Monday, April 14, 2014

Hội nhập hay tiếp tục đấu tranh?

Thanh Quang, phóng viên RFA
2014-04-14
chhv-305.jpgTS Cù Huy Hà Vũ và vợ LS Nguyễn Thị Dương Hà xuống phi trường Dulles International Airport, ngày 7 tháng 4 năm 2014.Courtesy BPSOS
Trong khi dư luận tiếp tục xôn xao khi nhà cầm quyền Việt Nam trong những ngày qua trả tự do trước hạn tù cho một số nhà bất đồng chính kiến hàng đầu trong nước, từ người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, thầy Đinh Đăng Định vốn vừa vĩnh viễn ra đi để lại nhiều thương tiếc, rồi mới đây là trường hợp các tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi, thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung, thì chuyện nhà bất đồng chính kiến hàng đầu khác của Việt Nam, TS Cù Huy Hà Vũ, được phóng thích cũng trước hạn tù nhưng phải đột ngột rời quê hương để đi Hoa Kỳ trị bệnh khiến dư luận lại càng xôn xao.

Bị truy đuổi nhưng không thể bị quật ngã

Công luận nói chung thắc mắc về nguyên nhân thật sự khiến ông rời khỏi quê hương; sự vắng bóng của ông trong nước có thể ảnh hưởng ra sao tới công cuộc đấu tranh của phong trào dân chủ quốc nội; và liệu ông hội nhập hay tiếp tục đấu tranh như thế nào trong cuộc sống lưu vong…
Qua bài “Từ bờ bên kia”, blogger Đặng Ngữ khẳng định rằng không ai có quyền trách TS Hà Vũ về việc ông đồng ý tới Mỹ cũng đồng nghĩa là “chấp nhận đánh đổi tự do lựa chọn lấy định mệnh của mình”. Nhưng tác giả lưu ý:
“Con đường phía trước sẽ cần đến những con người có tầm cỡ, những người sẵn lòng dàn xếp vì sự tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người chứ không phải những kẻ ngoan cố có thái độ muốn giành tất cả hoặc không có gì. Nhưng con đường phía trước cũng rất cần những người chính trực, những người không đánh đổi niềm tin chính trị bằng bất cứ một sự thỏa hiệp nào. Đó là thực tiễn chính trị. Cù Huy Hà Vũ chắc chắn không đạt đến tầm cỡ ấy. Nhà tù không thể treo cổ được niềm tin. Nhưng chính trị lưu vong đôi khi lại làm tốt nhiệm vụ của tên đao phủ. Ở các xã hội khác, người ta không bao giờ coi một người sinh sống ở nước ngoài là những kẻ bỏ chạy hay phản bội. Nhưng ở Việt Nam chẳng có gì giống như thế cả. Không có truyền thống tự do cá nhân như phương Tây, lại bị các truyền thống cổ hủ đè nén, người dân có khuynh hướng xem những người di cư ra nước ngoài là những người bỏ chạy.”
Ở các xã hội khác, người ta không bao giờ coi một người sinh sống ở nước ngoài là những kẻ bỏ chạy hay phản bội. Nhưng ở Việt Nam chẳng có gì giống như thế cả.
-Blogger Đặng Ngữ
Tác giả mong rằng TS Cù Huy Hà Vũ không bị “lọt thỏm và mất hút vào ‘lỗ đen’ chính trị lưu vong”. Và cho dù ông ở Mỹ một thời gian hay ở lại mãi mãi, thì tác giả vẫn hy vọng rằng TS Cù Huy Hà Vũ thuộc trong “thiểu số đầy năng động bị truy đuổi nhưng không thể bị quật ngã”.
Blogger Kami nhận thấy có không ít người bày tỏ thất vọng trước việc “TS Luật Cù Huy Hà Vũ đã chấp nhận đi thẳng từ nhà tù ra sân bay Nội bài đến Hoa Kỳ để tỵ nạn chính trị”, mà, Kami lưu ý, “theo họ thì đó là việc chấp nhận ra đi khi biết rằng không có cơ hội quay trở lại Việt Nam, đó là hành động đồng nghĩa với sự chấp nhận thoái lui, lùi bước của TS Cù Huy Hà Vũ trên con đường tranh đấu của ông”.
Sau khi lưu ý về chuyện bỏ nước ra đi của các nhà đấu tranh cho dân chủ, các cựu tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị là “việc bất đắc dĩ mà họ buộc lòng phải chấp nhận, khi cuộc sống của họ và của gia đình họ bị chèn ép gây khó dễ từ phía chính quyền”, “trong điều kiện họ không còn một sự lựa chọn tốt hơn cho mình, mà tỵ nạn chính trị ở quốc gia khác là lựa chọn khả dĩ nhất”, blogger Kami khẳng định:
“Mọi người sinh ra đều có quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Những người đấu tranh cho dân chủ ở Việt Nam cũng vậy, họ cũng có quyền lựa chọn cho mình và gia đình một cuộc sống an toàn hơn, tốt đẹp hơn. Ít nhất họ là những người đã từng chấp nhận hy sinh để tranh đấu cho một đất nước Việt Nam tốt đẹp hơn và cái giá phải trả của họ là những năm tháng tù đầy. Chúng ta không có bất cứ quyền gì để buộc họ ở lại để tiếp tục tranh đấu, và càng không có quyền coi họ là những người bỏ cuộc hay thoái lui…”
Blogger Kami không quên lưu ý rằng TS Cù Huy Hà Vũ đã cống hiến và hy sinh quá nhiều trong công cuộc đấu tranh nhằm thiết lập một nhà nước pháp quyền, trong đó luật pháp phải được thượng tôn và bất khả xâm phạm ở Việt Nam. Do đó, vẫn theo Kami, việc ông quyết định đi chữa bệnh dài hạn ở Hoa Kỳ, dù phần nào không có lợi cho phong trào dân chủ quốc nội so với sự hiện diện của ông trong nước, thì những quyết định của ông, do ông và vì ông trước mắt xứng đáng được tôn trọng… Nhưng Kami tin rằng TS Cù Huy Hà Vũ sẽ tiếp tục “sứ mạng đấu tranh còn dang dở”, “sẽ không bỏ cuộc” vì, blogger Kami phân tích, “một người hội đủ các yếu tố cần có như TS Cù Huy Hà Vũ sẽ không dễ mà tự bỏ cuộc chơi”.
000_Hkg4765495-250.jpg
TS luật Cù Huy Hà Vũ ở phiên tòa xét xử tại Tòa Án Nhân Dân Hà Nội vào ngày 04 tháng 4 năm 2011. AFP PHOTO.
Khi nói về chuyện nhà cầm quyền Việt Nam luôn đẩy những cựu tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm và cả gia đình họ vào bước đường cùng, MS Nguyễn Trung Tôn từ trong nước nhớ lại:
“Vào năm 2006 gia đình tôi bị họ kéo vào đập phá nhà cửa, lúc đó là lúc tăm tối nhất. Gia đình tôi bị đàn áp khốc liệt, các con tôi không dám đến trường vì bị bạn bè đánh, vợ tôi buôn bán kinh doanh ở chợ thì không có người mua, không được thu xếp chỗ ngồi, ruộng của tôi không cấy được vì họ không cho lấy nước. Rồi bố mẹ tôi già yếu bị họ chửi và nhổ nước miếng vào mặt.”
Và từ Hoa Kỳ, cựu tù nhân chính trị Nguyễn Ngọc Quang lưu ý:
“Tôi không còn một con đường nào hết ở VN. Do đó buộc lòng tôi phải đào thoát khỏi VN. Tôi không nói đào thoát khỏi VN để đi đến nước nào, mà rời khỏi VN trước hết để bảo tòan cái mạng sống của mình.”

“Chọn lựa của đời người”

Qua bài “Chọn lựa của đời người”, blogger Trần Trung Đạo đề cập đến TS Cù Huy Hà Vũ và “ngọn núi Everest đang chờ” ông. Nhà văn Trần Trung Đạo nhận thấy ở “trong nước Cù Huy Hà Vũ đã trở thành niềm thôi thúc của tuổi trẻ dấn thân. Ngoài nước, Cù Huy Hà Vũ đứng hàng đầu trong danh sách tù nhân mà các tổ chức nhân quyền dùng để gây áp lực cho CSVN”, và, vẫn theo nhà văn Trần Trung Đạo,TS Cù Huy Hà Vũ có thể nói đã một mình tạo nên một “phong trào đấu tranh đầy sinh động”, cách đấu tranh của ông lại “dễ gây phong trào quần chúng và gây khó cho lãnh đạo CS”. Do đó, tác giả Trần Trung đạo lưu ý, đã có nhiều bạn trẻ khóc, xuống đường, thậm chí bị tù vì tranh đấu cho ông khi ông lâm nạn; và nhiều cụ già đã bày tỏ sự cảm thương cho cảnh tù đày của ông. Nhưng tác giả cho rằng thay vì trở về với bạn bè cùng tranh đấu cho công cuộc vận động dân chủ vốn đang rất cần ông, với phong trào bảo vệ Hoàng Sa Trường Sa mà ông từng gắn bó, thì việc ông từ nhà tù sang Mỹ ngay đã làm sửng sốt nhiều người, khiến không ít người thất vọng, lo lắng, thậm chí buồn phiền... Tác giả nhận xét:
“Ngoài việc can đảm, gan dạ, với tuổi trung niên, anh là chất keo nối kết các tầng lớp xã hội. Quốc tế nhìn anh như một lãnh tụ đấu tranh nổi bật của giai đoạn này và luôn dùng để gây áp lực nhân quyền với chế độ. Nhưng chất keo đó chỉ còn là những giọt nước mưa rớt rơi trên mặt phi đạo khi chuyến bay mang anh đi vừa cất cánh…
Nếu anh chỉ muốn có cuộc sống bình an, đọc sách, họa, nghiên cứu luật sẽ không có gì để nói, nhưng nếu anh tiếp tục dấn thân trên đường đấu tranh như đã từng làm thì trước mặt là đỉnh Everest đang đợi chờ anh.”
Theo quan điểm của tôi những người đấu tranh rất dũng cảm như anh Cù Huy Hà Vũ thì nên ở lại Việt Nam, để cùng với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đấu tranh chống độc tài.
-LS Nguyễn Văn Đài
Rồi nhà văn Trần Trung Đạo có “một góp ý chung” cho tất cả những người ra đi, dù ra đi bằng thuyền như chính tác giả hay bằng máy bay như các lãnh tụ đấu tranh, thì “xa đất nước là một bất hạnh và ra đi, dù viện dẫn bất cứ một lý do gì, cũng có lỗi với quê hương”.
Theo LS Nguyễn Văn Đài thì chuyện TS Cù Huy Hà Vũ ra đi “là một thất bại và mất mát của phong trào Dân chủ và những người dân đang khao khát tự do. Chúng ta đã không đủ sức mạnh để buộc chính quyền thả tự do cho Tiến sĩ Vũ tại Việt Nam. Để ông tiếp tục đóng góp cho tiến trình dân chủ hóa đất nước. Và (đây) là một thành công của chính quyền CS, bởi họ đã đạt được 2 mục tiêu: Đáp ứng đòi hỏi của quốc tế và trục xuất được một người kiên cường đấu tranh đòi đa đảng". Lên tiếng với Đài ACTD, LS Nguyễn Văn Đài cho biết:
“Đầu tiên tôi cũng rất vui mừng vì anh Cù Huy Hà Vũ đã thoát ra khỏi cái nhà tù rất khắc nghiệt ở Việt Nam, nhưng khi biết anh phải sang Mỹ thì nó cũng là một nỗi buồn. Vì theo quan điểm của tôi những người đấu tranh rất dũng cảm như anh Cù Huy Hà Vũ thì nên ở lại Việt Nam, để cùng với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước đấu tranh chống độc tài để đem lại tự do cho 90 triệu người dân Việt Nam.”
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh lưu ý tới một số trường hợp “bỗng nhiên được nhà nước gia ân, trả tự do hoặc ‘đặc xá’, như tù nhân thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, thầy Đinh Đăng Định (các tù nhân lương tâm Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung) và bây giờ là Cù Huy Hà Vũ.”
Qua bài “Khi đảng thả con tin”, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nhận thấy thoạt nghe động thái đó của nhà cầm quyền, nhiều người “ít am tường” nêu lên những câu hỏi, như:
“Phải chăng nhà nước đã phần nào hiểu ra rằng những con người kia vô tội, rằng việc bắt bớ, giam cầm con dân vô tội của mình là hành động tự sát?
Hay câu trả lời từ thực tế Bauxite Tây Nguyên đã như gáo nước lạnh dội thẳng vào mặt nhà nước làm bừng tỉnh những bộ óc đang mê muội hướng theo “Chủ trương lớn của đảng” trong vụ Bauxite, nên đây là động tác ăn năn?
Hoặc đây là sự khởi đầu cho một cuộc thay đổi như Cuba, một độc tài Cộng sản, người “anh em” của Việt Nam đã thả hàng loạt tù nhân chính trị gần đây?
Hay chính phủ Việt Nam đã biết ngượng khi ông Thủ tướng Việt Nam mới gần đây yêu cầu Miến Điện cải thiện tình hình dân chủ, nên bây giờ học tập phong trào thả tù chính trị hàng loạt và cho đảng đối lập hoạt động cho phần nào đỡ bẽ mặt?
Hoặc vì Việt Nam mới đây đã là thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nên nhà nước chứng tỏ cho thế giới thấy rằng: Tớ đây cũng chẳng đến mức nào như các bạn đã đánh giá?
Hay vì lãnh đạo đảng và nhà nước đã nhận thức được rằng: Việc giam giữ các tù nhân lương tâm chẳng có lợi gì cho đất nước, cho dân tộc mà ít nhất cũng làm cho bộ mặt nhà nước nhem nhuốc hơn về lĩnh vực quyền con người, nhất là xã hội sẽ bị bóp nghẹt và không thể tiến bộ?”
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh “Xin thưa là không phải thế! Những giả thiết, những câu hỏi trên vẫn là chuyện hoang đường hiện nay”. Nhà nước VN luôn tuyên bố “Ở VN không có tù nhân chính trị, không có tù nhân lương tâm’’, nhưng, nhà báo JB Nguyễn Hữu Vinh dẫn chứng, “những người được đảng và nhà nước đưa ra mặc cả không phải là những tội phạm lừng lẫy như Dương Chí Dũng, như Năm Cam… mà lại là những nhân sĩ, trí thức, những người yêu đất nước, dân tộc, ghét chế độ độc tài, căm thù bọn bán nước. Để rồi, họ sẽ được đưa ra mặc cả, làm giá và đánh đổi khi đảng cần một thành tích nhân quyền nào đó”.
Tạp chí Điểm blog xin tạm dừng ở đây. Thanh Quang kính chào tạm biệt quý vị.

No comments:

Post a Comment