Monday, December 16, 2013

1 phường có 400 cán bộ hưởng lương



Thứ hai, 2013-12-16 14:54:12 - Nguồn: BaoDatViet.vn
(Tin tức thời sự)- Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh thì bình quân 1 năm Quảng Ninh phải chi trả lương cho đội ngũ cán bộ công chức là 4.120 tỷ đồng.
 
 
Theo đó, đến nay toàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 68.000 người được hưởng lương theo ngân sách trong tổng số 1,2 triệu dân. Bình quân cứ 16 người dân có một người được hưởng lương, chưa kể lực lượng trung ương đóng trên địa bàn tỉnh như công an, kho bạc, thuế, viện kiểm sát.
 
Bình quân mỗi năm Quảng Ninh phải chi trả lương cho đội ngũ cán bộ với số tiền lên đến 4.120 tỉ đồng.
 
Hơn 30% công chức chỉ ngồi chơi
Hơn 30% công chức chỉ ngồi chơi
Ông Nguyễn Văn Đọc, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho biết theo thống kê, rà soát mới đây nhất của UBND tỉnh Quảng Ninh, hiện mỗi xã phường trên địa bàn tỉnh có trung bình 200 cán bộ hưởng lương. Địa phương có số cán bộ hưởng lương ít nhất là xã Thanh Lân (huyện đảo Cô Tô) với 82 người.
 
Phường Hồng Hải (Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) là phường có số cán bộ hưởng lương lớn nhất trong toàn tỉnh với con số lên đến 400 người. Đó là kết quả rà soát tổ chức bộ máy biên chế được UBND tỉnh Quảng Ninh thống kê và vừa công bố, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh.
 
Ông Đọc cho biết thêm: “UBND tỉnh sẽ rà soát lại biên chế của tỉnh, dứt khoát từ nay sẽ không tăng biên chế tới năm 2016”.
 
Trong khi đó, tại cuộc họp thứ nhất Ban chỉ đạo Đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức vào ngày 25/1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng chế độ công chức của chúng ta hiện nay vẫn nặng tính bao cấp nên chưa phát huy được trí tuệ của cán bộ. 
 
“Chúng ta hiện đang có 2,8 triệu công chức, nhưng thực sự 2,8 triệu công chức ấy có cống hiến hết mình hay không?  Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào” – Phó Thủ tướng cho biết.
 
Trong khi, tại phiên chất vấn ở Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình phủ nhận điều này, ông cho rằng chỉ khoảng 1% cán bộ, công chức không làm được việc, còn chuyện 30% người ngồi chơi chỉ là tin đồn. 
 
Nhưng trên thực tế, trong cuộc thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp do Bộ Nội vụ tổ chức thì có tới 30% công chức dự thi không đạt kết quả xét.
 
Theo quan điểm của ông Bình thì cải cách chế độ công vụ, công chức là nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm và là việc làm tất yếu nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn. Vì vậy, việc cải cách phải được theo hướng năng động, hiệu quả, coi trọng thực tài. 
 
Khó khăn khi giảm biên chế 
 
Nói đến vấn đề này, ông Đặng Như Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội lên tiếng, đòi hỏi phải kiên quyết xử lý 30% số cán bộ “ăn không ngồi rồi”. 
 
Vẫn biết đó là những công chức chính sách, tuyển dụng theo chính sách, và là lỗi của cơ chế một thời, nhưng giảm tải được bộ phận này, cỗ máy công vụ sẽ có đà tăng tốc, ông Đặng Như Lợi tự tin. 
 
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lợi thì loại ai và ai loại luôn là câu hỏi không dễ có câu trả lời hợp tình hợp lý trong một sớm một chiều. Giải quyết thành công áp lực “tinh giản biên chế” đòi phải mềm dẻo, uyển chuyển, đưa ra các chuẩn mực khoa học và nhất là, không được tùy tiện.
 
Trong khi, ông Hoàng Quốc Long, Vụ phó Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) trần tình: "Bàn suông thì dễ, nhưng đi vào cụ thể rất nhậy cảm. Ai trong số gần ba triệu công chức, viên chức là người không hoàn thành tốt chức phận, đáng bị ra khỏi guồng máy. Trong khi, mỗi cá nhân dù ở vị trí nào, đều là một chi tiết hoàn thiện của cỗ máy khổng lồ. Bỏ đi các chi tiết tưởng thừa ấy theo cách thuần cách cơ học, thiếu tính toán, cỗ máy còn vận hành được trôi chảy, thông suốt".
 
Thái Linh

No comments:

Post a Comment