HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cộng Sản Việt Nam tức tối vì không thể bưng bít hết “thông tin độc hại” tràn lan trên mạng xã hội nên cố ép tất cả các nhà sản xuất hay dịch vụ ngừng quảng cáo để làm áp lực.
Hôm Thứ Năm, 16 Tháng Ba, Bộ Thông Tin và Truyền Thông thúc ép tất cả những công ty sản xuất hay dịch vụ làm ăn tại Việt Nam chấm dứt quảng cáo trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác.
Không áp lực trực tiếp được các mạng xã hội nằm ngoài tầm ảnh hưởng của chế độ, họ phải tìm cách cắt nguồn lợi tức từ dich vụ quảng cáo đem đến.
Tham dự trong cuộc họp hôm Thứ Năm, những đại công ty như Unilever (buôn bán lẻ), hãng xe hơi Ford, hãng xe gắn máy Yamaha Motor phải chấp nhận ngừng quảng cáo trên YouTube.
Tháng trước, chính quyền ép các nhà quảng cáo kinh doanh tại Việt Nam, áp lực trực tiếp chủ nhân của mạng YouTube là công ty Google gỡ bỏ các “thông tin xấu độc” trên YouTube. Các cuộc biểu tình chống công ty Formosa hủy hoại môi trường, ngư dân đòi biển đòi cá, công an đánh dân, dân khiếu kiện đòi trả lại đất canh tác, công an nắm tóc kéo phụ nữ trên phố, công an còng phụ nữ vào cửa sổ rồi đạp trên đầu, và rất nhiều tin nữa bị liệt vào danh sách “thông tin xấu độc” trên YouTube.
Những thứ thông tin thời sự này xuất hiện nhanh chóng trên Facebook và Youtube khi sự việc vừa xảy ra, nhiều khi là còn đang diễn ra. Nó là người thật việc thật phơi bày thực trạng xã hội Việt Nam, tố cáo một chế độ cai trị đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, phản dân chủ, nên Hà Nội thấy cần phải bưng bít.
Trong cuộc họp này, ông Trương Minh Tuấn, bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông, kêu rằng dù có lời đòi hỏi thúc ép của nhà cầm quyền, kết quả họ đạt được quá nhỏ bé. Trong khoảng 8,000 video clip “xấu độc” đối với chế độ thấy trên YouTube mà chính quyền muốn gỡ hết, công ty Google chỉ đồng ý gỡ có 42 clip, ông Tuấn kêu ca.
“Hôm nay, chúng tôi kêu gọi tất cả những công ty ở Việt Nam đang quảng cáo (trên các mạng xã hội) không giúp cho họ dùng tiền quảng cáo của quý vị để chống lại chính quyền Việt Nam,” ông Tuấn được hãng thông tấn Reuters thuật lời nói trong cuộc họp báo.
Ông nói thêm rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả những ai sử dụng Internet lên tiếng với Google và Facebook để ngăn chặn thông tin “độc hại” chống nhà nước Việt Nam.”
Hành động này được đánh giá như một trắc nghiệm xem một chế độ độc tài toàn trị như tại Việt Nam có thể tạo áp lực gián tiếp nhưng hữu hiệu đến đâu đối với các công ty dịch vụ thông tin điện tử toàn cầu vốn bị quyền tự do phát biểu, tự do thông tin theo những tiêu chuẩn phổ quát của thế giới, ràng buộc, và các nhà cung cấp dịch vụ sẽ chấp nhận đến đâu khi dính tới lợi ích tài chính của mình.
Trước đây, sau một số vụ kiểm duyệt, loại bỏ một số clip và bị dư luận chống đối, YouTube từng cho hay họ có một “chính sách rõ ràng” về việc nhà cầm quyền muốn (YouTube) kiểm duyệt loại bỏ nhưng “chúng tôi chỉ ngăn chặn nội dung (của clip) nếu sau khi đã xem xét kỹ lưỡng và thấy cần thiết.”
Công ty Facebook chưa thấy có phản ứng gì về áp lực với các nhà quảng cáo tại Việt Nam. Mấy tháng trước, Facebook đã phải phục hồi trở lại tấm hình “cô gái Napalm” nổi tiếng của Nick Út bị gỡ bỏ, lấy cớ khiêu dâm, không thích hợp. Tấm hình này minh họa cho một bài viết của một người có trang mạng Facebook tại Na Uy. Tờ báo lớn nhất của Na Uy viết bình luận vụ kiểm duyệt tấm hình và nữ thủ tướng nước này cũng lên tiếng chê trách Facebook.
Hiến pháp CSVN công nhận người dân có đầy đủ các quyền tự do thông tin, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do lập hội và biểu tình, nhưng lại có những điều luật hình sự quy chụp người dân các tội “Tuyên truyền chống nhà nước…,” “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ…,” thậm chí “Gây rối trật tự công cộng…” Các điều luật này bị các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, các chính phủ tây phương đả kích là mù mờ, chỉ nhằm siết chặt các quyền tự do căn bản của người dân. (TN)
No comments:
Post a Comment