WESTMINSTER, California (NV) - Trong vài ngày qua, sau khi giàn khoan HD 981 của Trung Cộng hiện diện trong hải phận Việt Nam, lời bài hát “Hội Nghị Diên Hồng” như tiếng hịch truyền, vang vẳng bên tai người con dân nước Việt, từ trong đến ngoài nước, “Toàn dân nghe chăng? Sơn hà nguy biến.” Ngày xưa kẻ xâm lăng là giặc Nguyên, ngày nay là Trung Cộng. Người dân ở Little Saigon, người người phẫn nộ, trẻ, già, bảo nhau tẩy chay hàng hóa Trung Cộng dưới nhiều hình thức.
Người Mỹ gốc Việt ở Little Saigon tới Palm Springs biểu tình,chống Chủ Tịch Tập Cận Bình, với biểu ngữ tảy chay hàng Trung Cộng, năm 2012. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Trả lời câu hỏi sẽ làm gì để thể hiện hành động chống Trung Cộng, ông Trần Nguyên Thắng, chủ nhân công ty ATNT Travel & Tours ở Westminster, chuyên tổ chức du lịch, nói: “Đây là cơ hội để những người CSVN phải biết nhìn lại chính họ để biết mình không nợ nần gì người Tàu. Họ phải có hành động cứng rắn để bảo vệ lãnh thổ.”
“Từ khi có vụ Trung Cộng xâm chiếm Hoàng Sa, chúng tôi hủy bỏ việc tổ chức các chuyến du lịch Trung Quốc, dù khi ấy có hàng chục người khách đã mua vé và giữ chỗ rồi. Chúng tôi thực hiện điều này đã hai năm qua,” ông Thắng nói.
Một người khác, bà Thủy Nguyễn, 64 tuổi, cư dân Riverside, cho biết: “Ở Việt Nam, người dân đang ứng chiến. Mình ở đây, tôi tẩy chay hàng Trung Cộng mỗi khi đi chợ. Kẹt lắm mới phải mua.”
Ông Thắng cũng đồng tình nhưng đưa ra nhận xét: “Khi tẩy chay, không mua hàng Trung Cộng, tôi phân biệt và chỉ không mua nếu món hàng đó do Trung Cộng sản xuất. Nếu do Mỹ hay các nước khác thiết kế và sản xuất, nhưng ráp tại Trung Quốc, thì tôi nghĩ mình không nên tẩy chay.”
“Lý do là mình đang sống trong nền kinh tế toàn cầu và có những ảnh hưởng hỗ tương. Thí dụ, máy điện thoại iPhone do Apple chế tạo, nhưng ráp tại Trung Quốc vì nhân công rẻ, cho giá thành rẻ. Tôi sử dụng iPhone. Nếu tẩy chay Trung Cộng bằng cách không mua điện thoại của Apple, tôi gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế của hãng này trước,” ông giải thích.
“Tuy nhiên, chúng ta tẩy chay hàng nhái, hàng giả do chính Trung Cộng sản xuất vì họ không có đạo đức về kinh tế. Tóm lại, nếu cái gì đó 'Made in China' là tôi tẩy chay!” người chủ nhân cơ sở du lịch nói thêm.
Ông Ken Trần, 45 tuổi, cư dân Westminster, nhìn vấn đề tẩy chay ở một góc cạnh khác.
“Tôi nghĩ mình tẩy chay hàng Trung Cộng rất khó. Tuy nhiên, nếu người tiêu thụ tỏ thái độ bằng cách yêu cầu chính quyền Mỹ và Liên Hiệp Quốc gắt gao kiểm tra phẩm chất hàng nhập cảng, sản phẩm của Trung Cộng, hay hàng không hội đủ tiêu chuẩn, sẽ không thể vào Mỹ hay các quốc gia khác được. Khi ấy Trung Cộng mới thấy áp lực!” ông nói.
Một người khách từ tiểu bang Minnesota về thăm khu Little Saigon, ông Châu Phan, 78 tuổi, chia sẻ: “Mấy anh 'ba Tàu' này ức hiếp dân mình quá đáng. Nghe nói mấy ông Việt Cộng mua tàu ngầm, sao không thấy xài?”
“Tôi tính đi du lịch Trung Quốc nhưng thấy Trung Cộng xâm lăng, tôi bực quá, hủy bỏ luôn cho bõ ghét!” vị khách cao niên nói thêm.
Nghe câu chuyện liên quan đến du lịch, ông Thắng kể: “Tôi không thể quên được hình ảnh hai người đứng trước cửa Tòa Nhà 101 (tòa nhà cao nhất ở Taipei) khi tôi hướng dẫn đoàn du lịch thăm Đài Loan. Một người cầm cờ Trung Cộng, người kia cầm cờ Trung Hoa Dân Quốc. Một người Đài Loan khác, khoảng 55 tuổi, cầm tấm bảng nhỏ, nội dung ghi bằng tiếng Hoa, 'Trung Cộng # Trung Quốc,' có nghĩa 'Trung Cộng không phải là Trung Quốc.'”
“Trung Quốc, ám chỉ Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan), là người quốc gia có văn hóa, theo Tưởng Giới Thạch ra đảo quốc lánh nạn cộng sản. Còn Trung Cộng là ở nội địa gồm những người lai giống Hán, Mãn Thanh và cộng sản, không có đạo đức,” ông giải thích.
Trong khi đó, một số người trẻ thuộc Nguyễn Thái Học Foundation phát động chiến dịch “Sunday No China” để “phản đối và tố cáo hành động khủng bố tàn bạo, man rợ của nhà cầm quyền Trung Hoa đối với ngư dân Việt Nam, và để đối phó với âm mưu của Bắc Kinh dùng vũ lực và kinh tế để đe dọa và chia rẽ các nước ASEAN hòng chiếm đoạt lãnh thổ Việt Nam và toàn vùng Biển Đông Nam Á.”
Chiến dịch này kêu gọi “cá nhân và doanh nghiệp chấm dứt hoặc giảm bớt mọi mua bán hàng hóa hoặc giao dịch thương mại liên quan đến Trung Cộng vào mỗi Chủ Nhật.”
“'Sunday No China' là bước khởi đầu, là giai đoạn chuẩn bị tâm lý cho một chiến dịch tẩy chay trường kỳ nhằm giảm bớt sự lệ thuộc và tác hại của hàng hóa Trung Cộng trên thị trường Việt Nam và quốc tế. Giai đoạn kế tiếp của cuộc vận động có thể sẽ là 'Weekend No China,' gồm hai ngày Thứ Bẩy và Chủ Nhật, và sẽ được tiếp tục cho đủ bảy ngày một tuần,” bản thông cáo giải thích.
“Một số quyết định quan trọng của cộng đồng quốc tế, điển hình là Nghị Quyết 217 và Nghị Quyết 352 được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua mới đây, lên án việc hăm dọa và dùng vũ lực của Trung Cộng và tái khẳng định sự hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong việc giải quyết các tranh chấp ở vùng biển Đông Nam Á,” cũng theo bản thông cáo.
Bài hát “Hội Nghị Diên Hồng” đâu đó vẫn vang lên, như lời réo gọi, “Toàn dân Tiên Long! Sơn hà nguy biến!”
05-13- 2014 7:30:48 PM
Linh Nguyễn/Người Việt
---
Liên lạc tác giả: LinhNguyen@nguoi-viet.com
No comments:
Post a Comment