24/04/2014 07:16
Dân Việt - Từ khi bệnh sởi bùng phát, các bác sĩ, điều dưỡng điều trị sởi lúc nào cũng “căng như dây đàn” túc trực ngày đêm, lắng nghe từng nhịp thở của các bệnh nhi.
Bác sĩ bó tay
Rất khó để gặp TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) trong những ngày này. Anh chỉ dành cho NTNN ít phút nghỉ ngơi giữa những ca trực. Nói về đợt dịch này, anh bùi ngùi chia sẻ: “Suốt 3 tháng qua, lúc nào tôi cũng phải gồng mình để động viên học trò và đồng nghiệp. Tôi đã cố hết sức, tập trung mọi nguồn lực, sức lực với mong muốn duy nhất là cứu chữa cho các cháu”.
Những ca mắc sởi biến chứng nặng đang được điều trị ở khoa Nhi, BV Bạch Mai.
TS Dũng cho biết, ca đau đớn gần đây nhất chính là sự ra đi bé V.D.B (25 tháng tuổi). Sau nhiều ngày thở máy, bệnh của bé đã thuyên giảm, cả khoa đã “ăn mừng”. Tuy nhiên, bệnh của bé lại trở nặng, phải thở máy nhưng vẫn không cứu được. Đứa em trai của em cũng đang cố chống chọi với tử thần.
Điều dưỡng viên Cao Thị Hợp chia sẻ, chưa bao giờ chị phải sống trong những ngày dài đau thương như vậy. Trong các ca trực của mình, chị đã chứng kiến 4 em bé ra đi vì các biến chứng của bệnh sởi mà mình hoàn toàn bất lực.
“Các cháu vào viện, những lúc bệnh đỡ, mình chơi đùa với các cháu, nhìn các cháu thật đáng yêu. Vì thế, lúc phải nhìn các cháu mê man, hơi thở yếu ớt, thật sự đau lòng, nhất là khi các dấu hiệu trên máy thở cứ yếu dần, yếu dần, rồi hoàn toàn biến mất… Khó mà cầm được nước mắt” – Hợp chia sẻ.
Đã quá quen thuộc với bệnh tật mà nói tới bệnh nhi sởi, điều dưỡng Phạm Hương Trang vẫn rơm rớm. Chị tâm sự: “Ngày trước, công việc mệt mỏi, bọn em về đến nhà là lăn ra ngủ. Nhưng thời gian này, sự nặng nề, ám ảnh về bệnh tật của các bé, nhất là những ca tử vong khiến chúng em bị căng thẳng, không ngủ nổi. Lúc nào cũng nhớ về các bé, về nỗi đau mà các bé đang phải gánh chịu… Chỉ cầu thêm những phép màu”.
“Không dám rời con”
Túc trực ngày đêm cùng các bác sĩ cứu con là những người cha, người mẹ. Mấy tuần nay, chị Nguyễn Thị Linh (Tân Mai) ngồi như đóng đinh cạnh con trai. Bé mới 10 tháng tuổi, ban đầu điều trị ở BV Xanh Pôn, đến khi bệnh nặng thì chuyển sang BV Nhi T.Ư. Gia đình đã cảm thấy mừng khi bệnh thuyên giảm, chị bế con chuyển về BV Thanh Nhàn để điều trị tiếp. Tuy nhiên, bệnh của bé lại trở nặng và phải vào cấp cứu ở BV Bạch Mai.
Theo TS Dũng, từ tháng 1 đến nay, cho dù hết sức cứu chữa, với đủ thiết bị và thuốc thang tốt nhất nhưng vẫn có 8 trẻ không qua khỏi do bệnh sởi khiến tâm trạng của các bác sĩ cũng nặng nề, đau xót. Hiện khoa Nhi vẫn còn hơn 60 trẻ bị sởi, trong đó nhiều cháu bệnh nặng, phải thở máy.
Kể từ khi cháu vào thở máy, chị không muốn rời con nửa bước. Tim chị như quặn thắt, muốn ngừng đập mỗi lần nhìn gương mặt bé bỏng của con chìm trong mê man. Chị cho biết, sau nhiều ngày chạy khắp các bệnh viện, chị cũng không thể tính được số tiền tiêu tốn vào bệnh tật, đi lại, ăn uống. Chị chỉ đau đáu một điều, con chị có cơ hội sống khỏe mạnh.
Đi đi lại lại vô thức, bỗng nhiên, người phụ nữ dừng lại bật khóc ngay ở hành lang khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai sáng 23.4. Hai ngày trước, chị P.T.Đ (32 tuổi, Hưng Yên) vừa mất đứa con gái mới 4 tháng tuổi tại Bệnh viện Nhi T.Ư do viêm phổi.
Ngay tối cùng ngày, cậu em trai song sinh cũng rơi vào tình trạng nguy kịch do biến chứng sởi, phải vào thở máy tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai. Phải rất lâu chị mới trấn tĩnh trò chuyện với chúng tôi. Vợ chồng chị lấy nhau gần 7 năm, đã “đi vái tứ phương” mà vẫn không được nên phải thụ tinh ống nghiệm. Ngay lần đầu thụ tinh, chị Đ thụ thai ngay, hai vợ chồng mừng rơi nước mắt.
Đến khi hai con chào đời khỏe mạnh, có nếp, có tẻ, mọi người đều mừng cho đôi vợ chồng. Cách đây hơn 1 tháng, cô chị bị viêm phổi, phải vào BV Nhi T.Ư điều trị và chuyển tới phòng cách ly. Sau đó 2 tuần, cậu em lại bị sốt cao. Khi bác sĩ kết luận bé mắc sởi, chị Đ lo lắng định cho con nhập viện Nhi nhưng bệnh viện quá tải, anh chị lại bồng bế con sang BV Bạch Mai. Ngay sau khi đưa con trai tới BV Bạch Mai thì BV Nhi thông báo con gái đã tử vong. “Trời đất đổ sụp, tay chân rụng rời, đau lắm chị ơi” – người mẹ ơ hờ, không còn nước mắt.
Tuấn Kiệt
No comments:
Post a Comment