THANH HÓA (NV) – Nguyên nhân nghêu chết hàng loạt xảy ra ở biển Thanh Hóa trong Tháng Mười Hai năm 2016 vừa qua là do… ông Trời, không phải bị đầu độc.
Báo Người Lao Động cho biết, ngày 25 Tháng Giêng, Sở Nông Nghiệp Thanh Hóa đã có văn bản gửi ủy ban tỉnh này phúc trình kết quả kiểm tra, phân tích và xác định nguyên nhân làm nghêu nuôi chết hàng loạt xảy ra hồi cuối Tháng Mười Hai năm 2016 ở huyện Hậu Lộc.
Theo đó, kết quả quan trắc đột xuất nghêu chết của Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường và Bệnh Thủy Sản Miền Bắc, nghêu nuôi chết hàng loạt không phải do dịch bệnh mà do “nghêu nuôi rất gầy do nuôi với mật độ cao, không phát hiện thấy mối liên quan giữa yếu tố môi trường nước nuôi cơ bản, yếu tố độc tố hóa học và tảo độc hại với hiện tượng ngao chết hàng loạt.”
Về điều kiện thời tiết, khí hậu và chế độ thủy triều vùng Hòn Nẹ trong khoảng thời gian trước và sau khi nghêu nuôi chết cho thấy “nhiệt độ không khí tại Thanh Hóa biến động rất lớn. Ban ngày từ 26-30 độ C, nhưng ban đêm xuống chỉ còn từ 10-12 độ C. Đây là những yếu tố ảnh hưởng xấu, gây sốc cho nghêu nuôi.”
Ngoài ra, kết quả phân tích mẫu nghêu thương phẩm thu ngày 8 Tháng Giêng năm 2017 về các chỉ tiêu an toàn thực phẩm của Cục Quản Lý Chất Lượng Nông, Lâm Sản và Thủy Sản cho thấy “không phát hiện độc tố sinh học, thuốc trừ sâu gốc hữu cơ, Trichlorfon trong mẫu nghêu, các kim loại nặng như Pb, Hg, Cd đều trong ngưỡng giới hạn cho phép. Với kết quả này, việc nghêu chết bất thường ở vùng triều nuôi nghêu xã Hải Lộc và Đa Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa là do yêu tố thiên nhiên gây nên, không phải do con người đầu độc.”
Trước đó, truyền thông Việt Nam đã loan tin, hồi Tháng Mười Hai năm 2016, ở 2 huyện Hậu Lộc và Hoằng Hóa xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt bất thường trong bãi nuôi với số lượng cả trăm tấn.
Nghi ngờ có người cố tình đầu độc nên người dân đã tổ chức mật phục và rạng sáng ngày 31 Tháng Mười Hai năm 2016, họ đã bắt được vợ chồng ông Hoàng Văn Thành đang đổ chất tẩy rửa thủy sản của một cơ sở chế biến hải sản ở xã Ngư Lộc xuống bãi nuôi nghêu, với tiền công 200,000 đồng/chuyến. Việc làm này đã diễn ra từ đầu năm 2016, mỗi tháng từ 7-10 chuyến, mỗi chuyến đổ ra biển từ 10-15 thùng chất thải. (Tr.N)
No comments:
Post a Comment