24/04/2014 11:45
Dân Việt - Vì sao người dân vẫn nghèo trong khi chính sách, tiền bạc vẫn đổ cho chương trình giảm nghèo...
Dù đánh giá mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đều vượt so với mục tiêu đề ra, nhưng tại cuộc họp của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội ngày 23.4, nhiều đại biểu đã thực sự lo ngại về tính bền vững khi tỷ lệ tái nghèo cao, cận nghèo lớn vì một số nơi... không muốn thoát nghèo.
Đầu tư dàn trải gây lãng phí
Thảo luận báo cáo về thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, các đại biểu đều cho rằng thành tựu giảm nghèo đã góp phần cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều hạn chế.
Lấy ví dụ từ thực tế ở địa phương, bà Nguyễn Thị Phúc, đại biểu QH tỉnh Bình Thuận cho hay: “Việc xây dựng các công trình hỗ trợ cho các xã nghèo là cần thiết nhưng nhiều nơi làm không hiệu quả. Có nơi xây dựng chợ, dân không vào, buôn bán ế ẩm. Một thời gian sau, chợ lại sửa thành hội trường xã. Ở một nơi khác, khi xây dựng điểm văn hóa xã không gần khu dân cư nên sinh hoạt rất ít. Đây là những điểm hạn chế cần có giải pháp tính toán phù hợp”.
Nhiều chính sách giảm nghèo vẫn chưa đến với người dân (ảnh minh họa).
Trả lời câu hỏi vì sao người dân vẫn nghèo trong khi chính sách, tiền bạc vẫn đổ cho chương trình giảm nghèo, ông Nguyễn Tấn Tuân- đại biểu QH tỉnh Khánh Hòa lý giải: Vì chính sách, pháp luật giảm nghèo vẫn chưa thực sự đến với người dân. Họ không có đất sản xuất, không có nước cho sinh hoạt, sản xuất, hồ xây xong nước vào không được, thủy điện xây xong nước không đến ruộng.
Về điểm này, ông Bùi Sỹ Lợi- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH cũng lưu ý đại biểu QH các địa phương cần giám sát chặt chẽ chính sách xóa đói giảm nghèo, giám sát việc địa phương xây dựng chợ nhưng không ai đến họp; làm đường không người dân nào đi.
Còn trông chờ, còn ỷ lại
"Tôi đi giám sát ở 6 tỉnh, đa phần thấy mô hình xóa đói giảm nghèo đều do từ trên áp đặt xuống, chỉ đạo từ trên xuống. Có chương trình đề án thực hiện bài bản, nhưng xuống dưới không có cán bộ chỉ đạo, chỉ huy nên đành vứt đó.
Có làng, đào tạo nghề cho 20 người thì đều đào tạo 20 thợ sửa xe máy, trong khi cả làng chỉ xấp xỉ chục chiếc xe máy. Nếu triển khai thế thì làm sao xóa đói giảm nghèo giúp dân”.
Ông Bùi Sỹ Lợi
|
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, đây không phải là trường hợp cá biệt, khảo sát tại một tỉnh miền núi cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ông Hoàng Văn Thượng- đại biểu QH tỉnh Cao Bằng cho rằng, công tác xóa đói giảm nghèo nhất là ở vùng dân tộc, miền núi vẫn chưa chuyển biến tích cực, đồng bào còn ỷ lại. Có những vùng mấy chục năm nay đều phải cứu đói. “Thực tế là như vậy mà sao lại bảo công tác xóa đói giảm nghèo đang tốt lên”- ông Thượng đặt vấn đề.
Ông Bùi Sỹ Lợi, lưu ý hiện có sự chồng chéo đan xen giữa các chính sách giảm nghèo nói chung và chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc. Đây là vấn đề tạo ra tư tưởng ỷ lại, trông chờ của một bộ phận nhân dân. Nếu không khắc phục, giảm nghèo không bao giờ bền vững, sản xuất không bao giờ trở thành hàng hóa.
Theo ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, một số nơi còn tái diễn nghèo luân phiên. Hộ này vài năm nghèo rồi thì nhường cho hộ khác. Hoặc có hộ không nghèo, nhưng có con đi học đại học thì được xét cho vào hộ nghèo. Đó là chuyện có thực. Vì vậy, cần phải thiết kế lại chính sách giảm nghèo để làm sao cho việc xóa nghèo phải đi vào thực chất, tránh hình thức và bị các con số ru ngủ”.
Chính sách giảm nghèo còn cào bằng
Chiều 23.4, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững, chủ trì Hội nghị trực tuyến báo cáo kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, báo cáo kết quả thực hiện chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững năm 2013 và bàn các giải pháp triển khai nhiệm vụ giảm nghèo 2014-2015.
Các ý kiến của đại biểu đều đồng tình với việc thay đổi các chính sách giảm nghèo, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện chính sách giảm nghèo đạt hiệu quả.
Ông Đặng Xuân Thanh- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, từ 2005 đến nay, tỉnh đã ban hành trên 20 văn bản về chính sách giảm nghèo. Năm 2013, số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm trên 7.000 hộ nghèo và vẫn còn hơn 33.000 hộ nghèo, chiếm 22% dân số toàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa bền vững do tập quán sản xuất của người dân còn mang tính tự cấp tự túc, lúng túng trong vươn lên thoát nghèo, nguồn vốn bố trí thấp, hạn hẹp…
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, việc thực hiện chính sách giảm nghèo là 1 trong những nội dung quan trọng, mang tính chiến lược. Hệ thống cơ chế chính sách ngày càng được hoàn thiện, đồng thời các địa phương cũng đã vận dụng, ban hành mức cụ thể phù hợp với địa bàn, phát huy được tính hiệu quả, từng bước đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều chính sách, văn bản đã gây khó khăn trong tổ chức thực hiện chính sách giảm nghèo dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo. Các chính sách còn mang tính cào bằng, chưa khuyến khích việc vươn lên thoát nghèo. Kết quả giảm nghèo nhanh nhưng chưa bền vững, tái nghèo vẫn còn cao.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Định hướng của công tác giảm nghèo sắp tới phải thực hiện một cách toàn diện. Ở tất cả các địa bàn cần tập trung hơn cho những vùng có tỷ lệ nghèo cao, tập trung cả chính sách, nguồn lực. Trên định hướng này, chúng ta gom cơ chế chính sách lại cho dễ thực hiện, không gián đoạn các chính sách hiện hành…
Anh Thư
|
No comments:
Post a Comment