RFA 2017-03-17
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson tại Seoul ngày 17 tháng 3 năm 2017.
Ngày 18/3/2017, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson có chuyến thăm Bắc Kinh đầu tiên và dự kiến sẽ có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tầm nhìn mới
Chuyến thăm của Ngoại trường Rex Tillerson tới Bắc Kinh được tờ Kyodo của Nhật Bản đánh giá để nhằm “bắt đầu vạch ra một tầm nhìn cho mối quan hệ Trung - Mỹ trong vòng bốn năm tới”. Đây là cuộc gặp có tầm quan trọng, nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao hơn nữa giữa ông Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump, dự trù diễn ra tại Hoa Kỳ vào giữa tháng tới.
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, kể cả chuyến thăm lần này của ông Tillerson, ít nhất là đã có ba cuộc lobby chính thức để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh Trung - Mỹ sắp tới.
“Chúng ta chưa biết được nội dung chương trình nghị sự, chưa biết được vật cược họ đặt ra trên bàn đàm phán là về vấn đề gì. Có thể đó là vấn đề biển Đông, Triều Tiên, hoặc nói rộng ra là toàn bộ cấu trúc an ninh Châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng nội dung của các thỏa thuận sắp tới tôi đánh giá có ý nghĩa hết sức quan trọng.”
Còn theo nhà văn Nguyên Bình - một người nhiều năm nghiên cứu về Trung Quốc, hiện là tổng biên tập tạp chí của viên nghiên cứu các vấn đề phát triển cho rằng, quan hệ Mỹ - Trung sẽ “bất định”, dựa trên căn bản quyền lợi quốc gia của mỗi bên và không bao giờ trở thành đồng minh, nhưng sẽ có những thời cơ có lợi cho Việt Nam.
“Cũng có những cái thời cơ có lợi cho mình thì những nhà lãnh đạo của Việt Nam phải biết nắm lấy thời cơ đấy. Mà cái quan trọng nhất là Việt Nam làm thế nào để có sức mạnh riêng của mình và có những biện pháp khôn khéo cũng như sự chủ động để nắm được và thích nghi với tình hình.”
Trung Quốc nói một đằng làm một nẻo
Động thái mới nhất gần đây liên quan đến Biển Đông, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bên lề cuộc họp Quốc hội nước này vừa qua đã có những tuyên bố xoa dịu tình hình căng thẳng.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh đến yếu tố “không nhất quán giữa lời nói và hành động” của Trung Quốc từng trước tới nay. Trong bối cảnh, Trung Quốc phớt lờ phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế PCA, tăng cường đầu tư cho hạm đội Nam Hải và gia tăng các hoạt động quân sự tại Biển Đông.
“Nếu lãnh đạo Trung Quốc vẫn nói nước đôi. Một mặt nói là tương lai của Biển Đông phụ thuộc vào quan hệ, tương quan của Mỹ - Trung. Mặt khác thì ông ngoại trưởng vẫn đòi gạt Mỹ ra khỏi Biển Đông, muốn để một mình Trung Quốc thao túng.”
Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cũng nhận định, khó có chuyện Trung Quốc dám gây sự to chuyện với Mỹ về vấn đề tuần tra tự do hải hành trên Biển Đông. Tuy nhiên, những xung đột nhỏ vẫn có thể xẩy ra. Nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang có nhu cầu đẩy những căng thẳng bên trong ra bên ngoài để ve vuốt chủ nghĩa Đại Hán trong nước.
Còn theo bà Nguyên Bình, về phía Hoa Kỳ, xung đột với Trung Quốc tại Biển Đông là chưa có khả năng xảy ra, bởi cán cân lực lượng tại khu vực.
“Nếu mà xung đột thì chắc là không có. Mà chỉ có là họ điều đình với nhau thế nào đấy để mà chia chác quyền lợi.”
ASEAN cần làm gì?
Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) được Trung Quốc loan báo là đã có bản dự thảo đầu tiên với các nước ASEAN. Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng đưa ra hàng loạt dẫn chứng để khẳng định, Trung Quốc vẫn tiếp tục trì hoãn và cản trở tiến trình hoàn tất bộ quy tắc này để họ có thể tiếp tục quân sự hóa các đảo đã chiếm đóng.
“Ở đây bản thân các nước ASEAN cũng rất thận trọng. Họ xem xét giữa lời nói, tuyên bố của Trung Quốc với thực tế có thống nhất với nhau hay không.”
Bà Nguyên Bình thì cho rằng, Trung Quốc không mong muốn tồn tại Bộ quy tắc này.
Ở đây bản thân các nước ASEAN cũng rất thận trọng. Họ xem xét giữa lời nói, tuyên bố của Trung Quốc với thực tế có thống nhất với nhau hay không.
- Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng
“Trung Quốc rất có tài câu giờ. Họ làm ra những động thái có vẻ như có thiện chí. Trong khi đó thì họ làm những chuyện rất không thiện chí. Họ càng ngày càng quân sự hóa các đảo chiếm được của Việt Nam ở Biển Đông.”
Xét về tổng thể, Hoa Kỳ được nhìn nhận là khó có thể bỏ qua lợi ích chiến lược tại Biển Đông và Đông Nam Á, cũng như phải cạnh tranh với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực này. Điều này là một lợi điểm cho các nước ASEAN khi đối phó với Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, các nước ASEAN cần chủ động và tích cực hơn nữa, phải thay đổi ngay cái não trạng “đèn nhà ai nhà ấy rạng” và đoàn kết với nhau thành một khối nhất quán. Đặc biệt, ASEAN nên tập trung hơn nữa trong việc phát triển quan hệ với “bên thứ ba”, tức là kết nối với “mắt xích” Nhật - Ấn - Úc.
“Chứ còn nếu có những cái đi đêm với Trung Quốc hay có những thỏa thuận ngầm với Trung Quốc thì cái đó rất nguy hiểm không những cho chính bản thân nước đó mà cả tình hình chung.”
Nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông, hai nhà quan sát đều cho rằng, Việt Nam cần phải thay đổi cả tư thế và tâm thế đối với Trung Quốc và các mối quan hệ đan xen trong khu vực.
No comments:
Post a Comment