RFA 2017-03-17
Con kênh Hy Vọng ngập rác. RFA photo
Thành phố Sài gòn vốn là nơi hội tụ của nhiều con sông, rạch thiên nhiên, rất gắn bó với đời sống cư dân vùng đất này. Nạn ô nhiễm đã và đang làm mất đi nguồn tài nguyên quí giá đó.
Kênh Hy Vọng, con kênh với cái tên thật đẹp nằm tại quận 5 tân bình, nhưng tình trạng ô nhiễm khiến chúng tôi lạnh người khi chứng kiến. Vị trí cầu bản nằm sát với ‘Xưởng gia công cơ khí’, trên bảng ghi rõ ‘Quân chủng phòng không- không quân- Bộ Quốc Phòng’. Đây là nơi bị người dân phản ánh đã xả nhiều chất thải gây ô nhiễm con kênh này.
“Quân đội người ta cho thuê đất, trong quân đội trong kia kìa, người ta làm nhuộm làm bê tông làm đủ thứ trong đó. Nước thải trong đó chảy ra là chính chứ ở dây dân đổ rác chỉ có góc đó người ta đem tới người ta đổ”.
Rác thải sinh hoạt, cộng với nước thải từ ‘xưởng gia công cơ khí’ đã khai tử con kênh Hy Vọng từ nhiều năm nay. Mặc dù địa phương đã phản ảnh việc xả nước gây ô nhiễm nhưng tình trạng không hề thay đổi.
“Nếu mà tính ra con kênh chỗ này là sạch á, tương đối sạch chứ không tới nỗi lắm. Khúc dưới mới ghê! Dân ở đây ít bỏ rác mà dân khắp nơi lại tới đây bỏ rác. Cô nhớ hôm 27 Tết có chú đó chở nguyên một xe tới chú bỏ góc đăng sau lưng”.
Theo lời người dân, chúng tôi tìm đường chạy dọc theo con kênh thì đúng như vậy, nước xuôi dòng càng về phía cuối con kênh thì càng có nhiều rác ứ đọng. Và chúng tôi cũng nhận được câu trả lời tương tự khi hỏi tại sao con kênh này ô nhiễm.
“Quân đội mà, đâu phải của mình đây đâu. Này là từ cái con kênh trong quân đội ra mà.”
Kênh rạch qua đời, quanh đi quẩn lại cũng vì các nguyên nhân như nước thải, rác thải sinh hoạt, chất thải từ các nhà máy xí nghiệp, hóa chất thải trực tiếp ra kênh rạch, sông hồ. Nhưng biện pháp xử lý qua loa của chính quyền không đủ để chấm dứt hành vi vi phạm làm ô nhiễm môi trường. Hệ quả tất yếu là người dân luôn phải hứng chịu ảnh hưởng và thiệt hại. Một bà mẹ đang sống cùng các con nhỏ tại khu vực ngập rác nặng nhất kênh Hy Vọng, khu vực giao với đường Trần Huy Ích, cho biết:
“Đi học cực muốn chết, đưa rước rồi nước ngập đâu đi về được đâu. Phải đợi nước xuống mới đi về được. Giống như 5h chiều nó ngập, thì cũng phải tới 9-10h đêm, 11h nó mới xuống. Năm vừa rồi ngập ba bốn lần, ở đây con nít đi học nhiều lắm. Nhà trong kia 4,5 đứa nhỏ đi học còn cực dữ nữa”.
Những người dân khác sống trong xóm cũng phản ánh thêm:
“Rác nhiều tới đó nó không qua được, phải hốt mới được. Năm rồi nó hốt liên tục mà năm nay nó không hốt. Ở đây người ta cũng phản ảnh dữ lắm, mình không biết nói ai chứ giờ kiểu dơ vậy đó”.
“Phản ảnh tỉ như ai lại hỏi thì mình góp ý giờ yêu cầu hốt rác sạch sẽ cho đừng có muỗi, đừng có hôi hám thôi chứ giờ biết ở đâu giờ?”
Mùa nắng thì sống với mùi hôi thối, mùa mưa thì nước sình ngập mênh mông. Người dân nơi đây phải khổ sở đủ bề.
“Rầu nhất là tới tháng mưa, nó ngập sẽ ngập vô nhà, ngập sâu vậy nè”.
“Địa phương này dở, đáng lẽ chính quyền người ta coi quan tâm tới cũng đỡ”.
Tại Sài Gòn, con kênh Hy vọng không chết lẻ loi vì còn rất nhiều những con kênh, rạch khác cùng chung một số phận như con kênh tại Đường Trần Bá Giao và Lê Đức Thọ, Gò Vấp vân vân.. Tình trạng xả rác và chất thải ra môi trường như hiện nay đã khai tử rất nhiều kênh rạch và cũng chính là dập tắt luôn hy vọng cho một môi trường trong lành để sống.
No comments:
Post a Comment