Wednesday, January 25, 2017

Tết giàu, Tết nghèo

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2017-01-25 
Công nhân chăm sóc công viên ở Hà Nội với biểu tượng chú Gà trống hôm 25/1/2017.
Công nhân chăm sóc công viên ở Hà Nội với biểu tượng chú Gà trống hôm 25/1/2017.  AFP photo
Nhiều triệu người Việt Nam đón Tết Nguyên đán Đinh Dậu, trong ý nghĩa xum hợp vào thời khắc thiêng liêng, khi năm mới khởi sự với hy vọng về những thay đổi tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Dư luận ghi nhận những hiện tượng đang làm biến dạng những tập tục tốt đẹp của ngày Tết.
Xã hội phân hóa cùng cực
Từ giã năm cũ Bính Thân nhiều tai họa từ hạn hán Tây nguyên, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long, thảm họa môi trường 4 tỉnh Bắc Trung Bộ và gần nhất là lũ chồng lũ ở miền Trung. Việt Nam bước vào năm mới Dinh Dậu trong bối cảnh xã hội phân hóa bất bình đẳng kinh tế gia tăng nghiêm trọng.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ Saigon nhận định:
Khi một xã hội phân hóa giàu nghèo đến cùng cực, người thì quá giàu có, giàu đến mức không hiểu nổi từ đâu mà có tài sản giàu như thế trong khi người thì không có đủ áo mặc, trong mùa đông không có giày để mang, Tết thì cũng không có tiền để có một bữa cơm ngon. Đó chính là dấu hiệu của một xã hội không có gì tốt đẹp mà người cầm quyền phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên trong việc điều chỉnh lại cuộc sống cho nó ra con người hơn…
Người thì quá giàu có trong khi người thì không có đủ áo mặc, trong mùa đông không có giày để mang, Tết thì cũng không có tiền để có một bữa cơm ngon.
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Đối với nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo hiện sống và làm việc ở Quảng Ngãi, thì khu vực này trước Tết đã bị lũ lụt mưa dầm kéo dài, đến thời điểm giáp Tết vẫn còn mưa. Quê hương Quảng Ngãi của nhà thơ Thanh Thảo trải qua một mùa Tết đầy khó khăn, thiên tai thời tiết ảnh hưởng người trồng rau, người trồng hoa bán Tết cũng thu hoạch kém. Người dân vùng lũ đã nhờ cậy các tổ chức và cá nhân có lòng nhân ái giúp đỡ để đón Tết. Nhà thơ, nhà báo Thanh Thảo tiếp lời:
Việt Nam bây giờ sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng lớn, cùng một cái Tết, cùng với tình trạng khó khăn của người nghèo thì ở những thành phố lớn người giàu vẫn chơi những thứ hàng xa xỉ có thể đến hàng tỷ đồng. Câu chuyện ấy diễn ra một cách hết sức bình thường, người giàu vẫn giàu người nghèo vẫn nghèo. Xã hội như thế tạo khoảng cách, tạo sự hụt hẫng lớn… thế thôi…”
Nhà thơ Thanh Thảo nói rằng, Tết không phân biệt người giàu hay người nghèo, Tết đến với mọi người. Ông nói:
Tết vẫn phải Tết ai cũng có Tết cả, người có nhiều tỷ đồng hay người chỉ có dăm bảy trăm ngàn hay một triệu đồng thì vẫn Tết chứ. Trong khả năng của mình cũng vui vẻ đón xuân mới, đối với người Việt Nam Tết không phải chuyện tiền bạc, bây giờ người ta cứ nghĩ Tết phải thật nhiều tiền…không nhất thiết phải như thế đâu…hồi xưa nghèo lắm mà vẫn có Tết, bây giờ cũng vậy…Tết là ngày vui, là xum họp gia đình thế thôi, nghèo mấy đi làm ăn xa đến Tết cố gắng về quê xum họp gia đình. Đấy mới là Tết, tình cảm ấy là Tết còn chuyện xa hoa, mua sắm thực chất không quyết định cho tinh thần của Tết đâu.
Xa hơn về phía Bắc, ông Vũ Văn Luân thư ký Liên chi Hội nuôi trồng thủy sản Huyện Tiên Lãng, nơi cách nay 5 năm đã xảy ra vụ án “tiếng súng hoa cải” của nông dân mất đất Đoàn Văn Vươn, nói rằng ông rất thất vọng với chính sách đất đai của nhà nước, trông chờ mòn mỏi cũng chẳng thấy cải cách. Trước ngày Tết Đinh Dậu, ông Vũ Văn Luân phát biểu:
Tết cổ truyền ở Việt Nam thì nhà nào cũng thế, gia đình tôi chuẩn bị đầy đủ bánh chưng rồi thực phẩm chuẩn bị những thứ thiết yếu nhất cho không khí Tết… hầu hết dân Việt Nam người ta cũng đều phải chuẩn bị cái thủ tục như thế…để bước sang một năm mới có sự đổi mới hơn…
Thời của cầu xin thánh thần
024_2477818-400.jpg
Người dân đi lễ chùa Ngọc Hoàng, Sài Gòn. AFP photo
Mỗi khi Tết đến dư luận nói nhiều về những sự biến dạng trong phong cách mừng xuân của một số người trong xã hội. Theo Luật sư Trần Quốc Thuận, Tết là ngày xum họp của mọi gia đình, ngày gặp gỡ nhau để chúc tụng, theo tục lệ cũng van vái mời ông bà về cùng ăn Tết. Những tục lệ đó rất quý, chúc tụng nhau trong gia đình trong dòng tộc, trong xóm giềng, rồi có thể đi lễ chùa, đi nhà thờ mừng năm mới.
Tuy vậy, Luật sư Trần Quốc Thuận nhấn mạnh đi chùa, nhà thờ ngày Tết trong tinh thần bình an, lành mạnh. Không đi đến đó để cầu xin lợi lộc. Ông nói:
Chúa Giê Su chịu đóng đinh trên cây thập giá không đủ áo quần, thì có tài sản đâu mà đến đó để xin…còn Phật Thích ca cũng chỉ có chiếc áo choàng và bình bát để khất thực hàng ngày, nhưng lại có những người chăm bẳm đến đó để cầu xin.
Nhưng mà điều rất đáng tiếc là có người có chức có quyền cao vào hàng nhất của Việt Nam cũng đi quỳ, cũng đi lạy, cũng đi xin. Đó là những dấu hiệu rất là xấu, khi những người có chức có quyền đến quỳ lạy xin thần thánh, tôi nói thẳng là những người đó họ không còn tin nhau nữa.”
Luật sư Trần Quốc Thuận cho rằng những người có chức có quyền đi cầu xin điều gì, chắc là xin giữ vững quyền chức và túi tiền bất chính của mình. Những người đi cầu xin đó rất đáng phê phán. LS Trần Quốc Thuận ghi nhận:
Khi những người có chức có quyền đến quỳ lạy xin thần thánh, tôi nói thẳng là những người đó họ không còn tin nhau nữa.
- Luật sư Trần Quốc Thuận
Trước đây còn có trường hợp những người đi cầu xin mang cúng hình nhân để cầu xin cho đối thủ chính trị của mình bị thần linh tiêu diệt…rõ ràng là những cuộc cầu xin đó là hủ lậu cần phải bài trừ…còn chuyện cấp dưới đi thăm cấp trên để tặng quà cáp thì vừa qua Ban Bí thư cũng có văn bản cấm, không biết lệnh cấm đó vừa qua hiệu lực đến đâu…”
Về chỉ thị của Ban Bí thư cấm cán bộ biếu xén quà, ông Vũ Văn Luân ở Tiên Lãng Hải Phòng cho rằng, kẻ hối lộ không nhất thiết phải đợi dịp biếu xén quà Tết làm cơ hội hối lội. Theo lời ông người ta có nhiều cách dễ dàng và an toàn hơn để cung thỉnh cấp trên. Ông Vũ Văn Luân phát biểu:
Chẳng qua chỉ là lừa bịp dư luận hết, tham nhũng bây giờ đã trở thành cái “máu” rồi, bệnh aid rồi, cực kỳ khó chữa.
Những năm trước, báo chí ghi nhận tình trạng cán bộ cấp dưới đi chúc tết tặng quà cấp trên, từng gây ra ách tắc giao thông cả khu phố nơi cán bộ lãnh đạo trú ngụ.
Như lời LS Trần Quốc Thuận nói, những biến tướng của phong tục ngày Tết cần bị phê phán, nhưng những nét văn hóa hay đẹp cần được tôn trọng để giữ gìn bản sắc dân tộc.
LS Trần Quốc Thuận cho biết chương trình ngày Tết giản dị của ông, trước hết là về quê thắp nhang cho ông bà. Sau đó đi chúc Tết láng giềng. Ông cũng đã chuẩn bị các bao lì xì để trong đó mỗi bao chừng năm, mười nghìn đồng để mừng tuổi mấy cháu.

No comments:

Post a Comment