Wednesday, January 25, 2017

Sài Gòn giáp Tết: Hoa và người

Chủ ghe bông miền Tây ngồi “bó gối” bên dòng kênh đen, Bến Bình Đông, quận 8, chờ khách mua. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
SÀI GÒN (NV) – Hàng năm, từ rằm Tháng Chạp tới 23 đưa ông Táo là Sài Gòn đã chộn rộn không khí đón Xuân. Trong cái nắng vàng rực rỡ của đất trời phương Nam, những gánh hàng hoa đã dọn đầy ra nơi những khu chợ Tết, muôn hồng nghìn tía…
Nhưng năm nay khác hẳn mọi năm. Cho tới tận chiều ngày 25 Tháng Chạp, không khí nhiều nơi vẫn yên ắng…
Đầu tiên phải kể tới do thời tiết. Năm nay, mưa nhiều. Cuối năm vẫn mưa, do áp thấp nhiệt đới, trời sụt sùi, âm u. Ngoài thời tiết thì còn do ô nhiễm, khói bụi. Những buổi sáng trời mù sương, mù khói, có khi tới 8 giờ sáng mà khu nội ô xe còn phải mở đèn mới thấy đường mà chạy.
Do mưa nhiều, nên cúc năm nay mất mùa. Sài Gòn bớt rực rỡ hẳn khi thiếu vắng những chậu cúc mâm xôi, cúc đại đóa do nhà vườn miền Tây không có hàng đem về.
Sài Gòn giáp Tết: Hoa và người
Lá dong gói bánh được bày bán trên hè phố Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Nắng yếu, mà chỉ hửng lên vào quãng giữa trưa được một chút, làm cho mai vàng cũng ngậm bông. Nụ thì đầy cành nhưng bông vẫn chưa kịp nở, có lẽ bông cũng như người còn đang chờ nắng lên.
Hiện tượng nổi bật ở Sài Gòn những ngày cuối năm là hiện tượng kẹt xe, theo chu kỳ “đến hẹn lại lên.”
Đường ra phi trường Tân Sơn Nhất kẹt cứng nhiều giờ liền với nhiều người đưa, kẻ đón.
Ngày tảo mộ (25 Tháng Chạp), nhiều cửa ngõ Sài Gòn kẹt cứng. Đoạn quốc lộ 50, từ bến xe quận 8 ra tới cầu Ông Thìn (giáp ranh Long An) hơn 10 cây số, nguyên buổi sáng, hơn 5 tiếng đồng hồ, các phương tiện trên con đường này chôn chân tại chỗ, không thể di chuyển được.
Cũng do trời cuối năm thiếu nắng, mà những “núi” củ kiệu bày bán tại những chợ vùng ven Sài Gòn năm nay đành lỗi hẹn.
Lá dong gói bánh được bày bán nhiều nơi hè phố khu chợ ông Tạ, chợ vùng ven nơi làng hoa Gò Vấp giáp với khu Tân Thới Hiệp (thuộc Hóc Môn xưa).
Sài Gòn giáp Tết: Hoa và người
Hoa đào miền Bắc được bày bán trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Lá dong năm nay nhìn có vẻ mướt mắt hơn mọi năm. Được người bán quảng cáo là “nhập” từ miền Bắc vào. Kỳ thực, có khi chỉ là hàng “nhập” từ Phương Lâm – Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Giá cả thì có nơi đòi 200 ngàn cho 100 lá đại, 160 ngàn cho 100 lá nhất, và 80 ngàn đồng cho 100 lá thường. Nhưng có nơi chỉ lấy 160 ngàn cho 100 lá đại…
Các khu chợ hoa như đường Thánh Thái, đường Lý Thường Kiệt (Nguyễn Văn Thoại cũ), khu Bến Bình Đông (quận 8)… năm nay cho tới chiều 25 Tháng Chạp vẫn thưa thớt hoa bày bán, còn người mua thì vẫn là một… ẩn số.
Tại bến Bình Đông, chúng tôi chứng kiến hai chậu mai đẹp (tầm trung) được bán với giá chỉ có 500 ngàn đồng một chậu. Như mọi năm, thì mỗi chậu mai như vậy phải có giá từ 1 triệu cho tới 1 triệu rưỡi. Nhưng năm nay vắng khách, người bán thấy không thể “hét” giá cao, để rồi cuối năm lại phải “ôm bông”mà về.
Tại đường Tô Hiến Thành (giáp khu chợ hoa Thành Thái). Chúng tôi thấy cảnh nhiều chậu hoa đào (miền Bắc), được bày bán kế bên một khu bán toàn hoa Ly (Đà Lạt). Hai loại hoa này, năm ngoái được bày bán nhiều tại khu chợ hoa công viên 23/9 (bên hông chợ Bến Thành).
Sở dĩ chúng tôi quan tâm tới hoa ly và hoa đào, là vì vào đúng 12 giờ trưa 30 tết hồi năm ngoái. Khi công viên 23/9 bắt đầu đóng cửa để dọn dẹp đón Tết. Thì hoa ly bày bán nơi công viên này còn đầy, người bán hoa chỉ còn cách “gạt nước mắt,” nhổ bỏ hết hoa ly để thu hồi lại chậu mà về quê.
Sài Gòn giáp Tết: Hoa và người
Trái Phật Thủ du nhập từ miền Bắc trưng lấy hên,những ngày cuối năm này được bán với giá là 120 ngàn đồng/trái. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Hoa đào thì số phận có lẽ “thê lương” hơn, là vì một chậu hoa ly (5 cây) bán với giá là 150 ngàn đồng. Trong khi hoa đào một chậu có giá từ 7-8 triệu đồng, có cây lên đến trên 10 triệu đồng. Nhưng tới phút chót khi công viên chuẩn bị đóng cửa, người bán đành phải đại hạ giá chỉ còn có…500 ngàn đồng/chậu. Nhưng người mua “ác ôn” bắt chẹt, chỉ chịu trả có 150 ngàn đồng/chậu đào. Quá “uất,” người bán tuyên bố, thà bỏ cho xe ép thành rác, chứ không thèm bán giá kể như cho đó. Cuối cùng xe rác tới, chất hết đào cảnh lên xe chờ… ép. Nhiều người chạy theo xe để…xin, công nhân vệ sinh bèn thả đào xuống cho người dân đem về chưng “chùa.”
Hỏi thăm người bán hoa ly, ông cho biết hoa nhà vườn mới chuyển xuống từ Đà lạt đêm hồi hôm. Xe vừa dừng, chưa kịp chuyển bông xuống thì mấy ông “trật tự” đô thị đã rà tới, đòi “làm luật.” Đành phải chi hết mỗi xe mấy trăm ngàn, người đàn ông bán hoa ly có gương mặt khắc khổ, vừa kể vừa lắc đầu ngao ngán.
Chúng tôi hỏi người đàn ông, có biết việc hoa ly hồi năm ngoái phải đổ bỏ hết, chỉ thu hồi được chậu? Ông lắc đầu, nói đâu có biết, vì hồi năm ngoái thì ông đem hoa ly xuống bán ở Biên Hòa. Rồi ông thở dài, nói: “Nhà vườn trông bông mấy năm nay cứ giống như đánh bạc. Đánh bạc với nắng mưa, đánh bạc với người mua bông ngày tết.”
Hỏi thăm ông chủ hoa đào cảnh kế bên. Người đàn ông miền Bắc này cho biết, năm nay ông chỉ “du Nam” với 100 gốc đào cảnh, và bán mỗi chậu như vậy đổ đồng là 3 triệu rưỡi, mong hết sớm thì về quê. Ông cũng cho biết, nếu năm nay thất bại nữa thì đành bỏ nghề, vì nợ nần, thêm nữa giá hoa lên xuống thất thường, dễ đau tim, e rằng… khó thọ.
Sài Gòn giáp Tết: Hoa và người
Chăm sóc hoa trưa cuối năm tại khu làng hoa Gò Vấp. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Chỉ có mấy cô cậu sinh viên mở gian hàng thư pháp nơi phố hoa là xem ra có vẻ thảnh thơi trong việc mưu sinh ngày tết.
Theo lời của V.P, sinh viên khoa kiến trúc bày bán thư pháp vỉa hè, cho biết: “Mặt bằng mấy ngày tết thuê mất mấy triệu, năm ngoái huề vốn và có lời chút ít. Quan trọng là vui, và học hỏi được nhiều kinh nghiệm, nhất là tết vỉa hè Sài Gòn rất thú vị.”
Hỏi thăm chuyện về quê ăn tết, chàng trai quê miền Trung có máu nghệ sĩ lãng tử này cười hiền, cho biết: “Trưa 30, dọn dẹp xong. Chất hành lý lên xe honda rồi cùng mấy đứa bạn chung quê ‘quất ngựa’… du xuân, thong thả rồi cũng về tới nhà. Nhưng có lẽ vào thời khắc giao thừa thiêng liêng, mấy đứa sinh viên tụi em vẫn còn đang trên… đường cái quan.”
Chia tay nhóm sinh viên kiến trúc viết thư pháp ngày xuân. Chúng tôi chạy thẳng tới làng hoa Gò Vấp.
Tuy diện tích trồng hoa không còn nhiều. Nhưng tranh thủ lúc buổi trưa có nắng, người trồng hoa vẫn cặm cụi tưới thúc cho những thửa hoa mới ra nụ, kịp bán vào những ngày tết.
Sài Gòn giáp Tết: Hoa và người
Thư pháp của sinh viên bày bán trên hè phố Sài Gòn những ngày cuối năm. (Hình: Văn Lang/Người Việt)
Trên những luống hoa đã nở rộ của mình, một chủ vườn cứ không ngớt đi qua đi lại. Anh nóng ruột, có lẽ vì mối lái giờ này vẫn chưa thấy tới lấy hoa…
Tuy người trồng hoa là người lấy công làm lời, nhưng họ vẫn bị chi phối bởi thị trường hoa ngày tết.
Giới làm ăn cuối năm đã đón những tin tức ảm đạm. Việc Hoa Kỳ rút khỏi TPP, là một cú “giáng” chẳng những gây sốc nặng, mà còn khiến giới làm ăn nằm “bẹp” luôn. Họ không còn tinh thần để vui xuân, ảnh hưởng rất lớn đến sức mua của thị trường ngày tết.
Dân chúng cũng mất tinh thần, dù họ cũng không hẳn hiểu hết “ý nghĩa” của TPP. Nhưng cuối năm vàng, đô lên giá, thêm việc báo chí đưa tin – Bộ Tài Chánh dự kiến tăng thuế môi trường đánh vào xăng là…8 ngàn đồng/ cho 1 lít xăng.
Cuối năm Sài Gòn trời ít nắng, tin tức kinh tế thực sự ảm đảm báo hiệu một năm đầy khó khăn đang tới. Nhưng dù gì thì nàng Xuân vẫn về – nhẹ lướt trên đôi cánh của thời gian – dù biết, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?

No comments:

Post a Comment