy ngư dân và tàu cá Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 94912 TS cùng sáu ngư dân bị phía Trung Quốc giữ tại cảng cá Tam Á, thành phố Tam Á, tỉnh Hải Nam.
Toàn bộ 13 ngư dân sức khỏe ổn định, bình thường và được cung cấp đầy đủ các nhu yếu phẩm cần thiết.
Tàu cá TQ bảo vệ giàn khoan rút về đảo Hải Nam tránh bão
Cũng trong ngày 15/7, Thông tin từ Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết số lượng tàu Trung Quốc ở vùng biển hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 đã giảm đi đáng kể.
Cụ thể, Trung Quốc chỉ còn giữ lại khoảng 70 - 75 tàu bảo vệ giàn khoan thay vì trên 110 - 115 tàu như những ngày trước đây. Trong đó, có 16 - 18 tàu kéo, 17 - 18 tàu vận tải, 32 - 34 tàu hải cảnh và 5 tàu quân sự.
Theo quan sát lực lượng kiểm ngư, số tàu rút khỏi hiện trường và tiến về phía đảo Hải Nam chủ yếu là loại tàu cá vỏ sắt. Đây là loại tàu Trung Quốc điều động để cản phá, ngăn cản các tàu cá Việt Nam hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa.
Tàu cá Trung Quốc (bên trái) chèn ép tàu cá Việt Nam ở ngư trường Hoàng Sa |
Đáng chú ý, ở vùng biển ngư trường Hoàng Sa cách giàn khoan 34 - 39 hải lý, Trung Quốc chỉ có 1 tàu hải cảnh số hiệu 31101 bám sát, ngăn chặn tàu cá Việt Nam hành nghề và tiến gần vào giàn khoan. Những ngày trước đó, vùng biển này luôn có đội tàu cá vỏ sắt hùng hậu của Trung Quốc đi quấy phá, ngăn chặn ngư dân Việt Nam hành nghề.
Cục Kiểm ngư nhận định, nhiều khả năng các tàu cá vỏ sắt của Trung Quốc được rút về đảo Hải Nam để tránh cơn bão Rammasun dự báo sẽ đi qua vùng biển Hoàng Sa. Tuy nhiên, lực lượng của ta vẫn theo dõi chặt chẽ hành động của Trung Quốc trước động thái này.
TQ lại tuyên bố ngang ngược trên biển Đông
Trong một diễn biến khác, ngày 15/7, Trung Quốc một lần nữa thể hiện thái độ khiêu khích khi lớn tiếng đòi các nước khu vực lập tức rút khỏi các đảo trên biển Đông.
Theo Hãng tin Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đòi các nước “lập tức rút nhân sự và thiết bị ra khỏi các đảo của Trung Quốc bị chiếm đóng bất hợp pháp”. “Điều đáng tiếc là một số nước đã tăng cường sự hiện diện bất hợp pháp thông qua hoạt động xây dựng và chạy đua vũ trang” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn giọng.
Bắc Kinh đe dọa “sẽ quyết tâm bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải”, đồng thời nhắc lại lập luận cũ rích là sẽ chỉ giải quyết tranh chấp trên cơ sở “tôn trọng sự thật lịch sử” và luật pháp quốc tế.
Tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu Việt Nam trên biển Đông |
Hồi đầu tuần, ông Michael Fuchs, phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ, khẳng định các hành vi gây hấn và đơn phương của Trung Quốc khiến cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi phải chăng Bắc Kinh không muốn tuân thủ luật pháp quốc tế.
Phản ứng lại, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lớn lối yêu cầu “các nước ngoài khu vực giữ vị thế trung lập”. Dù Trung Quốc liên tục có những hành vi gây hấn trên biển Đông, Bắc Kinh vẫn khẳng định một cách gian dối rằng nước này tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC).
Quang Hưng (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment