Sunday, June 29, 2014

Trung Quốc có thể đóng vài cửa khẩu:Việt Nam đề giải pháp!

(Baodatviet.vn) - Thay vì xuất khẩu giá rẻ, số lượng nhiều bằng các mặt hàng đã qua chế biến, chất lượng cao, giá cao hướng tới thị trường khó tính.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết đây là một trong những giải pháp trong phát triển các mặt hàng nông sản nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Liên quan đến thông tin Trung Quốc có thể tạm đóng một số cửa khẩu được đưa ra tại cuộc họp báo ngày 27/6, ngày 28/6 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hà Công Tuấn đã có cuộc trao đổi cụ thể hơn với PV báo Đất Việt.
Nâng cao chất lượng
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, không chỉ riêng ngành Nông nghiệp, các bộ ngành khác hiện cũng đang hướng tới việc khai thác tăng cường các thị trường truyền thống và mở ra thị trường tiềm năng.
"Bằng cách này sẽ khắc phục việc Việt Nam phải phụ thuộc một số mặt hàng vào thị trường Trung Quốc", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Cũng theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, trong nước cũng phải tái cơ cấu, việc khai thác thị trường trong nước cũng phải được đẩy mạnh.
"Ví dụ quả vải và các sản phẩm nông sản khác hiện đang tiêu thụ rất mạnh tại thị trường phía nam nhưng lâu nay ít được quan tâm", Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng cho biết, định hướng trong tương lai thay vì sản xuất và xuất khẩu hàng loạt các sản phẩm nông sản giá rẻ, chưa qua chế biến, số lượng nhiều bằng những mặt hàng nông sản chất lượng cao, đã qua chế biến giá cao và hướng tới những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU...
"Mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nhật Bản đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam theo đó phía Nhật Bản mong muốn mở rộng tăng cường sản phẩm nông nghiệp đặc biệt là thị bò Cobe. Việt Nam và Nhật Bản cũng đàm phán để tăng cường việc Nhật Bản sẽ nhập khẩu hoa quả từ Việt Nam", Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam
Trung Quốc luôn là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cũng khẳng định, bằng mọi cách vẫn đảm bảo năm 2014 giữ được tốc độ tăng trưởng nông nghiệp là 3%.
Thực tế, hiện nay nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang phụ thuộc khá nhiều vào thị trường Trung Quốc trong đó lúa gạo, cao su, thị trường Trung Quốc chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng, còn thanh long, vải, bột sắn, thị trường này chiếm 80-90%.
Theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Chế biến nông lâm sản và Thủy sản nguyên nhân do Trung Quốc không đòi hỏi cao về chất lượng nên "ăn hàng" khá mạnh. Với điều kiện nông sản Việt Nam chưa được chế biến sâu, hệ thống bảo quản còn kém thì đây là thị trường thuận lợi.
Trung Quốc phụ thuộc nguồn gạo, VN vẫn nhận thua
Trong khi đó, thống kê mặt hàng lúa gạo, Trung Quốc liên tục dẫn đầu về nhập khẩu gạo Việt Nam. Trong 5 tháng đầu năm 2014 Trung Quốc đã chiếm tới 41,75% thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhiều thời điểm trở thành cứu cánh cho xuất khẩu gạo Việt Nam, chuyên gia nông nghiệp GS Võ Tòng Xuân cho biết, phần lớn Việt Nam xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vì giấy tờ không cần làm nhiều, không phải đóng thuế dù tiền thu lại từ bán gạo không cao.
Lý do quan trọng khiến gạo của Việt Nam xuất chủ yếu sang Trung Quốc do chất lượng gạo còn thấp nên việc xuất khẩu ra nước ngoài khó khăn hơn. Nếu phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu họ sẽ buộc tiêu hủy, các doanh nghiệp xuất khẩu phải trả thêm tiền cho việc tiêu hủy hoặc bị yêu cầu chở về nước.
Như vậy, sẽ rất tốn kém còn nếu đưa sang Trung Quốc, Trung Quốc sẵn sàng thu mua mọi sản phẩm mà không cần chú ý có thuốc gì.
"Nguyên nhân khác như mọi người vẫn biết, không chỉ ở lúa gạo mà nhiều mặt hàng khác, việc xúc tiến thương mại của Việt Nam còn rất yếu. Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn và Bộ Công thương chưa có những chiến lược để đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu gạo có chất lượng", GS Võ Tòng Xuân nói.
Cũng theo GS Võ Tòng Xuân, với số dân 1,4 tỷ Trung Quốc là một thị trường lớn nên nếu mất thị trường này Việt Nam thiệt hại lớn nhất là hàng hóa chưa đạt chất lượng, chỉ Trung Quốc thu mua.
"Bản thân Trung Quốc đang phụ thuộc Việt Nam. Họ đâu có đủ lương thực, thực phẩm, lúa gạo vì theo ước tính của các nhà kinh tế đến năm 2020 Trung Quốc sẽ thiếu ăn, thiếu nguồn lương thực ít nhất là 10 triệu tấn", GS Võ Tòng Xuân nói.
Nguyên Thảo

No comments:

Post a Comment