Wednesday, January 25, 2017

Dân chúng nội thành Hà Nội đang chết dần, chết mòn vì ô nhiễm

Hà Nội sáng 19 Tháng Mười Hai năm 2016. Số ngày Hà Nội và Sài Gòn lờ mờ trong sương mù do ô nhiễm càng ngày càng nhiều. (Hình: Dân Trí)
HÀ NỘI (NV) – Những số liệu được cập nhật thường xuyên trên một trang web về môi trường do chính quyền Hà Nội thiết lập cho thấy không khí ở Hà Nội rất tệ.
Theo trang web của nhà cầm quyền thành phố này, thì kết quả thu lượm từ mười trạm quan trắc được đặt rải rác ở Hà Nội vào tối 23 Tháng Giêng cho thấy, API ở  trạm Hàng Đậu tọa lạc tại quận Hoàn Kiếm là 299, ở trạm Phạm Văn Đồng tọa lạc tại quận Cầu Giấy là 257, ở trạm Thành Công tọa lạc tại quận Ba Đình là 239, các trạm khác như  khác như Tây Mỗ tọa lạc tại quận Nam Từ Liêm và Nhổn tọa lạc tại quận Bắc Từ Liêm cũng xấp xỉ 200.
AQI (Air Quality Index)  là chỉ số về chất lượng không khí dựa trên nồng độ của một nhóm các chất như: CO, NO2, SO2, O3 và bụi, qua đó cho biết chất lượng không khí có nguy hại cho sức khoẻ con người trong khu vực hay không.
Chất lượng không khí được xem là kém nếu AQI từ 101 đến 200, được xem là xấu nếu AQI từ 201 đến 300 và những người mắc các bệnh về đường hô hấp, tim mạch nên ở trong nhà. Khi AQI vượt qua 300 thì người khỏe mạnh cũng được khuyến cáo là nên hạn chế ra khỏi nơi cư trú.
Tại Hà Nội, AQI ở khu vực nội thành rất cao, đặc biệt là từ 8 giờ tối đến sáng. Chất lượng không khí chỉ tốt hơn một chút trong khoảng từ 10 giờ sáng đến cuối buổi chiều. Lý do là mùa Đông có hiện tượng nghịch nhiệt do bức xạ về đêm, các chất gây ô nhiễm cao hơn ban ngày nhiều lần và kéo dài cho đến sáng. Cũng vì vậy, không khí buổi sáng không hề trong lành như nhiều người vẫn tưởng.
Không phải tự nhiên mà một số chuyên gia nhận định cư dân các đô thị lớn ở Việt Nam như Hà Nội, Sài Gòn đều đang chứ không phải sẽ chết ngộp.
Liên Minh Năng Lượng Bền Vững Việt Nam từng công bố Báo Cáo Chất Lượng Không Khí Việt Nam 2016, theo đó, chỉ số AQI ở Hà Nội và Sài Gòn đều vượt tiêu chuẩn quốc gia và thế giới. Riêng với bụi, năm 2016, Hà Nội có 282/365 ngày mà nồng độ bụi PM 2.5 (bụi có đường kính động học ≤ 2.5µm) vượt tiêu chuẩn của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO).
Vào ngày 4 Tháng Mười năm 2016, sau khi thu thập và phân tích dữ liệu mà hệ thống quan trắc chất lượng không khí đặt tại Đại Sứ Quán Hoa Kỳ ở Việt Nam ghi nhận, Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ cho biết, chất lượng không khí ở Hà Nội chỉ khá hơn thành phố Ardhali Bazar của Ấn Độ – nơi đang dẫn đầu về ô nhiễm không khí.
Theo Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ thì với chất lượng không khí tại Hà Nội như kết quả đã đo đạc, mọi người không nên ra khỏi nhà để tránh tổn hại sức khỏe. Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường Hoa Kỳ  nói thêm rằng, các số liệu mà họ thu thập chỉ phản ánh chất lượng không khí trong một phạm vi nhất định chứ không thể xem đó là số liệu tiêu biểu cho cả khu vực.
Cũng trong ngày 4 Tháng Mười năm 2016, Sài Gòn lại bị sương mù phủ kín. Giống như nhiều lần trước, sương dày tới mức đứng tại Bến Bạch Đằng, nhìn sang bên kia sông, các cao ốc chỉ là những khối lờ mờ. Giống như nhiều lần trước, phải đến giữa trưa, sương mù mới tan hết.
Hồi 2007, sau khi khảo sát về môi trường quốc gia, giới khoa học ở Việt Nam đã cảnh báo về tình trạng không khí của các đô thị, các khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chỉ trong hai năm, từ 2005-2007, kết quả quan trắc cho thấy, bụi và các chất độc hại trong không khí đã tăng từ hai tới bốn lần. Lúc đó, giới khoa học cảnh báo, đến năm 2010, hàm lượng bụi và các chất độc hại trong không khí ở Hà Nội và Sài Gòn có thể sẽ tiếp tục tăng từ hai đến năm lần. Những chất độc hại đó sẽ kết hợp với hơi nước tạo thành các giọt acid và tấn công phổi gây đau rát phổi, giảm hô hấp, đau đầu, hôn mê, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Tuy nhiên, những cảnh báo đó không được quan tâm.
Từ 2012, Hà Nội bắt đầu có nhiều ngày lờ mờ trong sương khói. Mỗi lần như thế, chính quyền thành phố Hà Nội lại cáo buộc nông dân ở ngoại thành đốt rơm. Năm 2013, ông Nguyễn Đình Hòe, giảng viên Khoa Môi Trường của Đại Học Quốc Gia Hà Nội, phản bác cáo buộc này. Khi có mưa nhẹ trong những ngày Hà Nội lờ mờ sương khói, ông Hòe đã thử kiểm tra nước mưa và thấy độ pH của nước mưa chỉ khoảng 5.0-5.5. Điều đó đồng nghĩa với việc có mưa acid ở Hà Nội và khói chính là sương mù acid, hay còn gọi là sương mù quang hóa.
Cũng theo ông Hòe, do độ ẩm thấp, dân Sài Gòn ít thấy hiện tượng sương mù acid nhưng mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn không thua Hà Nội. Tình trạng phần lớn trẻ em, người già tại Sài Gòn mắc các chứng bệnh về đường hô hấp, chính là bằng chứng về mức độ ô nhiễm trong không khí ở Sài Gòn cũng rất nghiêm trọng. Ông Hòe tiết lộ, dù tại Sài Gòn và các tỉnh lân cận ít có hiện tượng sương mù acid nhưng mưa acid xảy ra rất thường xuyên. Đã có từ 60% đến 70% trận mưa trong năm ở khu vực Đông Nam bộ là mưa acid.
Đến năm 2014, Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường thuộc Tổng Cục Môi Trường Việt Nam phát cảnh báo, chất lượng không khí trên toàn Hà Nội càng ngày càng tệ. Mỗi năm có khoảng 240 ngày chất lượng không khí nằm ở ngưỡng xấu, chất lượng không khí của 125 ngày còn lại rơi vào mức nguy hại.
Hồi đầu Tháng Mười năm ngoái, Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của Việt Nam công bố báo cáo hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn từ 2011 đến 2015. Theo báo cáo này thì nồng độ nitrite trong không khí tại một số thành phố của Việt Nam như: Sài Gòn, Hà Nội và Hạ Long đều đã vượt qua ngưỡng an toàn.
Nitrite sẽ oxy hóa huyết sắc tố trong hồng cầu khiến người ta xanh xao, đáng lưu ý là nitrite đang đe dọa tính mạng của trẻ em dưới sáu tháng tuổi. Nồng độ nitrite trong không khí cao quá mức cho phép cũng là nguyên nhân chính khiến người ta cảm thấy khó thở, dễ choáng, dễ ngất. Nitrite với hàm lượng cao có thể tương tác với các amine trong cơ thể và trở thành nitrosamine – loại hợp chất dẫn tới tiền ung thư. Chưa kể nếu hàm lượng nitrosamin trong không khí luôn luôn vượt qua ngưỡng an toàn, cơ thể sẽ không kịp đào thải hết và gan sẽ bị nhiễm độc.
Bộ Tài Nguyên-Môi Trường Việt Nam giải thích, sở dĩ nồng độ nitrite trong không khí tại Sài Gòn, Hà Nội vượt ngưỡng an toàn là vì lượng khói thải quá mức từ hoạt động giao thông và hoạt động công nghiệp. Tình trạng vừa kể xảy ra tại Hạ Long là do hoạt động khai thác than và hoạt động của các nhà máy nhiệt điện.
Chết dần, chết mòn không còn là “sẽ” mà đang hiện hữu. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment