Thursday, December 26, 2013

Nỗi buồn góa phụ Ngụy Văn Thà



NguyVanTha
Chồng bà ngã xuống trong một cuộc chiến chống ngoại xâm. Nhưng số phận nghiệt ngã của đất nước, cũng là của chính gia đình bà, đã khiến bà suốt gần 40 năm qua luôn sống trong lặng lẽ, với nỗi đắng cay và lo âu thường trực.
Ngày 30 tháng 4 năm 1975, Giải phóng vô. Đất nước thống nhất. Sài Gòn, cũng như trên toàn miền Nam, “có triệu người vui, cũng có triệu người buồn”.
Với góa phụ trẻ Huỳnh Thị Sinh, bà không còn tâm trí để mà buồn. Bao trùm bà lúc này là một nỗi lo sợ. Chồng bà tử trận cách đấy hơn một năm. Mất xác. Từng được vinh danh.
Nhưng giờ đây, cuộc hân hoan ngoài kia không có phần cho bà, dù chồng bà đã ngã xuống trong một trận chiến bảo vệ mảnh đất Việt Nam trước sự xâm lấn của ngoại bang.
Từ căn hộ trên lầu 2 chung cư Nguyễn Kim, bà lặng lẽ nhìn những đoàn người chiến thắng đang vui mừng, và những con người thua cuộc đang nhớn nhác. Rồi bà lôi những tấm hình của chồng ra đốt hết, vì sợ chúng sẽ làm liên lụy tới cuộc sống của bà, lúc này đang còn phải nuôi ba con gái, đứa lớn nhất lên 10, đứa bé nhất mới 4 tuổi.
Bà phải sống vì ba đứa con.
207206_10152790326015612_1723563296_a
“Hình ông xã cô nhiều lắm, nhưng hồi đó đốt hết rồi, vì sợ rắc rối”, 38 năm sau ngày chiến tranh kết thúc, bà Sinh nói với tôi trong căn nhà tạm cư ở quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh, khi tôi ngỏ ý muốn sao chụp một số tấm hình để làm tư liệu.
“Bây giờ, mong muốn lớn nhất của cô là có căn nhà nhỏ, để nhang khói cho ông xã. Chứ ở nhờ trong căn tạm cư này, bạn bè ổng tới thăm, muốn thắp nhang cho ổng cũng không biết thắp vào đâu. Thân xác ổng thì nằm lại ngoài biển rồi ”, giọng bà trầm xuống.
“Đến ngày giỗ ông xã, ngày 19 tháng 1 hằng năm, cô lại bày tạm bàn thờ ra để cúng. Xong xuôi lại cất đi”.
Bỏ mình vì nước
“Hồi đó, dân Bạc Liêu tỉnh lẻ mà lọt vào tầm ngắm của sĩ quan hải quân đẹp trai thì cũng là kỳ tích đấy chứ!”, tôi đùa, chủ yếu làm cho không khí bớt nặng nề.
Bà kể, bà sinh ra ở Bạc Liêu, lúc 11 tuổi thì gia đình chuyển lên Sài Gòn. Hồi ấy bà là nữ sinh trường Nguyễn Bá Tòng. “Ổng gốc Trảng Bàng, là dân học luật, tướng đẹp lắm. Hai người gặp nhau khi học chung tại Hội Việt – Mỹ”.
“Tụi cô yêu nhau, rồi cưới. Hồi đó ổng là thiếu ủy hải quân thuộc Giang đoàn 23 Xung phong. Đi miết. Thường thì mỗi tháng về thăm một lần”.
Trong căn hộ chung cư ấy, hai ông bà có với nhau ba người con gái: Ngụy Thị Thu Trang, Ngụy Thị Thu Thủy và Ngụy Thị Thu Tuyết.
Đầu năm 1974, khi cô út Thu Tuyết mới lên 3 thì Trung Quốc lăm le xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa.
“Trước đó, ổng về ở nhà suốt 10 ngày, lúc tàu đậu tại quân cảng để vô dầu, sửa chữa”, bà kể.
Một buổi sáng,Thiếu tá Ngụy Văn Thà xách va li từ biệt vợ con. “Đến chiều ổng lại trở về, nói tàu sửa chưa xong. Nhiều lần như thế, sau rốt mới đi”. Cuộc khởi hành đầy trúc trắc, như điềm báo sẽ có chuyện chẳng lành.
Lần cuối cùng ra đi, người cha trẻ Ngụy Văn Thà không kịp hôn cô út Thu Tuyết mới lên 3.
Rồi Hải chiến Hoàng Sa nổ ra. Hoàng Sa rơi vào tay giặc Trung Quốc; tàu HQ-10 Nhựt Tảo bị đánh chìm; Thiếu tá hạm trưởng Ngụy Văn Thà bỏ mình vì nước.
“Ngày 18 tháng 1 năm 1974, nhiều người nghe tin đánh nhau ở ngoải nên kéo ra cầu tàu quân cảng chờ. Cô không ra được. Nghe người ta bảo chưa biết tàu mình ra làm sao”, bà Sinh kể. Đến ngày 19 tháng 1, hung tin báo về, chồng bà, Thiếu tá hải quân Ngụy Văn Thà, tử trận ở tuổi 30, mất xác cùng con tàu HQ-10 Nhựt Tảo mà ông chỉ huy.
“Người ta làm lễ truy điệu long trọng cho ông xã cô. Có cả tư lệnh Hải quân tới viếng”. Người chồng quá cố của bà được vinh danh, được truy phong trung tá hải quân dưới thời Việt Nam Cộng Hòa.
Lùa nước mắt vào tim, góa phụ 26 tuổi Huỳnh Thị Sinh gượng dậy tiếp tục đi làm ở nhà băng Việt Nam Thương Tín để nuôi ba cô con gái bé bỏng.
“Nhiều người biết đến ông xã cô”
Sau sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, góa phụ Huỳnh Thị Sinh đối diện với một hoàn cảnh mới. Từ chỗ sống với nỗi đau mất chồng, nhưng cũng cảm thấy được an ủi phần nào và đôi khi âm thầm tự hào khi chồng mình đã xả thân trong một trận chiến bảo vệ bờ cõi, giờ đây trong bà là nỗi bất an thường trực.
Không việc làm, ba đứa con thơ, và quá khứ gia đình gắn liền với chế độ cũ, bà không biết tương lai sẽ đưa mình đến đâu. Bà sống trong câm lặng, tủi hờn, xót xa, nhưng không hề oán giận. Bà cam chịu trước sự xoay vần của số phận, một phẩm chất dễ gặp của phụ nữ Việt Nam.
“Năm 1979, cô vô làm hợp tác xã. Khó khăn lắm con ơi. Hồi đó bán đủ thứ, rau, cá, xà bông. Thu nhập không đủ sống, thế mà vẫn sống tới bây giờ”.
Theo thời gian, ba cô con gái họ Ngụy cũng lớn, lấy chồng. “Ba đứa có chồng cả rồi. Buôn bán lặt vặt, chồng làm công nhân, cũng chỉ đủ sống thôi”.
Vậy là bà Sinh đã làm trọn bổn phận của bậc sinh thành, khi con cái lớn khôn, tự lập cuộc sống. Ấy vậy mà khốn khó chưa buông tha.
“Mấy năm trước, chung cư Nguyễn Kim bị giải tỏa. Cô phải ra ở bên ngoài, chờ ngày tái định cư”. Rời căn hộ nơi bà từng sống với người chồng quân nhân mấy chục năm về trước, bà ra ở ké trong một căn nhà tạm cư. Chỗ ở của bà chỉ đơn giản là một căn phòng để ngủ.
“Mỗi tháng người ta hỗ trợ 2,8 triệu đồng, coi như tiền thuê nhà. Bạn bè ổng ngày xưa lâu lâu vận động nhau giúp đỡ. Anh em khóa 12 Hải quân Song ngư, những người còn, nghe hoàn cảnh khó khăn, có giúp chút ít. Lúc cô mổ mắt thì một số người cho được năm trăm ngàn”.
Đã hơn bốn năm kể từ khi chung cư bị giải tỏa, bà góa phụ sống cảnh tạm cư, bất định, mòn mỏi chờ ngày nhận nhà, nhưng không biết bao giờ cái ngày ấy mới đến.
“Người ta không nói ngày nào sẽ giao căn hộ mới. Mà khi có căn hộ mới, mình phải đóng tiền trước người ta mới giao chìa khóa. Cũng không biết có tiền mà đóng hay không nữa”.
“Cô chỉ mong có chỗ ở ổn định, có bàn thờ thắp nhang cho ông xã”.
Bà bảo, mấy năm gần đây, có thêm nhiều người biết đến Hải chiến Hoàng Sa, biết về sự kiện mà chồng bà tử trận, nên cũng có nhiều người hỏi thăm. “Hôm rồi có anh chuyển cho cái thơ, nghe nói ở đâu trên mạng. Cô thì không có biết lên mạng. Đọc thơ, xúc động lắm. Bây giờ nhiều người trên thế giới đã biết chuyện ổng chết trong hoàn cảnh nào, chết vì cái gì”.
Rồi bà bảo: “Ông xã cô chết vì cái đất nước Việt Nam mình. Ổng là người Việt Nam, khi đất nước cần thì ổng chết cho đất nước. Cô chỉ nghĩ đơn giản vậy”.
Bà nói thật giản đơn, nhưng nỗi đau, những éo le nghiệt ngã của số phận bà thì không hề đơn giản, khi mà định kiến vẫn còn, những ngăn trở của một quá khứ ngăn cách bên này – bên kia vẫn còn, 38 năm sau ngày chiến tranh chấm dứt.
Và có lẽ vì thế, mà sau chừng ấy năm đã trôi qua, bà vẫn mang trong người nỗi bất an. “Con có viết gì đó thì cũng khéo một chút, đừng làm người ta giận. Cô ngại lắm”.
Tôi gật đầu, rồi nói với bà: “Hoàng Sa là của Việt Nam. Khi Trung Quốc xâm lược, người Việt Nam mình phải chiến đấu chống lại. Chồng cô đã ngã xuống trong một cuộc chiến chống ngoại xâm như thế. Đó là sự thật. Và điều đó sẽ không bao giờ bị lãng quên”.
Tôi muốn nói nhiều nữa, để trấn an bà, để bà có được một chút gì đó gọi là an ủi sau vô vàn những cay đắng. Nhưng làm sao tôi, một kẻ hậu sinh và ngoài cuộc, chỉ trong khoảnh khắc có thể trấn an được góa phụ đã gần 40 năm sống trong âu lo, tủi hờn?
Người góa phụ trước mặt tôi lúc này đây là hiện thân bi kịch của một cuộc chiến tưởng chừng như đã trôi vào quá khứ xa lắc, nhưng thực ra, vết thương của nó vẫn hiện diện trong mọi ngõ ngách, trên từng phận người. Một vết chém xẻ ngang mình đất nước, cắt chia những con người Việt Nam, đẩy họ đứng về những chiến tuyến khác nhau, để rồi, nhiều năm sau khi tiếng súng ngưng bặt, người ta vẫn còn ngại nhau, e dè nhau, nghi kị nhau. Và làm đau nhau.
Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng người vẫn cách chia.
Nghe câu chuyện của bà, không hiểu sao tôi lại liên tưởng tới lời Tổng thống Abraham Lincoln trong diễn văn nhậm chức năm 1865, thời điểm nước Mỹ kết thúc nội chiến: “Không ác tâm với ai; luôn nhân ái với mọi người; và kiên định trong lẽ phải, khi Chúa cho chúng ta nhận ra lẽ phải, hãy tận hiến sức mình để hoàn thành sứ mạng được giao; băng bó vết thương của đất nước, chăm sóc các binh sĩ đã dấn thân vào cuộc chiến, và những người vợ góa, những trẻ mồ côi – hết sức mình tạo lập và gìn giữ một sự nghiệp công chính, và một nền hòa bình vững bền, cho chúng ta, và cho mọi dân tộc.”
Ông Lincoln nói về hàn gắn, thế nên, “các chiến sĩ đã dấn thân vào cuộc chiến”, hay “những người vợ góa”, “những trẻ mồ côi” được hiểu là thuộc cả hai phe miền Bắc và miền Nam, bên thắng cuộc cũng như bên thua cuộc.
Chia tay bà góa phụ, tôi bước qua con hẽm nhỏ sâu hút để ra đường Nguyễn Kim. Nắng chói chang. Đường phố náo nhiệt người xe. Những lá cờ phấp phới; những băng rôn rực rỡ; và những dòng khẩu hiệu hừng hực.
THEO BLOG MÍT TỜ ĐỖ

No comments:

Post a Comment