RFA 2017-03-15
Một quán ăn vỉa hè. Một quán ăn vỉa hè. RFA photo
Nhiều người hiện phải mưu sinh bằng việc buôn bán trên vỉa hè thành phố. Hoạt động này lại khiến nhiều người dân không có lối đi; dẫn đến trật tự đô thị không được bảo đảm.
Truyền thông trong nước tiếp tục thông tin về công tác dọn dẹp vỉa hè cho thông thoáng tại Sài Gòn, Hà Nội. Tin cho biết các vị lãnh đạo thành phố, quận, huyện lần này dường như tỏ ra kiên quyết hơn với mục tiêu lập lại trật tự đô thị.
Biện pháp quyết liệt như thế có vẻ hiệu quả tại một số nơi; nhưng lại không được như ý ở nhiều địa điểm vì cũng như bao lâu nay mỗi khi chiến dịch kết thúc thì mọi chuyện đây lại vào đấy.
Nguyên nhân vì sao? Câu trả lời không quá khó vì ai cũng thấy rất nhiều người dân phải dùng đến vỉa hè làm nơi buôn bán.
Một chị cho biết bản thân là dân gốc địa phương, có cha mẹ được nhà nước ghi công cách mạng nhưng số tiền trợ cấp hằng tháng không đủ sống và chị này được địa phương ưu tiên cho một chổ để buôn bán lấy tiền nuôi cha mẹ:
‘Ba mẹ cô cũng là dân địa phương nhưng mà cũng có công với Cách Mạng. Ba mẹ cô giờ già, lớn tuổi rồi đâu có làm gì ra tiền đâu. Có công cách Mạng thì Nhà nước đâu có nuôi được bao nhiêu. Cô làm con thì cô phải chấp nhận ra bán buôn để nuôi cha mẹ cô.
Chị nói thật có tình trạng buổi sáng thì ngồi trong vạch qui định; nhưng sau giờ làm việc thì lại lấn ra đề bày hàng mong được bán nhiều hơn:
‘Tại vì cô nghĩ chiều rồi, hết giờ làm việc rồi, cô mới dọn ra dậy để bán cho cái cuộc sống nó dễ thở chút xíu’.
Trong khi đó có nhiều người không phải là dân gốc ở Sài Gòn, họ từ những địa phương xa khác đến thành phố vì còn có cơ hội chứ ở quê thì khó có cơ hội kiếm tiền giúp trang trải cuộc sống.
Hai chị em bán nước bên lề đường từ Đồng Nai lên trình bày:
‘Thì ai mà đi buôn bán long lể đường cũng là khó khan hết rồi, phải đi kế sinh nhai thôi chứ nếu mà có tiền mướn mặt bằng này kia thì đâu có buôn bán long lề đường chi’.
‘Tại vì mỗi người một cái hoàn cảnh khác nhau. Mình chọn cái điều kiện này buôn bán để mình lo gia đình, lo con đồ này nọ.’
Một phụ nữ cho biết từ Phú Thọ phải vào Sài Gòn để bán hủ tiếu gõ trên lề đường vì ở quê làm ăn thất bát, đầu tư vào chăn nuôi thì lỗ vốn:
‘Người đi bán rong như chị toàn những người ở xa. Như bố mẹ chị ở quê mua con bò giống hết 40 triệu. Đầu năm thì bò mắc, cuối năm thì bò xuống giá, nguyên cái công tiền vốn mua 40 triệu đầu năm đến cuối năm bán có 30 triệu, chưa kể tiền công. Một năm người nông dân lỗ mất 20 triệu rồi, tiền đâu người ta bù?
Thì biết là không cho bán lòng lề đường, mang tiếng không đuổi về quê nhưng bọn chị bây giờ mà cấm bọn chị bắt buộc phải về quê rồi. Mà về quê chăn nuôi mà cái giá cả như bây giờ chăn nuôi có vài đồng đi tích cóp bao nhiêu năm… như anh chị vào đi làm 5 năm góp được 50 triệu đi vay ngân hàng thêm 100 triệu xây chuồng nuôi heo… năm nay đã lỗ 100 triệu. Tại vì heo nó xuống giá quá…
Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Phú chủ trương dẹp vỉa hè nhưng không triệt đường sinh sống của người dân. Ông Thái đưa ra thông báo thời hạn để người dân sắp xếp lại nơi buôn bán. Vì theo như ông Thái nhận định rằng ‘Nhiều gánh hàng rong là cả nguồn nuôi sống của một gia đình.’
Quan điểm của ông Nguyễn Quốc Thái được nhiều người buôn bán ở vỉa hè hoan nghênh.
‘Nói chung Việt Nam mình còn nghèo. Nếu giờ làm căng quá đâm ra cuộc sống người ta khó sống lắm. Người ta buôn bán làm việc gì khó khăn quá không được người ta làm bậy làm bạ con người ta mất hết phẩm chất. Tại người ta muốn lương thiện mà giờ nhà nước ra chính sách khó khăn quá đi.’
Hai chị em bán nước từ Đồng Nai cho biết rất muốn được vào buôn bán ở một địa điểm cố định do cơ quan chức năng địa phương tổ chức; thế nhưng có nhiều khó khăn:
‘ Có khu buôn bán thì mình cũng vô khu buôn bán mình bán chứ cũng được vậy. Nhưng mà tỉ như cái giá như thế nào chứ đâu phải lúc nào mình cũng được vô đâu. Mấy người có tiền họ mới được vô mấy chỗ đó. Mình không có vốn mình phải bán vậy thôi’.
Chị bán hủ tiếu gõ từ Phú Thọ cũng chỉ rõ những trở ngại khi phải kiếm một nơi ổn định để mưu sinh:
‘Thời gian chỗ này cũng có chiến dịch công an đi hốt đó. Tại vì đi hốt như vậy ngày đi bốn năm lần, chị cũng bị hốt bàn hốt ghế nhiều lắm rồi. Cái cảm giác mình vừa bán vừa bị công an hốt á. Lo lắm!’
Những người trong cuộc như các chị đang buôn bán trên đường phố Sài Gòn có những đề nghị với cơ quan chức năng:
‘Nếu mà nhà nước có chính sách nào cho người dân á… thì mình có công việc này kia thì mình cũng chọn cái kia chứ buôn bán ngoài này cũng… bấp bênh lắm, lúc có lúc không’.
‘Kiểu nương cho mình buôn bán để mình kiếm miếng cơm manh áo qua ngày. Chứ cũng khổ lắm thì mới ra long lề đường này bán’.
Cần phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ, về lý thì phải như vậy, nhưng để hợp tình thì còn phải tìm cách tổ chức sao cho những người dân buôn bán vỉa hè có được một nơi làm ăn ổn định.
No comments:
Post a Comment