Theo Đất Việt-25-01-2017
Hôm qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã lựa chọn phương án 3 trong ba phương án mà một công ty tư vấn thuộc quân đội đề xuất để nâng công suất của sân bay Tân Sơn Nhất. Theo phương án này, vốn đầu tư 19.700 tỷ đồng (chắc để né trình Quốc hội?), công suất sân bay nâng 25 triệu khách lên 43-45 triệu/1 năm sau 3 năm triển khai đầu tư, xây dựng. Có vẻ phương án này không động đến khu sân gôn 157 ha của đại gia “không bao giờ thất bại” Dương Công Minh.
Như vậy Chính phủ “kiến tạo, liêm chính, minh bạch, không lợi ích nhóm” sẽ không dám động đến dự án của một nhóm lợi ích, mà nhiều người cho rằng vẫn còn sức mạnh cả trong lẫn ngoài quân đội. Nếu vậy, đây là một thất bại đáng tiếc cho thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì ông đã cố gắng thay đổi hình ảnh của Chính phủ, “làm những việc có lợi cho dân và theo vì ý dân”, nhưng bất lực trong vụ việc này. Đáng tiếc bởi vì tuyệt đại đa số chuyên gia và dân chúng đều ngứa mắt với dự án sân gôn 157 ha trong lòng sân bay Tân Sơn Nhất giữa thành phố Hồ Chí Minh, được thủ tướng nhiệm kỳ trước thông qua.
Tuy nhiên khác với các đại dự án khác, do bị phản đối dữ dội từ khi trước khi thông qua, nên chủ dự án đã chấp nhận một điều kiện khá rủi ro về pháp lý rằng trong thời hạn 50 năm thuê, nếu Nhà nước có nhu cầu, chủ dự án sẽ trả lại diện tích đất cho Nhà nước mà không đòi bồi thường. Nếu tôi là luật sư cho ông chủ dự án, không bao giờ chấp nhận một ràng buộc “thất bại thấy trước”, nhưng có lẽ đại gia “không bao giờ thất bại” lại nghĩ khác. Ông ta có thể tính dự án sân bay Long Thành được Quốc hôi phê duyệt, sớm triển khai, đi vào hoạt động sẽ loại bỏ sân bay dân sự Tân Sơn Nhất, nên chẳng bao giờ “Nhà nước có nhu cầu” thu hồi lại. Thực tế lại khác với tính toán của ông chủ sân gôn TSN, nhu cầu đi lại máy bay tăng nhảy vọt trong mấy năm qua, trong khi nguồn tiền cho dự án Sân bay Long Thành còn chưa thấy đâu, vì vậy Nhà nước có nhu cầu tăng diện tích gấp cho mục đích hàng không dân dụng cho sân bay Tân Sơn Nhất.
Mặc dầu vậy, ông chủ sân gôn TSN cũng là tay chơi gôn thượng hạng. Chỉ công ty trong quân chủng phòng không không quân (đối tác quản lý trực tiếp 157 ha đất quốc phòng được sử dụng cho khu sân gôn) được phép tư vấn về những phương án nâng công suất sân bay TSN, và dĩ nhiên phương án được chọn không động đến sân gôn.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Có khả năng Chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đang tương kế tựu kế. Ông Nguyễn Xuân Phúc có thể không liên quan đến phê duyệt dự án sân gôn TSN hoặc nếu có chỉ vai trò thứ yếu so với thủ tướng nhiệm kỳ trước. Trong khi các quan chức cao cấp và báo chí ầm ĩ về nhu cầu nâng công suất sân bay TSN, không thấy ông NXP phát ngôn về đề tài này. Có thể ông ngại đụng chạm trực tiếp đến một số thế lực trong quân đội, nên nhẫn nhịn để các tướng quân đội chấp nhường “nhường” đất như phương án do công ty của quân đội đề xuất, để giảm áp lực cho ngành hàng không.
Tất nhiên ông Phúc biết sự “nhẫn nhịn” cùa mình sẽ không dập tắt những phẫn nộ của dân chúng, chuyên gia và các cựu chiến binh. Họ sẽ tiếp tục phản đối sân gôn TSN, khi đó ông Phúc có thể nói :
“Thưa các ông các bà, Chính phủ đã làm hết khả năng của mình để tăng công suất sân bay TSN, đáp ứng nhu cầu phát triển cho đến nay của ngành hàng không. 157 ha đất quốc phòng tạm cho sân gôn sử dụng thuộc thẩm quyền quản lý của quân đội. Các ông các bà đã biết, Đảng lãnh đạo tuyệt đối quân đội, thông qua Quân uỷ trung ương do Tổng Bí Thư trực tiếp làm Bí thư. 157 ha quốc phòng được tạm sử dụng cho sân gôn trước đây chắc chắn được Quân uỷ nhiệm kỳ trước thông qua. Nay Quân uỷ nhiệm kỳ này quyết định thế nào về diện tích này để sử dụng cho hàng không dân dụng hay không chúng tôi sẽ chấp hành. Nhưng trước mắt Chính phủ tập trung quan tâm dự án 19.700 tỷ đồng này, nếu sau này Sân bay Long Thành chưa triển khai kip và vẫn cần phát triển công suất của sân bay TSN, chắc chắn Quân uỷ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí Thư sẽ có quyết sách đúng đắn”.
Với tốc độ phát triển vũ bão của hàng không hiện nay và tốc độ “rùa bò” triển khai đại dự án như bấy lâu tại Việt nam, đến năm 2020, công suất thực tế của sân bay TSN sẽ gần như quá tải ngay khi hoàn thành việc nâng công suất như theo phương án 3, còn dự án sân bay Long Thành có khi vẫn trong giai đoạn “chuẩn bi triển khai”. Điều này được thấy trước ngay từ bây giờ, các chuyên gia sẽ tiếp tục yêu cầu xoá sân gôn Tân Sơn Nhất, nhưng lần này quả bóng trách nhiệm được Thủ tướng Chính phủ chuyền sang chân Tổng Bí Thư kiêm Bí thư Quân uỷ trung ương (nhiệm kỳ trước cũng như nhiệm kỳ này). Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng vốn là người “trong sạch” lại “mưu mẹo”. Quyết định 244 đã khiến các vị tứ trụ và uỷ viên Bộ Chính trị khác nhiệm kỳ trước tuy trên 65 tuổi nhưng đều kém tuổi ông ra đi “vui vẻ”, còn ông ở lại và được Trung ương mới bầu lại với số phiếu gần “trăm phần trăm”.
Liệu ông “trong sạch, lắm mưu và trăm phần trăm” sẽ tận dụng đường chuyền của Thủ tướng Chính phủ như thế nào? Hay đại gia “không bao giờ thất bại” lại tiếp tục gặp may mắn? Mời các bạn dự đoán và cho ý kiến!
No comments:
Post a Comment