Hiệp định thương mại rộng lớn nhằm liên kết Hoa Kỳ với Châu Á coi như đã chết, khi các nhà lãnh đạo quốc hội của lưỡng đảng nói với Tòa Bạch Ốc rằng họ sẽ không thúc đẩy việc phê chuẩn hiệp định trong bối cảnh kết quả của cuộc bầu cử 2016.
Các giới chức của chính quyền Obama cũng thừa nhận giờ đây hiệp định không có con đường để tiến tới phía trước.
Thất bại của việc phê chuẩn TPP tại Quốc Hội Mỹ là thất bại của tổng thống Obama, trong chiến lược chuyển trục về Á Châu để bao vây Trung Cộng. TPP là vũ khí kinh tế nhằm cân bằng sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Cộng ở mặt địa-chính trị tại khu vực Á Châu Thái Bình Dương.
Cái chết của TPP là cơ hội cho Trung Cộng bành trướng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực với hiệp ước mậu dịch RCEP do Trung Cộng chủ trương, bao gồm 10 quốc gia trong khối ASEAN và 6 quốc gia khác tại Á Châu, gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nam Hàn và Tân Tây Lan.
Trung Cộng từ trước đến nay đưa ra mọi kế hoạch nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Á Châu, và TPP là cái gai trước mắt cần phải nhổ. Thế nhưng, cái gai tự nhiên được Mỹ nhổ bỏ đi sau cuộc bầu cử 2016, chỉ vì công nhân Hoa Kỳ quá chán nản khi nhìn thấy công ăn việc làm của họ bị chuyển hết ra nước ngoài, vì giá lao động bên ngoài rẻ hơn!
Khuynh hướng chống lại toàn cầu hóa ngày một gia tăng khắp nơi. Sự kiện Anh Quốc rút khỏi khối Liên Âu hồi tháng 7 vừa qua là một thông điệp rất rõ về khuynh hướng này. Trong lúc vận động tranh cử, ông Donald Trump hứa rằng ông sẽ thương lượng lại hiệp ước mậu dịch NAFTA giữa Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Nếu cuộc thương lượng không mang đến nhiều điều lợi hơn cho Hoa Kỳ, thì ông sẽ hủy bỏ NAFTA.
Ông còn gọi TPP là hiệp ước hiếp dâm nước Mỹ, và cho dù quốc hội có phê chuẩn TPP thì ông cũng sẽ hủy bỏ nó khi ông lên làm tổng thống. Một ngày sau khi ông Donald Trump đắc cử theo thể thức bầu đại cử tri đoàn, cho dù ông vẫn thua phiếu phổ thông, một bài bình luận của báo lề phải Trung Cộng Tân Hoa Xã khuyến cáo nước Mỹ không nên bước vào con đường chủ nghĩa bảo hộ, và còn nhắc nhở ông Trump về cuộc đại khủng hoảng kinh tế toàn cầu ở thập niên 20 khi nước Mỹ chủ trương bế môn tỏa cảng!
Lời bàn của Tân Hoa Xã và phản ứng từ giới quan sát khắp nơi cho thấy là không chỉ Tầu mà cả thế giới đang quan ngại về bước đi kế tiếp của Mỹ.
Vậy câu hỏi đặt ra là liệu lịch sử sẽ lập lại như ở thập niên 20? Hay ông Trump rồi sẽ nhận ra một thực tế là không một quốc gia nào có thể đóng cửa sống một mình ở thời đại toàn cầu hóa?
No comments:
Post a Comment