ĐĂNG BỞI  - 
Ngày 16.12, trong lúc tại Hà Nội diễn ra phiên xử vụ án tham ô tại Vinalines nóng hổi với hai án tử hình cho Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc thì tại TP.HCM, tử tù đầu tiên đã bị thi hành án bằng cách tiêm thuốc độc.
Trong khi đó, ngày 13.12, tại Phú Yên, các bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên đang hoảng cả lên vì ba ngày trước đó, một số bác sĩ, điều dưỡng bị Hội đồng thi hành án tử hình của tỉnh ép phải đưa kim vào tĩnh mạch của tử tù trong quá trình tiêm thuốc độc cho tử tù. Điều này chẳng khác gì bắt bác sĩ phải đi thi hành án tử hình đối với tử tù, hoàn toàn đi ngược lại lời thề cứu người của ngành y.
Ba câu chuyện ở ba nơi nhưng gom chung lại đều liên quan đến vấn đề tử hình và tử tù. 
Theo lý giải trên Báo Pháp Luật TP.HCM của ông Nguyễn Phi Đô, Phó chánh án, Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên, tòa căn cứ vào Luật Thi hành án hình sự, Nghị định số 82/2011/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch 05/2013 để thi hành. Thông tư liên tịch 05/2013 quy định “bác sĩ của bệnh viện thuộc Sở Y tế đến địa điểm thi hành án tử hình để hỗ trợ việc xác định tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp cần thiết”. “Khi tập huấn, người ta cũng có nói hỗ trợ ở đây là đưa kim vào tĩnh mạch. Với các quy định của luật hiện hành, ngành y tế phải biết trách nhiệm của mình, Sở Y tế phải biết và hướng dẫn cho bác sĩ”, ông Đô nói.
Cách lý giải của ông Nguyễn Phi Đô là suy diễn và hoàn toàn sai quy định của pháp luật. 
Tại Điểm d Khoản 4 Điều 59 Luật Thi hành án hình sự 2010 quy định: “Theo lệnh của chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ chuyên môn do cơ quan thi hành án hình sự cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chỉ định thực hiện việc thi hành án và báo cáo kết quả cho chủ tịch hội đồng”. 
Về quy trình tiêm thuốc độc tại Khoản 4 Điều 8 Nghị định 82/2011/NĐ-CP nêu rõ:
“4. Cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện các bước sau:
a) Chuẩn bị đủ 3 liều thuốc (trong đó có 2 liều dự phòng);
b) Xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm: trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch;
c) Đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo trình tự như sau:
- Bước 1: Tiêm 05 grams Sodium thiopental.
Sau mũi tiêm gây mê này, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu chưa bị mê thì tiếp tục thực hiện tiêm gây mê cho đến khi mê.
- Bước 2: Tiêm 100 miligrams Pancuronium bromide.
- Bước 3: Tiêm 100 grams Potassium chloride.
d) Kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ. Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng, tiếp tục thực hiện tiêm lần thứ hai.
Trường hợp đã tiêm hết hai liều thuốc mà người bị thi hành án vẫn chưa chết, thì đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo chủ tịch Hội đồng thi hành án ra lệnh tiêm lần thứ ba.
7. Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của chủ tịch Hội đồng thi hành án, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình”.
Điều 9 Nghị định 82/2011/NĐ-CP quy định trong khi thi hành án tử hình, Bộ Y tế có trách nhiệm cung cấp đủ số lượng và hướng dẫn bảo quản, sử dụng các loại thuốc tiêm để sử dụng cho thi hành án tử hình và cấp thuốc để thi hành án tử hình theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng. 
Bộ Y tế phải chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ, bệnh viện, cơ sở đào tạo y tế phối hợp với cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Công an, cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Quốc phòngđào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành y tế có liên quan đến thi hành án tử hình cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thi hành án tử hình. Chỉ đạo các bệnh viện thuộc ngành y tế cử bác sĩ hỗ trợ cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của chủ tịch hội đồng thi hành án tử hình…
“Điều 17. Trách nhiệm của Bộ Công an
...
4. Hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách, đối với cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ thi hành án tử hình.
5. Xây dựng kế hoạch chương trình, đào tạo, huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ công an làm nhiệm vụ thi hành án tử hình…”. (Nghị định 82/2011/NĐ-CP)
Rõ ràng ở đây người đưa kim tiêm vào tĩnh mạch tử tù phải là cán bộ, chiến sĩ công an thuộc cơ quan thi hành án hình sự (công an cấp tỉnh) trực tiếp thi hành án tử hình, chứ không phải bác sĩ hoặc điều dưỡng đến hỗ trợ xác định tĩnh mạch của tử tù. 
Tiểu Ngọc
(Ảnh: Phòng thi hành án bằng thuốc độc tại Mỹ. Nguồn: Internet)