Thứ Sáu, 25/04/2014 10:33 (GMT + 7)
Đã có 123 trẻ tử vong liên quan đến sởi. Trong 2 ngày qua số bệnh nhân mới nhập viện có xu hướng tăng, số bệnh nhi nặng đang phải thở máy ở các BV tuyến Trung ương tăng trong vài ngày qua.
Bệnh nhi điều trị sởi ở BV Nhiệt đới TƯ (Ảnh chụp sáng 24/4. Ảnh: Cẩm Quyên)
Chiều 24/4 diễn ra cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch sởi do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chủ trì.
Tại cuộc họp, Cục Y tế dự phòng cho biết tính đến hết ngày 24/4, số sốt phát ban nghi sởi trên cả nước là 10.017 trường hợp với 3.609 ca dương tính với sởi và 123 ca tử vong liên quan đến sởi (trong đó tại BV Nhi Trung ương là 115 ca).
Bộ Y tế nhận định: Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương, số bệnh nhân sởi mới nhập viện có xu hướng chững lại và không tăng so với những ngày đầu tháng 4/2014 (từ số nhập viện hàng ngày là 30 giảm còn 5-10 bệnh nhân nhập viện mỗi ngày).
Riêng trong 2 ngày nay (23 và 24/4), số nhập viện mới tăng cao hơn so với ngày 22/4. Số ca nặng xin về hoặc tử vong tại BV Nhi Trung ương bắt đầu giảm dong số bệnh nhân nặng, đang phải thở máy ở các BV tuyến Trung ương vẫn còn ở mức cao, thậm chí còn tăng trong vài ngày qua.
Về điểm nóng của dịch sởi là Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, PGĐ Sở Y tế cho biết dịch sởi ở Hà Nội đã đạt đỉnh và đang duy trì ở mức cao (khoảng 700 bệnh nhân điều trị nội trú ở các bệnh viện), dự báo số mắc sẽ giảm dần chứ không thể giảm nhanh được (đặc biệt là trong điều kiện thời tiết ẩm, nóng thất thường như hiện nay).
Hạn chế tập trung đông người dịp 30/4, 1/5
Bộ trưởng Y tế lo ngại sắp tới là những ngày nghỉ dài, nhu cầu đi lại, vui chơi của người dân tăng cao, có thể khiến tình hình dịch bệnh khó kiểm soát (nhất là khi sởi xảy ra cả với người lớn).
Người đứng đầu ngành Y tế khuyến cáo người dân nên hạn chế tập trung đông người, giữ gìn môi trường sống sạch sẽ, tăng cường dinh dưỡng, ... để phòng bệnh.
|
Số tử vong được ông Hạnh dự báo sẽ vẫn có do vẫn còn trẻ phải thở máy ở BV Nhi TƯ, BV Bạch Mai trong suốt cả tháng qua, nguy cơ tử vong hiện hữu.
Hiện tỉ lệ tiêm vét vắc xin sởi của Hà Nội đạt 97%. Với con số này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định chỉ khoảng 2 tuần hoặc 10 ngày nữa Hà Nội sẽ không còn ca bệnh mới.
Cũng trong chiều 24/4, Bộ trưởng Y tế đã ban hành chỉ thị yêu cầu các Sở Y tế trong cả nước đẩy mạnh công tác phòng chống dịch sởi và triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi và tiêm vét vắc xin sởi để nâng cao hiệu quả phòng chống dịch bệnh.
Vẫn loay hoay bài toán tuyên truyền
Sau khi nghe báo cáo của PGĐ Sở Y tế Hà Nội, Vụ trưởng Vụ truyền thông – Thi đua khen thưởng của Bộ Y tế - ông Trần Đức Long – đề nghị Hà Nội “chia sẻ” kinh nghiệm truyền thông, định hướng tuyên truyền mà Hà Nội đang thực hiện. Câu chuyện truyền thông, tuyên truyền về dịch, về hiệu quả tiêm chủng của Bộ Y tế là vấn đề bị Thủ tướng Chính phủ phê bình trong cuộc họp chiều qua (23/4).
Ông Hạnh cho biết: Hiện tại, ngoài hệ thống truyền thông của TP và các cơ quan báo chí Trung ương đưa tin về dịch sởi và tiêm chủng thì cả hệ thống chính trị của Hà Nội đều vào cuộc, đến từng nhà dân vận động, tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu.
Nhờ triển khai mạnh các biện pháp nên tỉ lệ tiêm chủng của Hà Nội đã tăng vọt từ 75% lên 97% chỉ trong vòng 1 tuần.
Ông Trần Đắc Phu cũng thừa nhận một thực tế: Qua các buổi giao lưu trực tuyến trên các báo mới thấy có nhiều vấn đề tuyên truyền chưa đến được với người dân, bởi nếu biết thông tin thì đã không có quá nhiều câu hỏi được đưa ra trong các buổi giao lưu như vậy.
Đây cũng là nội dung được Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh cần phải tiếp tục triển khai sâu rộng trong thời gian tới để hướng dẫn người dân cách nhận biết, cách phòng tránh, xử trí, …
Bên cạnh đó cần tiếp tục duy trì làm tốt việc phân luồng, phân loại và cách ly bệnh nhân để tránh lây chẽo, tập huấn phác đồ điều trị mới, … Các đoàn kiểm tra phòng chống dịch sẽ tiếp tục hoạt động ở các địa phương.
No comments:
Post a Comment