Thursday, December 26, 2013

Nuôi vài con gà cũng bị tịch thu ? !



26/01/2013 04:25 (GMT + 7)
TT - Thời gian gần đây, dịch bệnh cúm gia cầm tại TP.HCM đã lắng dịu, nhưng tại nhiều khu vực ngoại thành người chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ vẫn bị các cơ quan chức năng tổ chức tịch thu. Vì sao?
Ông Nguyễn An Hòa - Ảnh: Quang Khải
Ông Nguyễn An Hòa, phó chánh thanh tra Chi cục Thú y TP, cho biết dù TP.HCM gần đây chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt TP là đầu mối tiêu thụ các sản phẩm gia cầm từ các tỉnh đổ về. Trước năm 2004, UBND TP đã có quy định không chăn nuôi gia cầm trong các khu dân cư. Đến đầu năm 2011, UBND TP tiếp tục có chỉ thị giao UBND các quận huyện tuyên truyền, nhắc nhở người dân chấm dứt chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện an toàn sinh học và chăn nuôi gà đá trong nội thành cũng như ngoại thành.
* Thế nào gọi là đảm bảo điều kiện an toàn sinh học? Ngoài điều kiện trên, người dân cần thêm những thủ tục gì để được chăn nuôi gia cầm?
- Quy định trên chỉ không cho phép trường hợp chăn nuôi nhỏ lẻ không đảm bảo chứ không phải cấm nuôi. Điều kiện để người dân được chăn nuôi là chuồng trại phải kín, cách xa khu dân cư, được khử trùng, sát khuẩn theo quy định của ngành thú y. Địa điểm chăn nuôi phải nằm trong khu quy hoạch chăn nuôi của địa phương. Nếu địa phương đã thông qua địa điểm, quy mô chăn nuôi, người dân cần phải liên hệ với chi cục thú y góp ý thẩm định về mặt dịch tễ và phê duyệt trước khi xây dựng chuồng trại. Thật ra hiện nay trên địa bàn TP chỉ có hai đơn vị chăn nuôi tập trung đủ các điều kiện trên. Một số đơn vị khác cũng tiến hành làm các thủ tục xin chăn nuôi gia cầm với quy mô tập trung.
* Như vậy người dân chăn nuôi nhỏ lẻ vài con gà, con vịt cũng bị tịch thu? Đơn vị nào có thẩm quyền tịch thu và gà, vịt bị tịch thu được xử lý thế nào?
- Như đã nói, dịch cúm gia cầm diễn biến phức tạp. Nếu hộ dân nuôi gà, vịt trong khu dân cư lỡ bị nhiễm dịch cúm thì tốc độ lây lan rất nhanh, hậu quả khôn lường. Theo nghị định 40 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực thú y, những trường hợp chăn nuôi gia cầm trái phép bị phạt 2-3 triệu đồng và phải tự tiêu hủy gia cầm khi bị các cơ quan chức năng phát hiện. Nhưng thực tế các đơn vị có chức năng chủ yếu chỉ kiểm tra, tịch thu gia cầm nuôi trái phép để đưa đi tiêu hủy chứ không phạt vạ gì thêm người dân.
Hiện mỗi quận huyện và phường xã đều có ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm. Ban chỉ đạo này có nhiệm vụ điều phối lực lượng đi kiểm tra, xử lý các điểm nóng về mua bán, vận chuyển chăn nuôi gia cầm trái phép ở nhiều nơi như các tuyến đường trọng điểm, khu dân cư, chợ... Vì phải tung lực lượng đi nhiều nơi, đặc biệt vào thời điểm tết nên có thể đoàn kiểm tra ở phường này chỉ là công an, dân phòng kết hợp thú y, nơi khác lại là trật tự đô thị, quản lý thị trường... Số gia cầm hoặc sản phẩm gia cầm chăn nuôi, mua bán không rõ nguồn gốc bị phát hiện được các đoàn kiểm tra lập biên bản, tịch thu và đưa đi tiêu hủy đúng nơi quy định.
* Tuy nhiên, người dân phản ảnh có tình trạng các đơn vị tịch thu gia cầm của người dân rồi chia nhau. Việc này có hay không, thưa ông?
- Tôi chưa nghe phản ảnh tình trạng này và hành vi trên là sai quy định. Người dân phát hiện có thể khiếu nại, tố cáo hoặc kiện đơn vị đó với các cơ quan có thẩm quyền.
QUANG KHẢI thực hiện

No comments:

Post a Comment