HÀ NỘI 27-6 (NV) - Bất chấp những lời kêu ca đủ thứ về nhà thầu Trung Quốc và sự căng thẳng giữa hai nước, nhà cầm quyền CSVN vừa ký hợp đồng trao một dự án đường cao tốc cho nhà thầu Trung Quốc.
Lễ ký hợp đồng giữa quốc doanh VEC với nhà thầu Trung quốc gói thầu xây lắp A3, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. (Hình: Diễn Đàn Doanh Nghiệp)
Theo báo Diễn Đàn Doanh Nghiệp hôm Thứ Sáu 27/6/2014, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (gọi tắt là VEC và là một công ty quốc doanh trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN) và Công ty công trình giao thông tỉnh Giang Tô, Trung Quốc vừa ký hợp đồng gói thầu A3 dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là một phần của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam, có chiều dài hơn 139 km, trong đó gồm 131.5 km cao tốc và 8.02 km đoạn tuyến nối với quốc lộ 1A. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn cao tốc 4 làn xe, bề rộng mặt đường 26 mét, vận tốc thiết kế đạt 120km/h. Tổng mức đầu tư của dự án là 27,968 tỷ đồng.
Theo nguồn tin trên, “gói thầu A3 thuộc Hợp phần vay vốn của Ngân hàng Thế giới, đi qua địa phận huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi dài 10.6 km, được xây dựng theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe. Ngoài phần đường, các hạng mục chính của gói thầu A3 gồm việc xây dựng 3 cầu dài 1.03 km; 14 cống hộp dân sinh, 28 cống thoát nước với tổng khối lượng đất đá đào đắp trên 1.6 triệu m3; hơn 220,000 cấp phối đá dăm; trên 111,000 tấn bê tông nhựa các loại.”
Nguồn tin nói rằng “Công ty công trình giao thông tỉnh Giang Tô sẽ có 1,072 ngày để hoàn thành hợp đồng có giá trị 1.362,6 tỷ đồng” (hay khoảng 65 triệu USD). Công ty và nhà thầu này đã vào Việt Nam kiếm ăn từ năm 2006, hiện đang xây dựng cầu Niệm và đường Trường Chinh, Hải Phòng.
Hai tháng trước đây, báo chí ở Việt Nam đưa tin dự án đường sắt trên cao ở thành phố Hà Nội do nhà thầu Trung quốc làm tổng thầu không những ỳ ạch “chậm tiến độ” trái với hợp đồng mà còn đòi tăng tiền xây dựng lên thêm 339 triệu USD. Dự án ban đầu dự trù 552 triệu đô la, nay “đội vốn” tăng tới 61.4%. Dự án này sử dụng tín dụng của Trung quốc và nhà thầu của Trung quốc đương nhiên trúng thầu.
Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Lao Động, ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN nhìn nhận có tình trạng bắt tay nhau giữa chủ đầu tư (trường hợp này là công ty quốc doanh, hay nhà cầm quyền các địa phương CSVN) và công ty tư vấn “bắt tay nhau” nâng đơn giá lên gấp hai gấp ba lần giá trị thực tế.
“Tôi xin thẳng thắn là có tình trạng “bắt tay” nhau. Có chuyện trúng thầu bằng mọi giá, trúng bằng giá thấp, sau đó cố tình kéo dài thời gian để dẫn tới trượt giá để xin điều chỉnh. Thậm chí, có tình trạng người ta không muốn làm đúng tiến độ để vin vào đó xin điều chỉnh cái này, xin điều chỉnh cái kia”. Ông Thăng nói trên báo Lao Động ngày 29/3/2014.
Theo tin tức, hầu hết các dự án xây dựng các nhà máy điện, xi măng rơi vào tay nhà thầu Trung Quốc. Không ít các dự án lớn khác gồm cả cầu đường, luyện kim, hóa chất đều lọt vào tay nhà thầu Trung quốc. Một trong những lý do chính là nhà thầu Trung quốc bỏ thầu với giá thấp nhất, nhiều khi chỉ bằng một nửa giá bỏ thầu của những nhà thầu khác.
Nhiều bài báo những năm gần đây đưa ra nhiều chứng cớ cụ thể tố cáo nhà thầu Trung Quốc bỏ thầu rất thấp, làm dở dang rồi dở chứng, đòi tăng tiền làm cho dự án từ rẻ thành quá đắt. Vậy mới có tình trạng xây dựng một km đường lộ ở Việt Nam đắt gấp ba gấp bốn lần ở Mỹ, thậm chí còn đắt hơn cả Trung Quốc. Sau khi hoàn tất thì “gặp nhiều trục trặc khi đi vào vận hành”, lệ thuộc hoàn toàn vào thiết bị Trung quốc, theo báo Dân Trí viết về hệ lụy của việc chọn nhà thầu giá rẻ Trung quốc.
Đã vậy, các nhà thầu Trung Quốc còn ngang nhiên đưa công nhân đủ loại của họ sang Việt Nam mà theo hợp đồng, họ chỉ được mang chuyên viên, những người không thể tìm được ở Việt Nam. (TN)
No comments:
Post a Comment