Wednesday, January 25, 2017

Người Việt duy trì văn hóa Tết ở Mỹ

Hình minh họa - Gói bánh chưng là một hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa Tết của người Việt.
Hình minh họa - Gói bánh chưng là một hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa Tết của người Việt.
Lam Thủy
 Theo VOA-25.01.2017 
Đối với người Việt xa quê hương, Tết là những ngày quan trọng nhất để họ có thể tụ họp, thăm hỏi và tham gia các hoạt động cộng đồng.
Ngày Tết còn là dịp để tìm hiểu và duy trì những nét đẹp của văn hóa truyền thống Việt Nam, nhất là đối với các bạn trẻ người Mỹ gốc Việt.
Từ San Jose, California - nơi tập trung rất đông người Việt định cư, chị Tiên Bùi không khỏi xúc động khi nhớ lại những ngày Tết khi chị còn nhỏ:
“Cuộc sống của mình trải qua nhiều giai đoạn. Trước 75 [năm 1975] thì ăn Tết vui hơn. Sau 75 thì bị giới hạn nhiều thứ, nhà mình cũng nghèo đi, cho nên Tết cũng mất vui phần nào. Chẳng hạn như ba má mình có thể mua nhiều nước ngọt hơn cho cả nhà, nhưng sau 75 thì không có những cái đó nữa thì mình thấy buồn vì mình còn nhỏ mà. Sau đó khi qua Mỹ, vì chưa về lại được Việt Nam nên mỗi cái Tết là một lần mình nằm nhớ nhà. Mình nhớ nhà lắm. Mình chỉ sinh hoạt trong cộng đồng nhỏ vì lúc đó người Việt ít, không có những hội chợ Tết lớn như bây giờ. Mình đến các trung tâm sinh hoạt mà cộng đồng thuê hoặc ở chùa, mình chỉ đi tới đó rồi mình biết là có Tết.”
Sau vài năm định cư tại Mỹ, nhóm của chị Tiên Bùi bắt đầu góp sức tổ chức hội chợ Tết cho sinh viên, giúp cộng đồng vui Tết và nhớ Tết.
Giờ đây sau hơn 30 năm, chị Tiên Bùi vẫn đồng hành cùng các bạn trẻ tổ chức hội chợ Tết sinh viên ở San Jose.
Chị nói: “Các em trẻ và sinh viên làm hội chợ Tết cũng rất quy mô. Đó là tinh thần của người trẻ, họ làm để phục vụ giới trẻ, cho nên có nhiều hứng khởi và mới lạ.”
Năm ngoái, chị Tiên Bùi đã dựng một làng Việt Nam và tổ chức đám cưới đầu xuân trong khu vực hội chợ Tết được rất nhiều người yêu thích. Tết năm nay, chị sẽ tổ chức một gian hàng triển lãm đồ gốm cổ của Việt Nam 500 năm về trước.
Mục đích của việc tổ chức các hội chợ Tết sinh viên nhằm giúp các em nhỏ hiểu về văn hóa và không quên cội nguồn, do vậy năm nay đã có khoảng 500-600 em học sinh, sinh viên tình nguyện tham gia.
Anh Jason Nguyễn, 29 tuổi, người đã đứng ra tổ chức 3 hội chợ Tết sinh viên, chia sẻ với VOA về điều đã thôi thúc anh góp phần duy trì Tết Việt:
“Mình cố gắng làm ra một chương trình Tết có ý nghĩa về văn hóa. Bây giờ có chút sức thì mình muốn tạo ra một nền tảng cho giới trẻ sau này. Nếu mỗi năm Tết đến mình có một chương trình văn hóa mà mọi người để ý đến thì sẽ sôi nổi và không khí Tết cũng vui vẻ, ấm cúng hơn, và để cho những người không phải người Việt Nam có thể biết thêm về văn hóa của người Việt.”
Theo anh Jason, những hoạt động như vậy rất quan trọng đối với các bạn trẻ gốc Việt ở Mỹ. Nếu các bạn không được tiếp xúc với văn hóa Việt thì sẽ đánh mất bản sắc của mình.
Anh nói: “Nếu không có cái gì để đưa cho giới trẻ tiếp xúc thì dần dần sau này họ sẽ mất đi cả nền văn hóa của mình, mất đi luôn tiếng Việt, mất đi luôn cách sống của người Việt Nam. Việc này rất nguy hiểm. Khi mình không còn văn hóa nữa thì chắc cũng không còn người Việt nữa.”
Đối với anh Jason, việc góp phần duy trì bản sắc văn hóa Việt là điều bắt buộc phải làm chứ không phải cần thiết hay không cần thiết, và anh bắt đầu việc đó từ chính gia đình nhỏ cùng với vợ và một cô con gái của mình.

No comments:

Post a Comment