Hàng ‘fake’ ở Sài Gòn (ảnh: N.Thịnh)
Một phúc trình của chi cục quản lý thị trường TP.HCM, cho biết trong 10 tháng qua, cơ quan này đã tịch thu đến hàng chục ngàn sản phẩm đồng hồ, giày, túi xách thời trang, mắt kính… là đồ giả thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài.
Những mặt hàng này lại được bày bán tại các trung tâm thương mại có vẻ ngoài sang trọng ở Sài Gòn. Tuy nhiên người bán nói thẳng với khách hàng đây là hàng nhái, và ‘fake đẳng cấp hơn hàng chợ’ (ở Sài Gòn hiện dùng luôn từ ‘fake’ khi nói về hàng nhái). Saigon Square, An Đông Plaza, Lucky Plaza…, là những nơi bày bán khá nhiều quần áo, giày dép, túi xách, kính mát đủ thương hiệu: Adidas, Nike, Mango, Louis Vuitton, RayBan, Dior… Hàng ‘fake’ ở những nơi này có rất nhiều giá kiểu ‘tiền nào của đó’. Giá càng mắc thì độ ‘fake’ càng y như hàng thiệt. Có điều khi khách yêu cầu mua hàng phải có hóa đơn thì người bán từ chối.
Nhiều chủ quầy chuyên hàng Tommy, Lacoste, Burberry nói rằng phần lớn các sản phẩm thời trang này là hàng xuất cảng 100%, bị một vài lỗi nhỏ nên giữ lại bán ở thị trường nội địa với giá rẻ.
Con đường từng mang tên Gia Long ở quận 1, và Nguyễn Trãi ở quận 5 của Sài Gòn, hiện là nơi nổi tiếng tập trung nhiều công ty chuyên ‘fake’. Theo tìm hiểu của SBTN, những công ty này thường chọn cách bay sang tận nơi bán sản phẩm chính hãng, tậu một bộ vừa ý nhất. Sau đó, họ trở về bắt tay vào phần việc tháo tung sản phẩm, bóc tách từng mũi chỉ, đường kim để định khung, canh phom, rập khuôn mới và lên mẫu theo đúng thiết kế của sản phẩm chính hãng, chọn phụ kiện, chất liệu cùng tiêu chuẩn, may thử cho đến khi hoàn thiện thì tung ra thị trường.
Sản phẩm sau khi nhân bản sẽ bán có giá chỉ rẻ hơn so hàng chính hiệu. Chuyện lời ít hay nhiều từ việc ‘fake’ này, là có bao nhiêu giai nhân Việt trong giới showbiz đặt hàng cho riêng mình.
Ở Sài Gòn có một nơi công khai quảng cáo là chuyên bán hàng ‘fake’, nằm gần trường Cao Thắng, và một điểm khác nằm trên đường Hai Bà Trưng, góc Tự Đức. Những món hàng thương hiệu như Zara, Mango, Gap, Abercrombie & Fitch, Banana Republic, Calvin Klein, Levi’s, Polo… mà nếu mua sắm trong các trung tâm thương mại giá không thể dưới hàng triệu (mặc dù cũng là hàng ‘fake’), thì ở đây áo thun, áo thể thao, quần jean, váy đầm… chỉ có giá vài trăm ngàn đồng, có nhãn mác hẳn hoi.
Ở đây có những chiếc túi nhái LV, Hermes, Burberry, Emporio Armani… phân chia “nước một”, “nước hai”… cho đến “nước bảy”. Những hàng nước đầu thì được nhái đến từng chi tiết, mà chỉ có những con mắt cực sành sỏi mới có thể phân biệt được. Dĩ nhiên giá cũng khá cao so, với hàng “nước bảy” trông chỉ hơi giống có giá vô cùng bình dân. Hàng ‘fake’ ở đây chủ yếu bắt nguồn từ Trung Cộng. Việc buôn bán hoàn toàn công khai.
Vũ Minh Ngọc / SBTN
No comments:
Post a Comment