(Baodaviet.vn) - Sau khi hết tên lửa, phi công Mỹ thanh thản ngồi nhìn 2 chiếc tiêm kích thế hệ 3 của Trung Quốc nướng chiếc F-22 thành món “vịt Bắc Kinh”
Sau khi các chuyên gia Mỹ liệt kê 5 loại vũ khí mà Trung Quốc “khiếp vía” khi đối đầu với Nhật Bản, các chuyên gia Nhật Bản tiếp tục đưa ra quan điểm rằng một chiếc F-22 của Mỹ có thể “nuốt” gọn 10, thậm chí 20 chiếc tiêm kích thế hệ 3 của Trung Quốc. Kịch bản này được người Nhật đưa ra trong một cuộc chiến giả định là Trung Quốc đánh chiếm đảo Senkaku và liên quân Mỹ-Nhật tổ chức tái chiếm.
"Chim ăn thịt" F-22 của Mỹ |
Ngay lập tức, một chuyên trang nghiên cứu của Tân hoa xã, hãng thông tấn trung ương của Trung Quốc, đã cho đăng tải bài phân tích phản bác của nhà bình luận có tên là Cao Phong. Dưới đây là nội dung bài viết:
Tạp chí SAPIO của Nhật Bản số ra tháng Bảy (bản công bố trước) đã có bài viết về giả thiết: Nếu Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) thì Tokyo sẽ đáp trả ra sao?
Theo bài báo, việc mô hình hóa một chiến dịch đáp trả phối hợp giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản và các đơn vị Mỹ đang đóng quân tại Nhật Bản giúp rút ra một kết luận rằng “nếu không có gì ngăn cản đối với việc thực hiện nghĩa vụ chung Mỹ-Nhật trong đảm bảo an ninh thì một chiến dịch phối hợp giữa hai nước nhằm tái chiếm đảo chắc chắn sẽ giành thắng lợi tuyệt đối”.
Bài báo của SAPIO thậm chí còn “khoe khoang” khi khẳng định rằng “trong trường hợp một số lượng lớn máy bay Trung Quốc ồ ạt tiếp cận thì ngay lập tức các tiêm kích tàng hình F-22 sẽ cất cánh từ căn cứ Kadena và một chiếc máy bay này có sức mạnh tương đương với một chục chiếc máy bay thế hệ 4. Kể cả trong trường hợp Trung Quốc ném 20 chiếc máy bay vào trận đối đầu với một chiếc F-22 thì chiếc F-22 hoàn toàn có khả năng tiêu diệt chúng và quay trở về căn cứ”.
Mới đây, các chuyên gia Mỹ cũng đã nêu danh sách 5 loại vũ khí mà Bắc Kinh sợ hơn cả trong trường hợp xảy ra xung đột Trung-Nhật. Đáng chú ý nhất là kết luận cuối dành cho lực lượng Mỹ đang đồn trú tại Nhật Bản. (4 vũ khí khác gồm: tàu ngầm lớp Soryu, chiến đấu cơ F-15J, tàu khu trục lớp Atago và tàu sân bay trực thăng đa năng Izumo).
Tàu trực thăng đa năng lớp Izumo DDH181 và DDH183 của Nhật Bản |
Thông qua danh sách này, giới chuyên gia Mỹ muốn gửi tới Trung Quốc một thông điệp rằng đóng vai trò quyết định trong cuộc chiến Trung-Nhật sẽ lực lượng Mỹ. Khi đó, việc một tạp chí của Nhật Bản đề cao sức mạnh vượt trội của F-22 trước các máy bay Trung Quốc cũng là hiệu ứng tiếng vang từ “sự cường điệu” của người Mỹ.
Tuy nhiên, người Nhật hoàn toàn không có căn cứ nào để có thể đưa ra khẳng định chắc nịch như vậy.Truyền thông Nhật Bản tin tưởng rằng với sự vượt trội của F-22, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc sẽ không phải là mối đe dọa. Nếu F-22 vượt trội so với những chiếc tiêm kích thế hệ 4 của Trung Quốc thì một chiếc F-22 có thể dễ dàng quét sạch một số lượng tiêm kích không đáng kể trên Liêu Ninh. Lý do là tàu Liêu Ninh trên thực tế chỉ có thể mang theo những tiêm kích thuộc thế hệ thứ 3.
Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Trước hết, bản thân người Mỹ cũng không hoàn toàn tin chắc vào khả năng tàng hình của F-22. Ngay từ khi người Mỹ có F-117 thì người Trung Quốc cũng bắt đầu có trang thiết bị và công nghệ nhằm phát hiện các loại máy bay tàng hình. Các radar Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng để theo dấu F-22 và điều máy bay đánh chặn.
Một khi tính năng tàng hình bị vô hiệu hóa thì sự vượt trội của F-22 trước các máy bay chiến đấu thế hệ 3 của Trung Quốc cũng không đáng tin.
Do một cuộc xung đột nhiều khả năng sẽ diễn ra gần với Trung Quốc đại lục nên các hệ thống radar của Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng loại bỏ tính năng tàng hình của F-22.
Chỉ cần phát hiện được F-22, xác định được vị trí của loại máy bay này thì tất cả sẽ bước vào một trận chiến khốc liệt ở khoảng cách trung bình.
So với các tên lửa tầm trung SD-10 của Trung Quốc thì tên lửa AIM-120 mà Mỹ đang trang bị cho F-22 không hoàn toàn vượt trội về tầm bắn. AIM-120 của Mỹ vượt trội hơn các tên lửa cùng loại của Trung Quốc về độ chính xác và khả năng chống nhiễu.
Tuy nhiên, trong điều kiện chiến đấu, ưu thế vượt trội được hình thành từ nhiều yếu tố khác nhau. Một khi các máy bay tiêm kích của Mỹ và Trung Quốc ở khoảng cách tương đối gần thì khó có thể nói trước về chiến thắng hay thất bại dành cho loại máy bay nào.
Tiêm kích J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc |
Người Mỹ cũng không thể chắc chắn rằng máy bay của họ hoàn toàn thắng thế trước máy bay Trung Quốc trong trận chiến một chọi một chứ chưa nói đến cuộc chiến một đánh chặn hàng chục như giả thiết của báo Nhật Bản.
Đặc điểm cơ bản tạo nên ưu thế vượt trội của F-22 là khả năng tàng hình. Nhờ khả năng này F-22 có thể phát hiện ra đối phương trước và ra đòn tấn công ở ngoài phạm vi có thể bị nhìn thấy. Tuy nhiên, nếu buộc phải tham gia trận chiến với một đối thủ có thể nhìn thấy được thì so về tính cơ động với các máy bay thế hệ 3 của Trung Quốc, cơ hội giành chiến thắng tuyệt đối của F-22 là rất thấp.
Mỹ mới đây đã điều F-22 tới tập trận chung với Malaysia. Trong cuộc tập trận này, F-22 đã bay cùng với Su-30 của Không quân Malaysia. Thực chất, qua cuộc tập trận này, Mỹ muốn xây dựng chiến thuật cho F-22 trong cuộc đối đầu với tiêm kích thế hệ 3 của Nga và Trung Quốc. Điều này chứng tỏ người Mỹ cũng không thực sự lạc quan về khả năng vượt trội của F-22.
J-15 cất cánh từ Liêu Ninh |
Thiếu sót lớn nhất trong sự “khoác lác” của tạp chí Nhật Bản nằm ở chỗ nếu Trung Quốc cùng lúc điều 10 chiếc tiêm kích thế hệ 3 tham chiến thì một chiếc F-22 không có đủ tên lửa để bắn hạ toàn bộ số máy bay này của Trung Quốc. Mỗi chiếc F-22 mang tối đa 6 quả AIM-120, loại tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu từ ngoài tầm nhìn.
Trong trường hợp sử dụng chiến thuật tấn công bí mật bất ngờ, chiếc F-22 có thể bắn nốt 2 quả tên lửa không đối không tầm gần nữa để tiêu diệt tiếp 2 máy bay Trung Quốc. Như vậy thì vẫn còn 2 chiếc tiêm kích thế hệ 3 nữa của Trung Quốc trong khi phi công F-22 chỉ còn lại pháo.
Khi đó, có lẽ phi công trên chiếc F-22 buộc phải “thanh thản” mà quan sát 2 chiếc tiêm kích của Trung Quốc biến máy bay của anh ta thành món “vịt quay Bắc Kinh”.
Đông Tây (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment