Việt-Long, RFA -2014-04-24
Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Shinzo Abe, tối thứ tư 23 tháng 4, 2014, tại Tokyo-Courtesy of pbs.org
Đích thân cam kết
Chiếc Air Forces One hạ cánh tại Tokyo tối thứ tư, đưa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến thủ đô nước Nhật, khởi đầu chuyến công du 7 ngày tại 4 nước Á châu.
Buổi tối thứ tư, hai nhà lãnh đạo Nhật-Mỹ dùng bữa tối tại nhà hàng sushi nhỏ bé 24 chỗ ngồi Sukiyabashi Jiro, nhưng nổi tiếng là ngon nhất ở Nhật, và nổi tiếng hơn thế vì ông chủ Jiro Ono, 86 tuổi, chỉ có một menu, nghĩa là "dọn gì ăn nấy", không đòi hỏi!
Thông cáo của tòa Bạch Ốc cho hay chuyến công du của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nhằm tái xác định những cam kết của nước Mỹ đối với châu Á.
Trong khi thế giới chú ý đến hành động xâm lấn Ukraine của Nga và người châu Á lo sợ Trung Quốc sẽ theo gương Nga lấn chiếm biển Đông, biển Hoa Đông, Tổng thống Hoa Kỳ nhận thấy cần phải đích thân đem lời trấn an các nước châu Á, song song với hành động chứng tỏ quyết tâm thực hiện chiến lược chuyển trục, tái cân bằng lực lượng và chính sách đối với châu lục lâu đời nhất của thế giới.
Báo chí Bắc Kinh tất nhiên không bao giờ hài lòng với mối quan hệ Nhật-Mỹ như hiện nay. Nói về Trung Quốc, Tổng thống Obama trả lời báo Yomiuri rằng Hoa Kỳ vẫn chào đón một nước Trung Quốc lớn mạnh nhanh chóng trong ổn định, thịnh vượng và hoà bình, và biết giữ một vai trò có trách nhiệm trong mọi công việc của thế giới.
Tổng thống Obama muốn nhắc Trung Quốc về vai trò trong vấn đề Bắc Hàn, vào lúc Bình Nhưỡng lăm le đòi nố hạt nhân thử nghiệm để chào đón Tổng thống Mỹ đến Nam Hàn.
Nhà lãnh đạo Hoa Kỳ nói ngay sau đó, rằng nước Mỹ không vì mối quan hệ với Trung Quốc mà quên đi Nhật Bản hay bất kỳ đồng minh nào khác.
Ngày hôm sau, thứ năm, ông chứng minh lời nói đó, khi tuyên bố nước Nhật là nước có chủ quyền hợp pháp, theo lịch sử, trên quần đảo Senkakư đang tranh chấp với Trung Quốc, mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Và ông cũng nói thêm, Hoa Kỳ có nghĩa vụ theo hiệp ước an ninh để bảo vệ Nhật Bản cùng tất cả những vùng biển đảo thuộc chủ quyền, không để ai xâm lấn. Bắc Kinh lập tức phản ứng, nhắc lại đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của Hoa Lục.
Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc, tướng Thường Vạn Toàn, hôm nay còn cho biết lực lượng của nước này sẽ tiếp tục tuần tra tại khu vực biển gần chuỗi đảo tranh chấp.
Bị lu mờ?
Chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á của Hoa Kỳ luôn luôn bị những biến cố khác trên thế giới làm lu mờ sự chú ý của quốc tế vào nó. Đoạn chiến ở Afghanistan thì đã đến chuyện Syria, rồi vấn đề hạt nhân Iran, bạo loạn ở Ai Cập, vấn đề Ukraine bùng nổ khi Nga chiếm Crimea.
Và đúng theo chiều kéo sự chú tâm vào châu Á sang hướng khác, trong lúc Tổng thống Mỹ đi Nhật-Hàn-Mã-Phi để xác định quyết tâm với châu Á, thì chuyện Ukraine vừa bùng lên như chảo dầu, khi quân đội Kiev tấn công lực lượng dân quân ly khai thân Nga trên nhiều thành phố miền Đông.
Dùng xe bọc thép có trực thăng yểm trợ, đẩy lui quân ly khai và chiếm lại một số cơ sở hành chánh miền Đông, Kiev bị Tổng thống Nga lên án là "tội phạm" vì dùng quân đội chống lại nhân dân, và Tổng thống Putin không quên đe dọa "hậu quả nghiêm trọng". Không ai nhắc ông Putin về chuyện quân đội Sryia dùng cả hơi độc giết người dân, nhưng từ Tokyo, Tổng thống Obama lập tức cảnh cáo sẽ lập tức áp dụng thêm biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt hơn nữa đối với diện Kremlin nếu Moskva không ổn định được tình hình Đông Ukraine.
Cùng ngày tại Tokyo, Tổng thống Hoa Kỳ cũng Barack Obama lên án Bắc Hàn là một diễn viên vô trách nhiệm trên sân khấu quốc tế suốt mấy thập niên nay, nhân tố gây mất ổn định lớn nhất tại khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.
Tổng thống Mỹ nói khi làm việc với Nhật Bản, Hàn Quốc và những quốc gia khác, Hoa Kỳ có thể gia tăng áp lực đối với Bắc Hàn để cuối cùng Bình Nhưỡng phải chọn một hướng đi khác. Tổng thống Mỹ còn nói thêm việc tham gia của Trung Quốc trong vấn đề này cũng rất quan yếu.
Một chiến lược bền vững
Dù tình hình thế giới biến chuyển ra sao chăng nữa, chiến lược tái cân bằng hay xoay trục sang châu Á đã được hoạch định nhiều năm trước khi xảy ra những biến cố trên những vùng khác của thế giới. Hiển nhiên châu Á là đề mục đã nằm thường xuyên trên bàn giấy của Tổng thống, HĐ An ninh quốc gia và nội các Hoa Kỳ. Hai bộ trưởng quốc phòng tiền nhiệm Robert Gates và Leon Panetta từng đi châu Á nhiều lần để quảng bá và khẳng định quyết tâm của Hoa Kỳ trong chiến lược ấy.
Hoa Kỳ đương nhiên phải có kế hoạch lâu dài cho một chiến lược lâu dài, bao gồm mọi khía cạnh liên quan đến ngân sách, nhân sự, tiếp liệu... được tính toán cặn kẽ trong mọi tình huống, biến cố có thể xảy ra trên toàn thế giới. Toàn bộ kế hoạch phải được tiến hành đúng từng chi tiết để đạt mục tiêu đã ấn định, cũng là mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ.
Chiến lược xoay trục sang châu Á là chính sách sống còn cho Hoa Kỳ, đã được bàn thảo từ trước thời Tổng thống Obama, và đã phát khởi vì sự lớn mạnh nhanh chóng không ngờ của Trung Quốc. Nói chuyện trước quốc hội Australia tháng 11 năm 2011, Tổng thống Obama đã nhấn mạnh sự thay đổi chọn lựa ưu tiên về địa chiến lược của Hoa Kỳ :"Là khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới và quê hương của cho hơn một nửa nền kinh tế toàn cầu, châu Á Thái Bình Dương là khu vực thiết yếu cho mục đích đạt được ưu tiên cao nhất của tôi trong việc tạo ra công việc làm và cơ hội cho người Mỹ"
Không thể có vấn đề thay đổi cho một chiến lược sinh tử như vậy, nhưng liệu tình hình biến đổi trên thế giới có thể ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chăng?
Cho đến nay chưa hề thấy dấu hiệu chậm trễ trong việc thực hiện chiến lược ấy. Khi bối cảnh thay đổi và châu Á tỏ lộ quan ngại, thì các nhà lãnh đạo ngoại giao, quốc phòng, lập pháp, và ngay cả lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ liền lập tức nhắc lại, nhấn mạnh sự kiên định của Washington trong chính sách lâu dài này.
Vì quyền lợi Mỹ
Thế giới càng đổi thay thì Hoa Kỳ càng xác định quyết tâm đối với châu Á. Chẳng phải vì Nhật Bản, Philippines hay Việt Nam, Đông Nam Á, mà chính vì quyền lợi của Mỹ, vì tương lai lâu dài của nến kinh tế, quân sự của chính Hoa Kỳ, vào thời kỳ một quốc gia khổng lồ ở châu Á vươn vai trỗi dậy tiến lên địa vị siêu cường, như Hoàng đế Louis Napoléon Bonaparte của nước PHáp đã nói từ thế kỷ 17:"Trung hoa? Người khổng lồ đang nằm kia. Cứ để hắn ngủ, vì khi Trung hoa thức giấc, thế giới sẽ rung chuyển."
Hoa Kỳ từng phải đem hết sức mạnh đối đầu với đế quốc Nhật Bản, sau khi đã tung quân sang châu Âu để cùng Tây Âu và Liên Xô diệt Đức Quốc Xã, nên phải hiểu rằng châu Á là nơi phát xuất những sức mạnh khổng lồ từng xâm chiếm phương Tây, như Trung Quốc ngày nay không cần dấu diếm quyết tâm đối đầu với Hoa Kỳ trên Thái Bình Dương.
Chuyến đi lần này của Tổng thống Mỹ có vẻ như để xếp đặt thế trận kiềm chế Trung Quốc về mọi mặt, từ chiến lược địa chính trị đến kinh tế, kỹ thuật... Tổng thống Mỹ còn muốn hoàn tất hiệp định thương mại song phương với Nhật Bản cũng như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương với nhiều quốc gia châu Á, không có Trung Quốc.
Tổng thống Obama sẽ thăm binh sĩ Mỹ đồn trú ở Nhật và Nam Hàn, vinh danh các quân nhân Hoa Kỳ tử trận ở châu Á trong lúc Bắc Hàn ngây ngô đòi nổ hạt nhân thử nghiệm. Hành động cua Bình Nhưỡng chỉ làm nổi bật chuyến thăm binh sĩ của Tổng thống Mỹ như một biểu tượng cho quyết tâm của Hoa Kỳ bảo vệ châu Á chống lại những thế lực xâm lăng hung hãn.
Tại Malaysia và Philippines Tổng thống Obama cũng sẽ bàn thảo vấn đề chiến lược an ninh, trong lúc chính sách trợ giúp cứu nạn của Hoa Kỳ nổi bật lên với vụ máy bay MH370 mất tích.
Phó Tổng thống Mỹ Joseph Biden đã đến Kiev, Ukraine, trước khi quân đội xứ này tấn công chiếm lại một số cơ sở hành chánh ở miền Đông. Hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ chia nhau công tác ở hai nửa địa cầu, để chuyến công du của Tổng thống Obama mang đầy đủ ý nghĩa dành cho châu Á mối quan tâm đặc biệt với những kế hoạch chiến lược bền vững, lâu dài.
___________________________________
Chú thích: (Coolquotescollection.com/Wisdom/124): Napoleon, surveying a map in 1803 pointed to China and said "There lies a sleeping giant. Let him sleep. For when he wakes he will move the world. - Napoleon)
(Lexpress.to/archives/94/ " «Quand la Chine s'éveillera, le monde tremblera.» Cette affirmation prophétique est attribuée à Napoléon. L’empereur l'aurait prononcée en 1816, après avoir lu La relation du voyage en Chine et en Tartarie de Lord Macartney, premier ambassadeur du roi d'Angleterre en Chine, ou à une autre occasion à Sainte-Hélène.)
No comments:
Post a Comment