Monday, December 16, 2013

Ông Dương Chí Dũng lĩnh án tử hình

Chiều nay, xác định cựu cục trưởng Hàng hải Dương Chí Dũng không hối cải, khai báo quanh co về việc gây thiệt hại hơn 366 tỷ đồng và tham ô 10 tỷ đồng, TAND Hà Nội đã tăng nặng hình phạt, tuyên án tử hình với ông này.

Buổi tuyên án muộn khoảng một tiếng so với dự kiến. Sau hơn 2 tiếng đọc bản án, 17h30, chủ tọa tuyên ông Dũng phạm tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Khung hình phạt với tội Tham ô tài sản ở mức cao nhất - tử hình. Ở tội Cố ý làm trái, ông Dũng bị phạt 18 năm tù. Tổng hợp hình phạt chung là tử hình.
Bị cáo Mai Văn Phúc (nguyên tổng giám đốc Vinalines) bị phạt cùng mức án như ông Dũng về cả hai tội danh.
Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên phó tổng giám đốc Vinalines) bị kết án 10 năm tù về tội Tham ô, 9 năm tù do Cố ý làm trái; tổng hợp là 19 năm. Trần Hải Sơn (nguyên tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) chịu 22 năm tù.
Ở tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, bị cáo Bùi Thị Bích Loan (nguyên kế toán trưởng Vinalines) bị phạt 4 năm tù; Mai Văn Khang (nguyên phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên vận tải viễn dương Vinashin thuộc Vinalines) lĩnh 7 năm tù, Lê Văn Dương (nguyên đăng kiểm viên Chi cục đăng kiểm số 6, Cục Đăng kiểm Việt Nam) lĩnh 7 năm. Ba bị cáo Huỳnh Hữu Đức (nguyên phó cục trưởng Chi cục Hải quan Vân Phong, Khánh Hòa, kiêm phó chánh văn phòng Cục hải quan Khánh Hòa), Lê Ngọc Triện (nguyên đội trưởng nghiệp vụ Chi cục Hải quan Vân Phong), Lê Văn Lừng (nguyên cán bộ Chi cục hải quan Vân Phong) mỗi người 8 năm tù.
dung11.jpg
Hội đồng xét xử tuyên án Dương Chí Dũng và đồng phạm. Ảnh: Việt Dũng.
Vợ và người thân của cả 10 bị cáo khóc lớn giữa tòa sau khi các hình phạt được đọc xong.
HĐXX kiến nghị, Cơ quan CSĐT Bộ Công an tiếp tục làm rõ sai phạm của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Citibank; nếu có dấu hiệu hình sự phải khởi tố để xử lý. Tổng Cục Hải quan phải kiểm điểm trách nhiệm trong vụ án này.
Ông Dũng và Phúc mỗi người phải bồi thường thiệt hại 110 tỷ đồng. Bị cáo Chiều bồi thường hơn 39 tỷ đồng, Sơn 46 tỷ đồng, Khang 12 tỷ đồng, Loan 6 tỷ đồng, Dương 15 tỷ đồng. Đức, Triện, Lừng mỗi bị cáo 9 tỷ đồng.
Theo tòa, bị cáo Dũng và Phúc có vai trò cao nhất, ngang nhau, có tình tiết tăng nặng là qua 3 ngày xét xử cũng như trong quá trình điều tra đều "khai báo quanh co, chối tội". Cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất trong khung hình phạt mới có sức răn đe. Tuy nhiên, cả hai cũng được áp dụng tình tiết giảm nhẹ một phần hình phạt như nhân thân tốt, gia đình có công...
dung10.jpg
Dương Chí Dũng cùng đồng phạm nghe tuyên án.
Theo bản án, chưa được Chính phủ phê duyệt và Bộ Giao thông vận tải chưa bổ sung dự án Nhà máy sửa chữa tàu biển phía Nam vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp tàu thủy, nhưng ngày 24/2/2006 HĐQT Tổng công ty Hàng hải (Vinalines) vẫn ra nghị quyết giao tổng giám đốc Mai Văn Phúc triển khai xây dựng. Ngày 3/5/2007, ông Phúc ký quyết định thành lập Ban quản lý dự án do ông Chiều làm trưởng ban, Sơn làm Phó trưởng ban.
Biết việc đầu tư dự án trên 1.000 tỷ đồng thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng ông Dũng với cương vị Chủ tịch HĐQT vẫn ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án với tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng, trong đó có hạng mục lắp đặt một ụ nổi sức nâng 15.500 đến 27.000 tấn.
Khi đoàn cán bộ của Vinalines sang Nga khảo sát mua ụ nổi 83M, biết ụ sản xuất tại Nhật Bản đã bị hư hỏng nhiều, không còn hoạt động và đã bị đăng kiểm Nga dừng phân cấp từ năm 2006. Chủ sở hữu ụ là Công ty Nakhodka đưa ra giá đàm phán dưới 5 triệu USD, nhưng Vinalines vẫn đồng ý mua với giá 9 triệu USD thông qua công ty môi giới AP (Singapore). Việc này được cho là do ông Dũng và Phúc chỉ đạo.
dung9.jpg
Dương Chí Dũng nghe Hội đồng xét xử tuyên án. Ảnh: Việt Dũng.
Tính thêm chi phí vận chuyển, sửa chữa... giữa tháng 2/2008, ông Dũng đã ký quyết định "đổ" tổng cộng hơn 19,5 triệu USD để đưa "đống thép gỉ" này về Việt Nam; đồng thời nâng mức đầu tư Dự án nhà máy sửa chữa tàu biển Vinalines phía Nam từ hơn 3.800 tỷ đồng lên gần 6.500 tỷ.
Cơ quan giám định kết luận, ông Dũng và 9 bị cáo đã gây thiệt hại cho nhà nước hơn 366 tỷ đồng trong thương vụ mua ụ nổi 83M. Đến nay, ụ chưa một lần lần đưa được vào sử dụng, trong khi mỗi tháng Vinalines phải chi gần một tỷ đồng cho tiền kho bãi, bảo quản nó.
Theo buộc tội, các sếp của Vinalines là Dũng, Phúc, Chiều, Sơn sau đó đã được phía AP "lại quả" 1,666 triệu USD trích từ 9 triệu USD thu về. Khoản này được xác định là tiền tham ô vì 1,666 triệu USD thuộc sở hữu của Vinalines. Việc ăn chia giữa 4 bị cáo như sau: ông Dũng và Phúc mỗi người nhận 10 tỷ đồng, ông Chiều hơn 330 triệu đồng, Sơn hơn 7,8 tỷ đồng.
Diễn biến vụ án
Ngày 1/2/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an  khởi tố vụ án Tham ô tài sản xảy ra tại Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines thuộc Tổng công ty Hàng hải, Vinalines.
Ngày 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Vinalines.
Cùng ngày, 17/5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công khởi tố bị can với ông Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hữu Chiều, Bùi Thị Bích Loan, Mai Văn Khang, Lê Văn Dương, Huỳnh Hữu Đức, Lê Văn Lừng, Lê Ngọc Triện và Trần Hải Sơn về tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Lúc này, ông Dũng đã rời Vinalines được 2 tháng sau nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT để giữ chức Cục trưởng Hàng hải. Tuy nhiên, ông Dũng bỏ trốn trước khi cơ quan điều tra thực thi lệnh bắt vào ngày 18/5/2012. Đầu tháng 9/2012, ông Dũng bị bắt theo lệnh truy nã quốc tế.
Ngày 25/9/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội Tham ô tài sản với các ông Dũng, Phúc, Sơn và Chiều.
Việt Dũng
*Tiếp tục cập nhật

No comments:

Post a Comment