Bà Tống Thị Minh - Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết, năm 2013, nhìn tổng thể, trung bình thưởng Tết của các doanh nghiệp đều giảm.
Mong được trả đủ lương
Sự ảm đạm của thị trường bất động sản đã hệ lụy cho hầu hết các đơn vị xây dựng, sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu cho xây dựng trong năm qua. Ông Đặng Văn Chiến - Chánh Văn phòng Tổng công ty Sông Đà cho biết, năm 2013, các đơn vị trực thuộc gặp nhiều khó khăn.
Vì vậy, hiện chưa có kế hoạch chi thưởng Tết mà đang tập trung hoàn thành khối lượng công việc tại các công trình và thu hồi công nợ. Dự kiến, mức tiền thưởng rất thấp hoặc không có và sẽ rất ít đơn vị có tháng lương thứ 13 cho người lao động.
Anh Hoàng Văn Trung (cán bộ công trình của Tổng công ty Sông Đà) than thở: “Năm nay công việc lúc có lúc không, khó khăn quá. Đến giờ, đơn vị cũng mới chỉ xoay vòng trả lương cho đến tháng 7, còn vẫn nợ lương. Từ giờ đến khi được nghỉ Tết, chỉ mong được trả đủ lương để có chút ít mang về đỡ đần vợ con. Thưởng Tết thì chẳng dám mơ”.
Ngành GTVT đặt mục tiêu không người lao động nào không có thưởng Tết.
Ngay cả trong khối ngân hàng - một ngành vốn có “truyền thống” thưởng Tết cao thì năm nay, dự kiến thưởng Tết cũng mong manh. Chị Nguyễn Hải Anh, nhân viên Techcombank cho biết: “Đến thời điểm này mới biết chắc được tháng lương cơ bản thứ 13 thôi, khó mà có thưởng thêm”.
BÀI LIÊN QUAN
Chị Thu Linh, nhân viên tín dụng của HDBank chia sẻ: “Nhân viên tín dụng phải chịu cả định mức dư nợ cho vay, nhưng tìm kiếm khách hàng vay thời buổi này vô cùng khó khăn, em chỉ mong đủ chỉ tiêu để đảm bảo thu nhập hàng tháng, chứ chẳng nghĩ tới thưởng Tết“.
Đến thời điểm này, thưởng Tết của nhóm ngân hàng dự kiến cao nhất là Eximbank với mức thưởng 4-5 tháng lương, ACB được khoảng 3 tháng lương; Các ngân hàng còn lại được tháng lương thứ 13 cùng khoản thưởng theo năng suất hoặc phần quà nhỏ từ tổ chức công đoàn.
Gia tăng số lao động không có thưởng Tết
Theo bà Tống Thị Minh, thưởng Tết năm nay sẽ được phân thành 3 nhóm: Một nhóm có thể được thưởng với mức hàng trăm triệu, nhóm thứ hai thưởng trung bình và nhóm thứ ba là không có thưởng. “Với tình hình kinh tế khó khăn và theo báo cáo ban đầu, thưởng Tết năm nay cơ bản giảm và số lao động không có thưởng Tết có dấu hiệu tăng”, bà Tống Thị Minh nhận định.
Theo ông Phạm Văn Thanh - Trưởng phòng Lao động - Tiền lương (Sở LĐ,TB&XH TP Hà Nội), nhìn chung, nguồn quỹ dành chi cho thưởng Tết, lương tháng 13 của phần lớn doanh nghiệp năm nay xấp xỉ năm trước.
Dự kiến, trong khối doanh nghiệp FDI (vốn là khối luôn có mức thưởng Tết ở mức cao) năm nay khó vượt quá mức trung bình 30 triệu đồng/người. Các doanh nghiệp khu vực khác sẽ có mức thưởng Tết trung bình nằm trong ngưỡng 2-7 triệu đồng/người. Doanh nghiệp có vốn Nhà nước có mức thưởng Tết trung bình 5-7 triệu đồng/người.
“Vấn đề lo ngại nhất hiện nay là tình hình lương, thưởng tại các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Riêng năm 2014, TP Hà Nội có gần 2.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể. Điều này đồng nghĩa có hàng nghìn người lao động không được bảo đảm về lương, thưởng Tết. Sở LĐ,TB&XH sẽ đề xuất thành phố xuất ngân sách hỗ trợ tiền lương giúp người lao động của những doanh nghiệp phá sản có điều kiện về quê đón Tết”, ông Thanh cho biết thêm.
"Đến thời điểm này vẫn chưa có báo cáo chính thức về thưởng Tết của các đơn vị trong ngành GTVT, tuy nhiên, dự báo, thưởng Tết năm nay sẽ duy trì như năm trước (thấp nhất là 500.000 đồng và cao nhất là hơn 10 triệu đồng) và số đơn vị không đủ khả năng tài chính trả lương, thưởng cho cán bộ, lao động chỉ là số ít.
Với mục tiêu đảm bảo không người lao động nào không có thưởng Tết, Công đoàn ngành GTVT sẽ có những hỗ trợ nhất định hoặc có can thiệp để các đơn vị chủ quản có trách nhiệm hỗ trợ tài chính đối với các đơn vị không có khả năng chi thưởng Tết cho người lao động”.
Ông Nguyễn Văn Toản - Phó chủ tịch Công đoàn GTVT Việt Nam
No comments:
Post a Comment