Friday, March 17, 2017

Chủ nghĩa Cộng sản – Tai họa Trăm năm

Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA 2017-03-15 
Chân dung của Karl Marx, Vladimir Lenin và Vladimir Putin trên mặt tiền một ngôi nhà riêng ở làng Severnaya Griva, quận Shatura, khu vực Moscow chụp hôm 5/8/2011.
 Chân dung của Karl Marx, Vladimir Lenin và Vladimir Putin trên mặt tiền một ngôi nhà riêng ở làng Severnaya Griva, quận Shatura, khu vực Moscow chụp hôm 5/8/2011.  AFP photo
Ngày 15 Tháng Ba này, Liên bang Nga chính thức kỷ niệm 100 năm việc Sa hoàng Nicolai Đệ nhị thoái vị, mở đầu cho một chuỗi biến động dẫn tới cái gọi là “Cách mạng Tháng 10” là khi chế độ cộng sản lần đầu tiên thành hình trên mặt địa cầu vào năm 1917. Từ đó, nhân loại đã gặp tai họa mà nhiều thế hệ ngày nay lại không biết. Diễn đàn Kinh tế xin trở lại biến cố mà người ta không thể quên được….
Nguyên Lam: Nguyên Lam và Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, hàng năm, người Nga vẫn kỷ niệm ngày Sa hoàng Nicôlai Đệ nhị thoái vị, vào ngày 15 Tháng Ba năm 1917. Biến cố đó kết thúc hơn 300 năm cầm quyền của dòng Romanov và mở đầu cho những biến động dồn dập dẫn tới cuộc Cách mạng Tháng 10 và sự ra đời của Liên bang Xô viết dưới chế độ Cộng sản, cách nay đúng trăm năm.
Vì vậy, năm nay Liên bang Nga mới tổ chức lễ kỷ niệm đặc biệt long trọng, nhưng có lẽ vẫn chưa biết giải thích sự thể một cách khách quan vì khó nói về những tai họa do chủ nghĩa cộng sản gây ra tại nước Nga và trên toàn thế giới. Vì các thế hệ trẻ tại Việt Nam không được biết về những gì đang xảy ra trong đất nước mình, huống hồ nhiều biến cố đau thương khác trong lịch sử nhân loại, kỳ này, chúng tôi xin đề nghị ông nhắc lại trăm năm đó… Ông nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Đến thế kỷ 21 nhân loại đã tiến tới một trạng thái khá phổ biến dù chưa toàn cầu, là không ai được độc quyền chân lý, để áp đặt một sự thật nào đó mà mọi người phải theo. Trạng thái ấy được gọi là “sự cởi mở” là điều kiện tiên quyết của nền dân chủ, nơi mà người ta chấp nhận tinh thần đa nguyên về văn hóa, đa đảng về chính trị và là nơi mà người dân có quyền sống và suy nghĩ tự do. Tuy nhiên, nhiều xã hội chưa có được sự tiến hóa ấy khi nhà nước độc tài vẫn giữ độc quyền về tư tưởng chẳng những cho tương lai mà còn về những gì xảy ra trong quá khứ. Thí dụ như tương lai nhân loại tất yếu phải dẫn tới xã hội chủ nghĩa và quá khứ là những thành tựu chói lọi của chủ nghĩa cộng sản, vốn dĩ là một tai họa lịch sử!
Trở lại chuyện nước Nga, nơi chủ nghĩa cộng sản đã lần đầu tiên ngự trị từ Tháng 11 năm 1917 đến Tháng 12 năm 1991, chế độ đương quyền ngày nay đang lúng túng tường thuật những gì đã xảy ra từ trăm năm trước, khi Đế quốc Nga tiêu vong, Đế quốc Xô viết ra đời và cai trị trong hơn 70 năm với một số thành tựu và rất nhiều thảm họa cho người dân và cả thế giới. Chế độ chính trị của Liên bang Nga vẫn duy trì ách độc tài bên dưới hình thức bầu bán dân chủ và biết rằng xã hội đã đổi thay nên không thể áp đặt một chân lý khiên cưỡng sai lệch nhưng vẫn cố loay hoay nói về quá khứ hay lịch sử một cách thiên lệch méo mó. Trường hợp Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Hàn hay Cuba cũng thế thôi. Họ đều có nét chung là cái chất cộng sản!
Nguyên Lam: Như vậy, chúng ta sẽ bắt đầu từ nước Nga, rồi qua nước Tầu, nước Ta, để nhớ lại chuyện trăm năm về trước. Xin mời ông khởi đầu….
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chúng ta khởi đầu cái chuyện nhức đầu từ Âu Châu vì lục địa này đi trước trong nhiều lĩnh vực và chi phối thế giới từ mấy trăm năm. Trước hết, cuộc Cách mạng Pháp năm 1789 xuất phát từ một cuộc cách mạng khai phóng về tư tưởng trước đó hai trăm năm đã tiến dần tới một chế độ dân chủ hơn, là người dân có nhiều quyền hạn hơn nhờ hiểu biết nhiều hơn. Nối tiếp, sự hiểu biết mở rộng dẫn tới cuộc cách mạng về công nghiệp vào cuối thế kỷ 19, nó đảo lộn trật tự sản xuất cũ với một hình thái mới. Vào buổi bình minh của nền sản xuất kỹ nghệ và sinh hoạt kinh tế mới lạ, tất nhiên nhiều sự bất toàn đã xảy ra khiến người ta tìm hiểu, nghiên cứu và mỗi người hay mỗi trường phái lại tìm ra một cách giải thích. Nếu được cởi mở và có dân chủ thì xã hội có thể áp dụng giải pháp này hay giải pháp khác hầu tránh được sự bất công trong tiến trình phát triển. Đấy là quy luật chung cho mọi xã hội.
Trong buổi bình minh của nền sản xuất công nghiệp, Karl Marx và nhiều nhà lý luận khác đã nghiên cứu và tìm hiểu về hình thái sản xuất mới để giải thích và đề nghị. Cách giải thích của Marx có vài điểm mới lạ nhưng cũng có đầy mâu thuẫn và sai lầm như nhiều học thuyết khác. Điều tai hại là nước Nga khi đó lại có một trí thức xuất sắc và chiến lược gia đại tài là Lenin. Ông áp dụng học thuyết của Marx có chọn lọc và đảo lộn nhiều lý luận để cướp chính quyền và thiết lập bộ máy độc tài với nền độc quyền chân lý đi ngược với sự tiến hóa chung. Vụ cướp chính quyền ấy được gọi là “Cách mạng Tháng Mười” và đánh dấu một tai họa mới. Marx chỉ là kẻ mơ ngủ, Lenin mới là có công và có tội khi đặt ra chủ nghĩa Mác-Lenin đầy thảm khốc!
Vai trò của Lê Nin
033_3041368-400.jpg
Nguyên Lam: Khi nhắc lại chuyện trăm năm bao trùm lên nhiều lĩnh vực sinh hoạt từ kinh tế đến tư tưởng, ông cố tóm lược nhiều vấn đề khá phức tạp của lịch sử. Nhưng thưa ông, liệu chúng ta có thể hiểu sự thể đã diễn biến ra sao không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chính diễn biến đó mới làm nhà cầm quyền Liên bang Nga lúng túng, như nhiều chế độ cộng sản độc tài còn lại trên mặt địa cầu khi giải thích lại quá khứ. Chế độ quân chủ của Sa hoàng, là Hoàng đế Nga, bó tay trước nhiều đổi thay của xã hội và lâm khủng hoảng khi người dân bị đói và công nhân biểu tình. Chế độ ấy tiêu vong với việc Sa hoàng thoái vị và một chính quyền mới ra đời từ cuộc Cách mạng Tháng Hai.
Chính quyền non yếu này, nói theo người cộng sản thì thuộc giai cấp tư sản với lý luận cải lương, đang vất vả giải quyết bài toán mới thì bị Lenin và hạt nhân cộng sản cướp chính quyền mà gọi là cách mạng, hàm ý là tiến bộ và triệt để hơn giải pháp cải lương. Sau đó là năm năm khủng hoảng và nội chiến lồng trong Thế chiến thứ nhất.
Hiện tượng này cũng được thấy bên Tầu và nhất là tại Việt Nam sau cái gọi là “Cách mạng Tháng Tám” năm 1945 khi Chính phủ Trần Trọng Kim bị lật đổ, chương trình cải cách bị tiêu diệt để dẫn tới hỗn loạn và chiến tranh cho tới 1975. Sau đó, tàn dư tai hại của chủ nghĩa cộng sản vẫn còn làm các quốc gia này điêu đứng. Kẻ chủ chốt của thảm họa chính là Lenin.
Nguyên Lam: Thế hệ trẻ về sau như Nguyên Lam thật ra cũng không nắm vững sự thể ấy và chẳng hiểu gì nhiều về vai trò của Lenin. Xin đề nghị ông  giải thích thêm cho đoạn này.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vào giai đoạn đen tối ấy, cống hiến của Lenin gồm hai phần. Thứ nhất là kỹ thuật tổ chức và cướp chính quyền từ một chế độ non yếu mới ra đời. Thứ hai là đảo lộn lý luận của Marx để kiểm soát tư tưởng hầu bảo vệ ách độc tài. Về đại thể, Marx lý luận rằng kinh tế dưới hạ tầng chi phối thượng tầng chính trị ở trên và mọi chế độ tư bản đều tiến bộ hơn chế độ nông nghiệp đi trước nhưng cũng tất nhiên bị chế độ cộng sản thay thế như một quy luật lịch sử. Lý luận ấy sai vì thời trước đó nước Nga còn lạc hậu so với Âu Châu như nước Đức là quê hương của Marx, vậy mà cách mạng cộng sản lại xuất hiện tại Nga chứ không tại Đức, là nhờ  tài tổ chức và lũng đoạn của Lenin. Sau đó, Lenin đảo ngược quy luật tiến hóa của Marx khi quy định rằng tư tưởng ở trên mới chi phối chính trị và kinh tế ở dưới nên nhà nước phải giữ độc quyền chân lý về tư tưởng, bất cứ ai nghĩ sai nói khác đều là kẻ có tội phải bị diệt trừ. Về văn bản thì đấy là cốt lõi của tài liệu “Chủ nghĩa Duy vật và Chủ nghĩa Kinh nghiệm Phê phán”.
Chính là lý luận đó của Lenin mới làm chủ nghĩa cộng sản lụn bại và tiêu vong. Ngày nay, chế độ độc tài của Tổng thống Vladimir Putin tại Liên bang Nga chỉ cho nhấn mạnh đến sự thành tựu và ổn định của Liên bang Xô viết mà xóa bỏ những trang sử đen tối và không cho thấy là cả trăm triệu người đã chết trong thế kỷ 20 vì chủ nghĩa cộng sản, là một kỷ lục lịch sử. Thật ra, họ vẫn mặc nhiên duy trì chế độ độc quyền chân lý! Cái khác là Putin châm thêm chủ nghĩa ái quốc của dân tộc Nga vào chân lý nhà nước để bảo vệ quyền lực của mình, chứ nước Nga của ông đã lụn bại vì 74 năm cai trị của chủ nghĩa cộng sản.
“Tư tưởng Hồ Chí Minh”
000_Hkg4085563-400.jpg
Một cửa hàng bán các mặt hàng tuyên truyền cho đảng cộng sản với chân dung Karl Marx và Vladimir Lenin ở Hà Nội hôm 29/9/2010. AFP photo
Nguyên Lam: Thế thì ông giải thích thế nào về những thành tựu kinh tế của Việt Nam và Trung Quốc trong những thập niên gần đây?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chủ nghĩa cộng sản dẫn tới khủng hoảng là điều đã có tại Trung Quốc sau khi Mao Trạch Đông chiến thắng tại Hoa lục vào năm 1949, và tại Việt Nam sau khi người cộng sản chiến thắng và thống nhất Việt Nam từ 1975. Khi bị khủng hoảng thì chế độ độc tài quăng lý luận của Marx của Mao của Hồ Chí Minh vào sọt rác mà áp dụng lý luận kinh tế thị trường. Nhờ vậy kinh tế có tăng trưởng so với thời trước, nhưng thật ra chưa có phát triển như các quốc gia khác. Lý do là chế độ vẫn duy trì ách độc tài và tai họa độc quyền chân lý với các trò ma như học thuyết Mác-Lenin, chủ nghĩa Mao hay “Tư tưởng Hồ Chí Minh”, v.v…. Vì vậy hai xứ này bị khủng hoảng về văn hóa và đạo đức với hậu quả nghiêm trọng cho tương lai.
Nhưng điều tai hại nhất là lãnh đạo Bắc Kinh châm vào chân lý nhà nước cho thần dân của họ nuốt chửng một số lý luận về chủ nghĩa dân tộc của người Hán. Tức là họ trở lại bài toán xa xưa về chủ nghĩa quốc gia dân tộc của thế kỷ 19 để vuốt ve tự ái người dân. Trong khi đó, lãnh đạo Hà Nội lại triệt phá chủ nghĩa quốc gia dân tộc của người Việt để khỏi xúc phạm Bắc Kinh. Phê phán chế độ độc tài đã là có tội và có thể bị đàn áp, chứ chống lại chính sách bành trướng của Bắc Kinh là chắc chắn vào tù.
Cũng do chế độ độc quyền chân lý và tư tưởng, Việt Nam không có tự do báo chí và đa số người dân không hề biết gì về những thảm họa đang xảy ra tại nơi này nơi khác bên trong. Đã vậy, người ta còn không được biết hết về sự thật của thế giới bên ngoài vì báo chí tường thuật có chọn lọc với lý luận sai lạc. Báo chí trở thành công cụ độc tài về tư tưởng và kiến thức khi làm cho người dân hiểu sai về thực tế đang thay đổi.
Nguyên Lam: Thưa ông, chắc chắn là suốt năm nay, cả thế giới sẽ còn nói về thảm họa trăm năm của chủ nghĩa cộng sản nhưng trong một chương trình có thời lượng nhất định, xin đề nghị ông tạm nêu ra một số kết luận cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Có lẽ chúng ta cần một cuốn sách! Đầu tiên thì đã có bộ sách tên là “Hắc thư về Chủ nghĩa Cộng sản” do bốn học giả Pháp thu thập và xuất bản cách nay đúng 20 năm. Dù chưa đủ và thiếu hẳn nhiều tai họa cộng sản tại Châu Á thì bộ sách dầy 840 trang này cũng đáng tham khảo và thật ra đã được nhà báo Hồ Văn Đồng dịch ra Việt ngữ thành hai cuốn 1.200 trang trước khi tạ thế mươi năm về trước tại tiểu bang Virginia. Chuyện thứ hai đáng nhớ và vẫn có giá trị cho ngày nay là nếu xuất phát từ cộng sản chủ nghĩa thì xã hội chủ nghĩa cũng tất yếu dẫn đến nạn độc tài làm cho xứ sở lụn bại vì thu hẹp khả năng hiểu biết và quyết định của người dân, là chuyện đang thấy ngày nay tại Việt Nam.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông về cuộc phỏng vấn kỳ này.

No comments:

Post a Comment