VOA Tiếng Việt-16/03/2017
Sau mở rộng hạn điền thì từ từ tiến tới tư hữu hóa đất đai vì đó là xu thế tất yếu để cỏi trói nền nông nghiệp Việt Nam, theo giáo sư Võ Tòng Xuân.
Chính phủ Việt Nam vừa thống nhất việc mở rộng hạn điền và xem xét cho phép tích tụ ruộng đất trên diện rộng, đây được xem như là một cú huých “mở đường cho ngành nông nghiệp phát triển vượt bậc.”
Theo truyền thông trong nước, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp rà soát, đề xuất “sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn” trong quý III năm 2017.
Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng trường đại học Nam Cần Thơ, cựu đại biểu Quốc Hội, nói với VOA rằng sau việc mở rộng hạn điền thì cũng tiến tới tư hữu hóa đất đai, nhưng Việt Nam sẽ thực hiện từng bước lộ trình này:
“Cái đó cũng phải chờ nhiều năm nữa. Nhưng mà nó cũng sẽ đi tới đó. Đảng và Chính phủ Việt Nam đi từng bước. Vì đi nhanh quá thì tạo ra cú sốc cho rất nhiều người.”
Giáo sư Võ Tòng Xuân - chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp Việt Nam và quốc tế nói rằng “muốn sản xuất lớn phải có diện tích đất đai lớn, nếu hạn điền như hiện nay thì không thể nào làm lớn được. Chỉ khi sản xuất lớn mới cơ giới hóa được, mới nâng cao năng suất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm.” Giáo sư Võ Tòng Xuân phân tích ưu điểm của việc tích tụ ruộng đất:
“Công khái hóa, chính thức hóa vấn đề tích tụ ruộng đất. Nhưng tích tụ ruộng đất không như địa chủ ngày xưa để mà họ bốc lột người nông dân. Bây giờ người này là người quản lý tốt, có vốn, có đầu ra. Những người nông dân đưa đất vào đây để cùng làm với ông này, để nông dân có đầu ra. Cuối mỗi niên vụ thì họ chia lời. Như thế đây là việc làm tốt cho cả ông chủ đầu tư và ông nông dân. Lợi tức của người nông dân được nâng lên.”
Theo bài báo của tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu - Đại học Cần Thơ viết trên báo Kinh tế Sài gòn gần đây, “tích tụ ruộng đất” (land accumulation) hoàn toàn khác với “chiếm hữu/chiếm đoạt đất đai” (land grabbing), tích tụ ruộng đất mang tính tích cực, người nông dân biết cách tổ chức và quản lý sản xuất nông nghiệp thành công, sẽ có ý định mua thêm đất theo cân đối khả năng quản lý, vốn và tài nguyên của mình. Họ sẽ mua đất từ những người nông dân khác mà khả năng sản xuất kém hơn để mở rộng và đầu tư canh tác.”
Chính sách tích tụ ruộng đất nếu được áp dụng tốt sẽ tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hơn, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ, thông qua hình thức “sản xuất theo hợp đồng” và khuyến nông để hình thành một đội ngũ nông dân trẻ có học thức - những “thanh nông tri điền”.
Giáo sư Võ Tòng Xuân chia sẻ rằng trên thực tế đã có nhiều vụ tích tụ ruộng đất đang diễn ra, dù không công khai:
“Trong thực tế thì đã có tích tụ ruộng đất rồi. Có những nơi tích tụ từ 10 ha, thậm chí đến 300 ha. Tại vì không công khai, không chính thức. Như anh Sáu Trích ở An Giang, anh Út Huy ở Long An. Họ có từ 25 ha -30 ha đến 50 ha. Nhưng những người này không phải là địa chủ. Họ nắm ‘sổ đỏ’, quyền sử dụng đất của người nông dân, họ vừa trả tiền thuê đất cho người nông dân, đồng thời thuê luôn ông nông dân đó làm trên đất của mình.”
Theo GS Võ Tòng Xuân, Nhà nước cần phải hoàn thiện luật, tích tụ ruộng đất để sản xuất chứ không phải đầu cơ, tích trữ, lạm dụng quyền sở hữu, sử dụng đất.
Theo giáo sư Xuân, các nước có quỹ đất rộng như ở châu Âu, Mỹ, Úc, hay Canada…thì quy mô một hộ nông dân của họ có tới hàng chục, hàng trăm hécta hay cả nghìn là chuyện bình thường. Trong khi đó, tại Việt Nam chỉ có hơn nửa hécta, lại còn chia thành nhiều mảnh.
Ở một nước mà 70% dân số sống ở nông thôn, hơn 50% lao động sống nhờ nông nghiệp như Việt Nam thì đất đai là tư liệu sản xuất quan trọng. Nhưng nếu quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chính thức, các chuyên gia dự báo có từ 50% lao động làm việc trong nông nghiệp sẽ rút xuống chỉ còn 5-10% trong tương lai. Như vậy, nếu muốn tăng khả năng cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam và tiến hành tích tụ ruộng đất thì nhiều nông dân phải đi tìm nguồn sinh kế khác. Để giải quyết cho số lao động này quả là một bài toán khó.
Có quan điểm cho rằng, tích tụ ruộng đất dẫn đến bần cùng hóa nông dân, sản sinh ra lớp địa chủ mới, khôi phục lại hình thức bóc lột địa tô thông qua quan hệ phát canh - lĩnh canh, địa chủ - tá điền, chưa kể các nhóm lợi ích sẽ có thêm cơ hội để làm giàu từ sức lao động của nông dân. Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định về vấn đề này như sau:
Có quan điểm cho rằng, tích tụ ruộng đất dẫn đến bần cùng hóa nông dân, sản sinh ra lớp địa chủ mới, khôi phục lại hình thức bóc lột địa tô thông qua quan hệ phát canh - lĩnh canh, địa chủ - tá điền, chưa kể các nhóm lợi ích sẽ có thêm cơ hội để làm giàu từ sức lao động của nông dân. Giáo sư Võ Tòng Xuân nhận định về vấn đề này như sau:
“Mình nói mình là nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa, nhưng mà nước mình nghèo quá. Mình cứ luẩn quẩn. Làm nông nghiệp thì lom com. Công nghiệp thì không có điều kiện phát triển. Mình cứ quay vòng, nghèo hoài, nghèo hoài. Dĩ nhiên có một số nhóm lợi ích lợi dụng vào những chỗ béo bở để làm giàu. Chính phủ mới cũng đã thấy hết rồi. Trong 40 năm thì nhóm lợi ích hoành hành dữ tợn. Những người đương chức đương quyền cũng thấy như thế, họ phải cố gắng làm thế nào để thay đổi.”
Gíao sư Xuân nói rằng cần phải cấm tích tụ ruộng đất theo kiểu bắt bí, ép buộc để mua rẻ đất, lập dự án treo, phân lô bán nhằm làm giàu bất chính vì lợi ích của một nhóm người nào đó.
Mở rộng hay xóa bỏ hạn điền là xu thế chung của thế giới, nền nông nghiệp Việt Nam không thể nào phát triển được với diện tích đất của từng hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay. Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, để mở rộng hạn điền, cho phép tích tụ và tập trung ruộng đất thì Việt Nam phải thay đổi Luật đất đai 2013.
Theo trang thukyluat.vn, hạn điền là hạn mức diện tích đất nông nghiệp mà hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất hoặc được phép nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định Luật Đất đai và các văn bản liên quan.
Hạn điền là một thuật ngữ được sử dụng từ những triều đại phong kiến trước đây nhằm mục đích hạn chế việc giai cấp địa chủ chiếm giữ nhiều đất đai. Trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam không có định nghĩa cụ thể về thuật ngữ hạn điền, thuật ngữ này chỉ được nhắc đến trong một vài văn bản, còn lại đa phần sử dụng các thuật ngữ như: “hạn mức giao đất” hay “hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp”. Luật đất đai 2013 dùng từ “hạn mức giao đất nông nghiệp” cho nghĩa này.
Theo điều 129 Luật Đất đai năm 2013, hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá 3 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2 ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Trong hơn 63.500 từ của Luật Đất đai năm 2013, không có cụm từ “tích tụ ruộng đất” hoặc “mở rộng hạn điền”.
Đa số quốc gia trên thế giới áp dụng hình thức đa sở hữu trong phạm trù sử dụng đối với đất đai. Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1959 của Việt Nam đều thừa nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Từ Hiến pháp năm 1980 cho đến nay mới quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, mà theo giáo sư Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khi trao đổi với Báo Sài gòn Tiếp thị (SGTT) trước đây, Việt Nam “chưa có bất kỳ một cơ chế kinh tế, xã hội nào để chuyển tất cả các loại sở hữu khác nhau trước đó về sở hữu toàn dân về đất đai.”
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhấn mạnh trên báo SGTT rằng: “80% nội hàm về quyền sở hữu đối với đất đai đã là sở hữu tư nhân rồi. Điều quan trọng là phạm vi quyền định đọat của các cơ quan nhà nứơc đối với đất đai còn quá lớn.”
Theo các chuyên gia về nông nghiệp, để thật sự giải phóng nền nông nghiệp của Việt Nam, vốn tự hào là nhà xuất khẩu gạo lớn của thế nhưng người nông dân cũng nghèo, thì chính phủ cần phải xóa bỏ hạn điền, cho phép tích tụ ruộng đất, và tiến tới tư hữu hóa đất đai.
No comments:
Post a Comment