Tuesday, November 15, 2016

Hệ quả của làn sóng di cư khỏi miền Tây

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-11-14  
Ảnh minh họa chụp tại Cai Lậy, Tiền Giang trước đây.
 Ảnh minh họa chụp tại Cai Lậy, Tiền Giang trước đây.  AFP
Tụt hậu về mọi mặt so với cả nước, làn sóng di cư rời bỏ đồng bằng sông Cửu Long đang đe dọa sản xuất nông nghiệp và đời sống xã hội của khu vực này.
Đồng bằng sông Cửu Long rộng 40.000 km2 dân số 18 triệu, từng có thời là miền đất hứa với lúa gạo, cây trái, tôm cá dồi dào và là nơi dễ sống. Thế nhưng sau những năm thường xuyên đóng góp 90%  tổng lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước, khu vực này đang chứng kiến điều gọi là một làn sóng tha hương mới.

Nông thôn và người già

Trong 20 năm từ 1994 tới 2014 đã có tới hơn 1.700.000 ngàn người di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long, riêng trong 5 năm gần đây từ 2009 tới 2014 số người rời bỏ khu vực gạo trắng nước trong là 544.000 người. Ngược lại số người nhập cư vào đồng bằng sông Cửu Long trong 5 năm này chỉ vỏn vẹn 97.000 người. Đây là các số liệu chính thức được công bố trong cuộc hội thảo khoa học “Phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nam Bộ sau 30 năm đổi mới 1986-2015” do Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 28/10/2016 vừa qua tại Cần Thơ.
Chuyện di dân ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá phổ biến, biến đổi khí hậu chỉ là một trong những nguyên nhân thôi.
-PGS Lê Anh Tuấn
Trả lời Nam Nguyên vào tối 11/11/2016, từ Hà Nội Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định về hệ quả của làn sóng di cư đã và đang xảy ra ở vùng  đồng bằng sông Cửu Long. Ông nói:
“Những năm gần đây với sức đẩy ra của nông nghiệp, mức độ cơ giới hóa tăng lên, giá ngày công cao. Trong khi đó việc làm và nhu cầu lao động ở các lĩnh vực phi nông nghiệp tăng cao, người dân nông thôn Việt Nam đã rời bỏ ruộng đồng đi ra làm việc ở các lĩnh vực phi nông nghiệp tăng lên rất nhiều, ở cả đồng bằng sông Hồng cũng như đồng bằng sông Cửu Long. Sự thay đổi trong cấu trúc xã hội là khá rõ rệt, phần lớn ở các địa phương vùng nông thôn chỉ có người già; còn người trẻ hoặc là chuyển đi ra ngoài hẳn, hoặc là họ đi làm theo thời vụ.
Tình hình này nó làm thay đổi kết cấu sản xuất, tức là ruộng đồng phải chuyển sang làm máy móc nhiều, trong khi đó kết cấu xã hội nông thôn cũng thay đổi rất mạnh mẽ, trong các gia đình thì phần lớn người trẻ phải ra đi. Đây là cả một thay đổi về xã hội lẫn về kinh tế mà trong quá trình phát triển nông thôn mới đang phải tính đến.
Ở đây một mặt nó thể hiện một quy luật bình thường trong quá trình công nghiệp hóa. Nhưng mặt khác nó cũng thể hiện việc bố trí lại dân cư diễn ra rất là nhanh và nó làm cho việc sắp xếp lại xã hội nông thôn là phải khởi điều chỉnh phải tính đến trong thời gian khá là ngắn.”
Nhiều chuyên gia đề cập tới vấn đề biến đổi khí hậu, xem đó là một trong những nguyên nhân của làn sóng di cư khỏi đồng bằng sông Cửu Long. Báo Thế giới Tiếp thị  dẫn số liệu của Trung tâm Theo dõi di trú trong nước (IDMC) cho biết năm 2015, Việt Nam có khoảng 135.000 hộ gia đình phải  di dời vì lý do môi trường.
xe-loi-622.jpg
Một người kéo xe lôi ở vùng ngoại ô thành phố Long Xuyên, An Giang. Ảnh minh họa. RFA PHOTO
Phó Giáo sư Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ nhận định:
“Chuyện di dân ở đồng bằng sông Cửu Long diễn ra khá phổ biến, biến đổi khí hậu chỉ là một trong những nguyên nhân thôi. Ngoài ra còn những nguyên nhân khác thí dụ như đói nghèo hoặc là sự hấp dẫn của các đô thị hoặc do sự thay đổi của lớp trẻ họ không muốn gắn bó với nông thôn nữa.
Tuy nhiên trường hợp như năm ngoái khô hạn rất nghiêm trọng xâm nhập mặn làm cho sản lượng nông nghiệp sút giảm và nhiều đồng ruộng không canh tác được, thì hiện tượng sau thời gian đó thanh niên nông thôn bỏ lên thành phố kiếm việc làm rất nhiều. Tuy nhiên di dân ở đồng bằng song Cửu Long có người đi luôn bỏ hẳn nông thôn lên thành phố định cư, có người đi theo thời vụ, giai đoạn khó khăn không canh tác được thì họ đi làm thuê làm mướn ở đâu đó, khi mùa mưa về có đủ nước ngọt để canh tác thì một số người lại quay về nông thôn tiếp tục nghề nông. Đánh giá tình hình di dân ở đồng bằng sông Cửu Long ở nhiều dạng khác nhau.”

Cần quyết sách đồng bộ

Tình trạng di cư rời bỏ đồng bằng sông Cửu Long đánh động các nhà làm chính sách, bởi vì một khu vực nông thôn rộng lớn đối diện tình trạng dân số lão hóa nhanh, tình trạng thiếu lao động ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp, thay đổi cấu trúc gia đình và xã hội. Di cư tự do ra thành thị với số lượng lớn cũng gây áp lực về an sinh xã hội cho các địa phương tiếp nhận người di cư.
Giới chuyên gia học giả và chính quyền đã tìm ra giải pháp nào để giải quyết tình trạng di cư rời bỏ đồng bằng sông Cửu Long. Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn nhận định:
Làm thế nào tạo được việc làm ổn định ở đô thị với các công việc dịch vụ, tức là trong lĩnh vực phi nông nghiệp, để người lao động ở nông thôn đi ra họ có một nghề nghiệp ổn định.
-TS Đặng Kim Sơn
“Mọi người đã bàn luận rất nhiều, chắc chắn trong thời gian tới phải điều chỉnh chính sách đất đai, làm thế nào trong điều kiện bớt lao động thì phải tich tụ đất tập trung qui mô lớn hơn, để những người ở lại sử dụng máy móc một cách thuận lợi.
Tuy nhiên bài toán phức tạp hơn là phải làm thế nào tạo được việc làm ổn định ở đô thị với các công việc dịch vụ, tức là trong lĩnh vực phi nông nghiệp, để người lao động ở nông thôn đi ra họ có một nghề nghiệp ổn định và có một cuộc sống mà có thể điều chỉnh lại gia đình, chẳng hạn họ có thể đưa người già đi theo.
Hoặc nếu không thì họ phải có việc làm trong tầm có thể trở về nông thôn, theo kiểu gọi là ly nông bất ly hương. Cả hai việc này đòi hỏi cần có thời gian và có điều chỉnh vì nó không chỉ ở trong lĩnh vực nông nghiệp mà còn liên quan đến cả sự bố trí lại công nghiệp và kinh tế đô thị nữa.”
Tại cuộc Hội thảo ở Cần Thơ ngày 28/10/2016,  Phó Giáo sư Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện khoa học xã hội vùng Tây Nam Bộ nhận định là quá trình lão hóa dân số ở đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra rất nhanh do tình trạng di cư của lao động trẻ. Ông Viện trưởng cảnh báo một tương lai xám cho đồng bằng sông Cửu Long đó là dân số lão hóa và  ngày càng nghèo hơn.
Báo Người Lao Động dẫn lời Phó giáo sư Lê Thanh Sang, theo đó tỉ lệ phụ thuộc  của người cao tuổi sẽ tăng lên trong 2 thập niên tới. Kết hợp với nhiều yếu tố, đồng bằng sông Cửu Long sẽ đối mặt vấn đề trung hạn là dân số trở nên lão hóa cùng với tình trạng nghèo khổ, khi những lớp di dân nông thôn – thành thị đầu tiên không tham gia thị trường lao động thành thị và trở về nông thôn sinh sống.

No comments:

Post a Comment