LÂM PHONG - 25/04/14 05:23
(GDVN) -Thuê thiết bị y tế từ đối tác bên ngoài và ăn chia lợi nhuận với tỷ lệ bất thường, hậu quả là gánh nặng dồn lên đầu người bệnh...
Bệnh viện bị phụ thuộc?
Đây được xem như những bí mật tồn tại trong bệnh viện Thanh Nhàn cả chục năm qua, và đã lộ ra trong buổi giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội hôm 22/4. Trưởng đoàn giám sát là bà Ngô Thị Doãn Thanh – Phó Chủ tịch HĐND đánh giá rằng việc thực hiện chính sách xã hội hóa y tế phản ánh bức tranh nhiều mảng màu, trong đó có nhiều hiệu quả tích cực đã được ghi nhận nhưng cũng có những mảng tối.
Một trong những mảng tối mà bà Thanh đề cập tới là chuyện thuê máy móc, thiết bị y tế ở bệnh viện này. Từ năm 1999, Bệnh viện Thanh Nhàn có 15 đề án xã hội hóa y tế với tổng số vốn huy động là 65 tỷ đồng. Hầu hết trong số 15 đề án xã hội hóa của bệnh viện được thực hiện theo mô hình thuê máy của doanh nghiệp.
Nhưng điều bất thường là, đã mang tiếng đi thuê nhưng bệnh viện lại phải trả thêm tiền lợi nhuận khai thác từ thiết bị cho doanh nghiệp với tỷ lệ rất cao: Doanh nghiệp hưởng 80-85%, bệnh viện hưởng 15-20%. Chưa kể, đa số các hợp đồng thuê máy móc xã hội hóa có thời gian rất dài, trung bình trên 10 năm, có đề án hợp đồng đến 20 năm. Bệnh viện này sau đó có thương thảo giảm tỷ lệ ăn chia xuống nhưng nhiều đối tác không đồng ý.
Thực tế này làm lợi quá lớn cho các doanh nghiệp bỏ tiền mua máy móc cho bệnh viện thuê. Chưa hết, việc xác định giá của bệnh viện khi thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác cũng tồn tại nhiều điểm vướng mắc. Khi cho đối tác đặt máy, Bệnh viện Thanh Nhàn không tính giá trị cơ sở hạ tầng của mình dành cho khu vực đặt máy, điện nước, nhân công hay yếu tố thương hiệu của bệnh viện để đàm phán tỷ lệ ăn chia lợi nhuận, gần như là cho không các yếu tố này và chấp nhận chia cho doanh nghiệp tỷ lệ lợi nhuận cao.
Nghịch lý trên dẫn đến việc bệnh viện phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư.
Chỉ khổ dân
Trong bối cảnh đó, việc bị thu phí sử dụng thiết bị mà bệnh viện phối hợp với các đối tác bên ngoài càng khiến người bệnh trở nên khốn khổ vì giá dịch vụ cao hơn đáng kể so với mức phí theo quy định của Nhà nước.
Lãnh đạo Bệnh viện Thành Nhàn thừa nhận, dù chủ trương xã hội hóa đã góp phần thay đổi diện mạo của bệnh viện, giúp bệnh viện phát triển tốt nhưng thực tế có hiện tượng các nhà đầu tư chỉ đầu tư xã hội hóa vào các dịch vụ kỹ thuật có lợi nhuận cao, việc xã hội hóa trang thiết bị toàn bộ dẫn đến hệ quả là bệnh viện phụ thuộc vào nhà đầu tư.
Cán bộ bệnh viện Thanh Nhàn hướng dẫn gia đình bệnh nhân sử dụng trang bị tại bệnh viện. Ảnh Diện Hứa |
Bà Chu Thị Dự, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, do đa số nhà đầu tư nhận được tỷ lệ ăn chia khi ký hợp đồng rất cao, 80-85%, nên sau một thời gian hoạt động, bệnh viện đã thương thảo giảm tỷ lệ chia lợi nhuận khi thuê máy với một số máy xuống còn 50-60%, song có một số đối tác không đồng ý. Không chỉ làm lợi cho doanh nghiệp thông qua tỷ lệ ăn chia bất thường mà việc xác định giá của bệnh viện khi thực hiện liên doanh, liên kết với các đối tác cũng tồn tại nhiều điểm vướng mắc. Khi cho đối tác đặt máy, Bệnh viện Thanh Nhàn không tính giá trị cơ sở hạ tầng của mình dành cho khu vực đặt máy, điện nước, nhân công hay yếu tố thương hiệu của bệnh viện để đàm phán tỷ lệ ăn chia lợi nhuận, gần như là cho không các yếu tố này và chấp nhận chia cho doanh nghiệp tỷ lệ lợi nhuận cao.
Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Ngô Thị Doãn Thanh đã yêu cầu phải phân biệt, làm rõ và xác định đúng hình thức xã hội hóa, minh bạch việc thuê máy với mô hình liên doanh liên kết ăn chia lợi nhuận và dù áp dụng theo mô hình nào cũng phải đảm bảo tính đúng, tính đủ, công khai theo các quy định hiện hành.
Đặc biệt, khi xã hội hóa y tế phải hài hòa 3 lợi ích: nhà đầu tư- bệnh viện- người bệnh, trong đó quyền lợi người bệnh phải được đặt lên hàng đầu chứ không phải quyền lợi của nhà đầu tư.
No comments:
Post a Comment