HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau khi thủ tướng Việt Nam yêu cầu, bộ trưởng Bộ Công An loan báo đã chỉ đạo Tổng Cục Cảnh Sát điều tra vụ hàng chục viên chức tỉnh Bắc Ninh bị hăm dọa vì cản trở khai thác cát.
Chủ tịch tỉnh cũng chẳng là gì!
Cách nay vài ngày, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh công bố với báo chí văn bản đề nghị thủ tướng chỉ đạo Bộ Công An điều tra xem những ai trong hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương đang đứng phía sau “Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.”
Tuần trước, sau khi chính quyền tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề nghị tạm ngưng thực hiện dự án, vì việc tận thu cát khiến hữu ngạn sông Cầu bị sạt lở nghiêm trọng, hàng chục chuyên viên, lãnh đạo Sở Tài Nguyên – Môi Trường, kể cả chủ tịch tỉnh, bị hăm dọa.
Trong văn bản vừa kể, chủ tịch tỉnh Bắc Ninh lập lại đề nghị: Thủ tướng Việt Nam yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải thẩm định lại toàn bộ “Dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa quốc gia kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu”, xác định thiệt – hơn, lợi – hại.
Tháng 11 năm 2015, theo đề nghị của chính quyền tỉnh Bắc Ninh, chính phủ Việt Nam đã từng nêu yêu cầu đó nhưng Bộ Giao thông – Vận tải không thực hiện.
Câu chuyện vừa kể chỉ là một giọt thêm vào ly nước “khai khoáng” của Việt Nam. Chưa rõ giọt nước đó đủ làm tràn ly hay chưa?
Singapore vẫy, Việt Nam tan hoang
Trong thập niên vừa qua, bất kể các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực tại Việt Nam liên tục nhắc nhở rằng, cát không chỉ là khoáng sản hay vật liệu xây dựng mà còn là nền móng lãnh thổ, chính quyền vẫn làm ngơ, để mặc giới hữu trách từ trung ương đến địa phương thi nhau cấp giấy phép hoặc “thỏa thuận miệng” cho một số doanh nghiệp thi nhau khai thác cát.
Ngoài việc móc cát từ lòng sông, suối, giới hữu trách tiến thêm một bước, cho phép móc cát ở khu vực ven biển để xuất cảng dưới chiêu bài “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn.”
Hậu quả đến ngay lập tức, sạt lở ở sông, suối, bờ biển xảy ra khắp nơi, không thể ngăn chặn. Trong vài năm gần đây, mỗi năm, riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã mất năm cây số vuông mặt đất do sạt lở tại sông rạch và bờ biển. Với tốc độ sạt lở như hiên nay, sau vài thập niên nữa, Cà Mau sẽ biến mất.
Khai thác cát không chỉ khiến lãnh thổ bị thu hẹp mà còn hủy hoại tài sản và hủy diệt sinh kế của dân chúng ở những khu vực bị giới hữu trách gật đầu cho một số doanh nghiệp móc cát. Đó cũng là lý do dẫn tới hàng trăm cuộc biểu tình, một số biến thành bạo động suốt từ ngoài Bắc vào tới trong Nam.
Hồi đầu tháng này, tờ Tuổi Trẻ công bố loạt bài điều tra về “khai thông, nạo vét luồng lạch, tận thu cát nhiễm mặn” để xuất cảng sang Singapore.
Từ năm 1960, Singapore liên tục mua cát ở khắp nơi trên thế giới để mở rộng lãnh thổ. Đến nay, diện tích lãnh thổ của Singapore đã tăng thêm 24%. Phần lớn cát giúp Singapore mở rộng lãnh thổ là mua từ Việt Nam.
Theo các số liệu của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, từ 2007 đến 2016, Việt Nam xuất cảng 67 triệu mét khối cát.
Trong giai đoạn từ 2007 đến 2009, cát xuất cảng chủ yếu được móc từ lòng các con sông ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long với khối lượng khoảng 24 triệu mét khối.
Do bị các chuyên gia và dân chúng phản ứng kịch liệt, cuối năm 2009, chính phủ Việt Nam cấm xuất cảng cát. Đến năm 2013, Bộ Xây Dựng tìm ra một con đường mới để tiếp tục móc cát mang đi bán: Giao cho một số doanh nghiệp tự bỏ tiền “khai thông, nạo vét luồng lạch” rồi được “tận thu, xuất cảng” cái gọi là “cát nhiễm mặn” để trang trải chi phí. Bộ Xây Dựng gọi con đường mới này là “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải!”
Dẫn đầu “xã hội hóa hoạt động bảo đảm hàng hải” là Bộ Quốc Phòng với những dự án nạo vét luồng lạch tại các quân cảng. Kế đó là chính quyền 11 tỉnh ven biển: Kiên Giang, Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Thừa Thiên – Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh. Các chủ đầu tư bao gồm Bộ Quốc Phòng và chính quyền 11 tỉnh đã trình 40 dự án, nhằm móc khoảng 250 triệu khối cát từ lòng biển để xuất cảng.
Từ năm 2013 đến cuối năm 2016, Việt Nam tiếp tục xuất cảng 43 triệu khối cát nhiễm mặn sang Singapore.
Sau khi thủ tướng “yêu cầu chấn chỉnh” việc xuất cảng cát nhiễm mặn, trách nhiệm của Bộ Giao Thông – Vận Tải, Bộ Xây Dựng, Bộ Quốc Phòng, chính quyền các tỉnh trong việc moi nền của lãnh thổ mang đi bán coi như đã xong!
Hỗn loạn vì bị cả trên lẫn dưới, trong lẫn ngoài thao túng
Ngoài cát, hệ thống công quyền Việt Nam còn cho phép khai thác đủ thứ khoáng sản, như titan chẳng hạn. Trong vòng năm năm gần đây, riêng tại Bình Thuận có năm vụ hồ chứa nước tuyển quặng titan bị vỡ. Ngoài những thiệt hại như đã kể, khai thác titan tại các tỉnh phía Nam miền Trung Việt Nam (Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Định) đang kéo theo vô số hậu quả khôn lường. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment