Một chế độ chính trị tốt đẹp phải là một chế độ mà ở đó, sự lương thiện đã thay chỗ hoàn toàn cho nghi kị và lòng yêu thương, sự tương kính giữa con người với nhau đã thay thế hành động thô lỗ. Ngược lại, một chế độ chính trị luôn có nguy cơ sát thương dân lành và sự đổ máu của người bất đồng chính kiến như một thông điệp dành cho người dân nếu họ dám mở miệng thì… e rằng, khó có thể tin rằng chế độ chính trị đó còn một chút lương tri!
Và đương nhiên, ở chế độ chính trị loại này, sự vong ơn là bản chất của họ. Điều này cũng giống như bản chất của con tắc kè đổi màu, chẳng có gì là xa lạ. Vấn đề là tại sao với hiện tại, khi mà mọi thứ bổng lộc của chế độ người ta đã được hưởng đến mức thừa mứa, khi mà người dân đã đưa lưng ra để chịu mọi nỗi khổ nhục mà kiếm sống qua ngày mà nhà cầm quyền vẫn hoài nghi, vẫn sợ hãi cả những chuyện mà dù có tưởng tượng cách gì cũng không thể tin nỗi là nó xảy ra. Như chuyện đánh đập người đi tưởng niệm các chiến sĩ đã hi sinh trong cuộc hải chiến Gạc Ma, Trường Sa vào ngày hôm nay chẳng hạn.
Hai nhân vật bị đánh hôm nay là Dũng Phi Hổ và Đỗ Thanh Vân. Họ, cho dù là trộm cướp hay xì ke, ma túy chăng nữa, nhưng trong khoảnh khắc thiêng liêng của bản thân, họ đã đặt vòng hoa tưởng niệm những người đã ngã xuống vì tổ quốc. Hành vi đáng tôn vinh và trân trọng. Không thể nói gì khác. Đằng này, họ là những nhà hoạt động xã hội dân sự, họ không phạm pháp, họ không làm gì sai, họ chỉ tưởng niệm những liệt sĩ đã hi sinh cho tổ quốc và họ bị đánh!?
Nhưng không, trước đó, dư luận viên gạo cội của đảng Cộng sản Việt Nam là ông Trần Nhật Quang, biệt danh là Quang Lùn đã tung một video clip chửi bới những người đấu tranh dân chủ và hoạt động xã hội dân sự bằng cụm từ “chúng mày là loài phản động”. Và tần suất sử dụng cụm từ “loài phản động” để chỉ các nhà hoạt động xuất hiện dày đặc trong video clip. Đặc biệt, ông Quang cũng tuyên bố “Tượng đài và bát nhang của vua Lý Thái Tổ là để thắp nhang và tưởng niệm vua Lý Thái Tổ. Không phải để thờ liệt sĩ nên không có chuyện tưởng niệm liệt sĩ ở đây…”.
Ông Quang cũng tuyên bố “loài phản động hãy cút khòi Việt Nam”. Xâu chuỗi lại câu chuyện, dường như video clip trên không phải đơn giản chỉ là một đòn ngôn ngữ của dư luận viên đánh về phía các nhà hoạt động mà đó là một thông báo chính thức về mức độ đàn áp tăng đột ngột của nhà cầm quyền đối với giới hoạt động dân chủ.
Và điều này càng trở nên chính xác hơn là sáng ngày 14 tháng 3, khi những người dân đến thắp nhang, đặt vòng hoa tưởng niệm các chiến sĩ hải quân đã hi sinh tại Gạc Ma năm 1988 thì an ninh đã tấn công họ, nhiều người bị đánh, trong đó hai người bị nặng nhất là Nguyễn Viết Dũng (tự Dũng Phi Hổ) và Đỗ Thanh Vân. Họ bị hành hung, bị đập vào đầu chảy máu. Và có một số người bị xua đuổi, phải chạy ra bờ sông Hồng, đứng dưới bãi đất cầu Long Biên để tưởng niệm.
Chỉ với chừng đó thôi cũng đủ thấy mức độ thiểu năng của một chế độ, bởi không có một chế độ nào văn minh lại đi để một kẻ lòng chứa đầy thù hận, đầu óc rỗng tuếch, mụ mị với những phát biểu ngớ ngẩn như vậy lên đứng bắn tiếng thay cho lệnh cấm tưởng niệm và hợp thức hóa những thủ đoạn đàn áp ngày hôm sau bằng một cái tuyên bố trên facebook như vậy.
Tượng vua Lý Thái Tổ và bát nhang để tưởng thờ vua Lý Thái tổ, đúng một phần. Bởi tượng đài khác với tượng thờ, không ai thờ giữa trời cả. Và cũng không có bàn thờ trong khu vực tượng đài cũng như khu vực quảng trường phía trước tượng đài. Nên nhớ, tượng vua Lý Thái Tổ, về mặt ý niệm, đây là khu vực linh thiêng của tổ quốc, nơi phụng thờ hồn thiêng sông núi và bất kì liệt sĩ nào ngã xuống vì tổ quốc cũng đều được tôn tưởng niệm trong khu vực quảng trường dưới chân tượng đài. Điều này giống như một sự hướng cội tôn nghiêm và có tính chất giao thoa tâm linh các thế hệ. Đương nhiên là phải hết sức tôn nghiêm.
Vậy thế nào là tôn nghiêm? Thứ nhất, không được gây bụi bặm, ô uế, không được có những hành vi đồi trụy trong khu vực tượng đài. Nói về sự mất tôn nghiêm này, công an và nhà cầm quyền Việt Nam phải ngay tức khắc bắt những kẻ đã mang đá ra trước tượng đài để cưa, làm bụi mù tung tóe và bắt nốt một nhóm người đồi trụy đã dám mang dàn âm thanh, mở nhạc Tàu, nhảy nhót trước tượng đài. Những hành vi này vô cùng bất kính và mất dạy. Cần phải đưa họ vào trại cải huấn, dạy lại đạo đức cho họ một cách nghiêm túc.
Thứ hai, sự tôn nghiêm của khu vực tượng đài cũng đồng nghĩa với việc những ai đến dâng hương tưởng niệm đều đáng kính và sự dâng hương này diễn ra trong yên lặng, thành kính thì sự yên lặng, thành kính này cần được bảo vệ. Bất kì kẻ nào đến phá đám người tưởng niệm, thắp nhang đều có thể bị truy tố trước pháp luật nếu như pháp luật đủ tôn nghiêm và chân chính. Như vậy, tất cả những kẻ phá rối các buổi lễ tưởng niệm bấy lâu nay đều phải bị truy tố trước pháp luật.
Câu chuyện người tưởng niệm 14 tháng 3 bị đàn áp chỉ cho thấy chính quyền Cộng sản Việt Nam đang ngày càng tuột dốc so với thế giới văn minh. Và đáng sợ nhất là họ đã dùng đến những thành phần ô hợp trong xã hội như một cánh tay nối dài của đảng. Điều này chỉ cho thấy họ chưa đi hết thất bại này đã chuyển sang thất bại khác trong việc cầm quyền của họ! Và nó cũng tố cáo rằng bản chất của chế độ là sát thương lương dân, không có gì khác!
No comments:
Post a Comment