Thursday, July 7, 2016

Nhà máy luyện đồng giết cá

Theo NLĐO-07/07/2016 21:14

Chất thải của nhà máy thuộc Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú (huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) tràn ra môi trường, gây chết cá hàng loạt

Những ngày qua, đã xảy ra hiện tượng cá chết bất thường ở 2 ao nuôi của người dân xã Yên Lập và tại suối Màn, suối Nhẹm thuộc huyện Cao Phong. Đây là khu vực nằm phía dưới Nhà máy Chế biến đồng An Phú thuộc Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú.
Ông Lê Xuân Hà, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Cao Phong, cho biết sau khi nhận được thông tin, UBND huyện đã đề nghị các cơ quan chức năng có liên quan làm rõ nguyên nhân. Để bảo đảm sức khỏe người dân, UBND huyện Cao Phong yêu cầu UBND các xã Yên Thượng, Yên Lập, Dũng Phong, Nam Phong, Tây Phong, Bắc Phong và Thung Nai thông báo cho người dân khu vực này không sử dụng nước từ các con suối trên, đồng thời báo cáo ngay cho UBND tỉnh Hòa Bình. Các cơ quan chức năng của huyện này đã lấy 16 mẫu nước gửi về Trung tâm Ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh để kiểm định và kết quả cho thấy tỉ lệ đồng trong nước cao hơn mức cho phép.
Cá trên các con suối ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình chết vì Nhà máy Chế biến đồng An Phú
Cá trên các con suối ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình chết vì Nhà máy Chế biến đồng An Phú
Chủ tịch UBND huyện Cao Phong Phạm Văn Long cho biết hiện nay, Sở TN-MT và các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình đã làm việc với Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú. Theo ông Long, nguyên nhân ban đầu gây chết cá được xác định là do tràn bể nước thải sau khi mưa to. “Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú đã thừa nhận vụ việc và lập phương án đền bù cho người dân” - ông Long nói.
Nhà máy Chế biến đồng An Phú hoạt động từ tháng 3-2016. Trong quá trình hoạt động, nhà máy sử dụng axít phosphoric, dầu hỏa và một số hóa chất khác. Ông Trần Trung Chính, Giám đốc Công ty CP Khoáng sản đồng An Phú, thừa nhận sự cố chảy tràn nước mưa ở bãi chứa quặng đã làm chết cá của người dân ở huyện Cao Phong. “Hiện công ty này đã bị dừng hoạt động để khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại cho các hộ dân bị ảnh hưởng” - ông Nguyễn Trần Anh, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình, thông tin.
Chỉ mới bồi thường bước đầu
Theo ông Nguyễn Trần Anh, ngoài việc đền bù cho người dân, công ty phải thu gom cá chết trên suối để chôn, bảo đảm vệ sinh môi trường. Sở TN-MT tỉnh Hòa Bình cũng đã lấy mẫu để sau này nếu có hậu quả về môi trường, cơ quan quản lý nhà nước sẽ tính toán và yêu cầu công ty tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bồi thường. “Việc tạm dừng hoạt động của công ty cũng như đền bù thiệt hại cho dân mới chỉ là yêu cầu chịu trách nhiệm bước đầu” - ông Trần Anh nhấn mạnh.
Bài và ảnh: Văn Duẩn

No comments:

Post a Comment