Sunday, June 29, 2014

Lênh đênh phận nghèo

Đăng Bởi  - 

Bà Nghiêm cùng con dâu trên 2 chiếc ghe của gia đình
Bà Nghiêm cùng con dâu trên 2 chiếc ghe của gia đình
Không nhà cửa, không họ hàng, mấy chục năm gia đình bà Ngô Thị Nghiêm (82 tuổi) sống bám trụ vào chiếc ghe đậu ven bờ sông dưới chân cầu Bình Lợi bằng nghề đánh bắt cá. Như một vòng luẩn quẩn, từ đời bà, sang đời con, đến đời cháu vẫn không thể thoát khỏi cái phận nghèo quanh năm lênh đênh sông nước.
Được anh Hoàng – người dân lâu năm ở chân cầu Bình Lợi giới thiệu về hoàn cảnh đáng thương của bà Nghiêm (quê ở Vĩnh Phúc), chúng tôi vội đến tìm hiểu vào một buổi chiều đang chuyển mưa buồn. 
Theo anh Hoàng, bà Nghiêm đã bước vào tuổi “gần đất xa trời”, thân mang nhiều bệnh nhưng vẫn đều đặn đi bán cá do con trai chài lưới để kiếm sống qua ngày. Bà Nghiêm có ba người con, hai trai một gái, người con gái tử vong vì tai nạn xe lửa, bà hiện ở với người con trai út. Anh tên Nguyễn Ngọc Ái, là lao động chính trong gia đình.
 Anh từng có một người vợ, nhưng thấy anh khổ quá nên bỏ đi, còn người vợ hiện tại là chị Trương Thị Nhung làm nghề bán kim chỉ dạo. Hai anh chị có một con trai năm nay 14 tuổi là Nguyễn Tiến Đạt, từng được đi học trong tu viện thánh Vinh Sơn. 
Tuy nhiên do chậm phát triển nên Đạt tiếp thu rất chậm (theo người dân xung quanh thì anh Ái, chị Nhung cũng có vấn đề về thần kinh). Có lần, một đoàn làm phim về nhờ Đạt đóng phim, không may bị tét đầu gối phải may mấy mũi.
Vào thăm chiếc ghe cũ đậu ven sông trên đám lục bình, chúng tôi thấy xúc động vì hoàn cảnh của một gia đình bốn nhân khẩu. Người mẹ già đang nhóm bếp lò nấu cơm chiều, chị con dâu đang tát nước giặt đồ, anh Ái thì đan lưới bắt cá. 
Chiếc ghe dùng để ngủ khá chật chội, gối mền đã ngã màu cũ của thời gian. Vật dụng hoàn toàn không có món đồ nào có giá trị. Quần áo cũ nát, chẳng trọn bộ, đôi dép chẳng lành lặn, ngay cả chiếc nồi cũng méo mó chẳng tròn vành. Những thứ đơn giản ấy đủ chứng minh cho sự hiện diện của cơ cực cuộc sống. Chiếc ghe nhỏ dùng để đánh cá cũng bị lật cách đây mấy ngày, toàn bộ lưới và đồ nghề trên ghe đều bị cuốn trôi theo dòng nước.
Chia tay bà ra về, chúng tôi vẫn muốn hỏi bà một điều mà có lẽ đã nhiều người hỏi trước đó: “ Sống đến từng tuổi này, với những khó khăn, bà có mong ước điều gì không?” Bà Nghiêm nghẹn ngào trả lời: “Chồng tôi mất cách đây hơn 20 năm. Cả đời đã sống dưới ghe, giờ gần đến nhắm mắt xuôi tay, chỉ mong ước có mái nhà nhỏ đủ để nằm xuống.”  câu nói còn vương thêm vài giọt nước mắt tuôn trào nơi khóe mi.
 Làn da nhăn nheo, bàn tay, bàn chân nhét đầy bùn đất, nứt nẻ. Có lẽ, mấy chục năm là quãng thời gian quá dài để chịu đựng, chịu đựng thiếu thốn, chịu đựng giông bão cuộc đời. Nhưng, mấy chục năm đó cũng là bằng chứng cho sự kiên cường trước số phận, không đầu hàng bất cứ điều gì, dù có lúc tưởng chừng không có lối thoát.
 Có một điều làm chúng tôi nhớ nhất khi đến với gia đình bà Nghiêm đó là: chiếc ghe thật sự là minh chứng của cùng cực đói khổ, nhưng cũng là chứng nhân thiêng liêng cho tình cảm gia đình. Dù cơn mưa chiều đang đến dần, nhưng sự ấm áp vẫn đang còn hiện hữu trên bếp lửa và trong tình mẫu tử của những phận đời chìm nổi nơi đây.
Thúy Hằng

No comments:

Post a Comment