Thursday, July 7, 2016

Formosa và 500 triệu đô la

Chân Như, phóng viên RFA 2016-07-07  
075_smit-notitle160501_npUhZ.jpg
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa hôm 01 tháng 5 năm 2016.  AFP photo
Vào hôm 30 tháng 6 vừa qua, sau gần 3 tháng khi 4 tỉnh mình Trung xảy ra tình trạng cá chế hàng loạt, chính phủ VN đã ra công bố và xác định là do công ty Formosa Hà Tĩnh xả thải ra biển có chứa độc tố Phenol, Xyanua và Hydroxit sắt vượt quá mức cho phép.  Và công ty cũng hứa sẽ đền bù thiệt hại với số tiền tương đương là 500 triệu đôla.  Liệu sự xin lỗi và số tiền bồi thường đó đã đủ để kết thúc việc gây ô nhiễm đến môi trường và đời sống của người dân Việt hay không là chủ đề cho Diễn đàn bạn trẻ kỳ này, cùng với các bạn trẻ hiện đang sống và làm việc tại VN.
Dân không ngạc nhiên
Chân Như: Xin chào các bạn Lê An, Khải Tường và Bảo Linh, trước hết các bạn có cảm thấy ngạc nhiên khi chính phủ VN cuối cùng cho biết Formosa chính là thủ phạm gây ra ô nhiễm môi trường trầm trọng tại miền Trung Việt Nam hay không và vì sao?
Lê An: Thật ra chuyện này ai cũng biết chẳng qua chính phủ giấu thôi. Tất cả người dân biết. Họ đi biểu tình, họ không cần Formosa, chỉ cần cá. Chính phủ đã ra tay ngăn cản biểu tình, để rồi 3 tháng sau thông báo Formosa chính là người gây ra những thiệt hại. Rõ ràng một điều đó là một cú tát vào mặt nền dân chủ của Việt Nam, và rõ ràng chính phủ đã thông đồng hay làm cách nào đó để Formosa được tiếp đãi như vậy.  Rõ ràng mình đã ký hợp đồng 70 năm để nó làm việc, miễn các lợi thuế, miễn các lợi phí trong khi đó hoàn toàn không biết về việc Formosa có nhiều tiền án, dấu vết ở nước ngoài và đã bị tẩy chay. Nói chung, chính phủ có vấn đề và em không bất ngờ về chuyện này.
Khải Tường: Chuyện này hầu như người dân Việt Nam, em đi khắp các phố phường ngõ ngách, họ đều bàn tán và đều đưa ra nguyên nhân cho riêng họ. Tuy nhiên, có một nguyên nhân chung tất cả đều biết mà dường như chính quyền cố tình né tránh , họ muốn dấu diếm điều gì nên em đã nghĩ đến tiêu cực chắc nhà nước muốn giấu luôn. Do vậy, em cũng cảm thấy rất thú vị khi nhà nước công bố ra điều này.
Em không ngạc nhiên, vì chính phủ đã biết trước thảm họa này do Formosa gây ra nhưng họ đã kéo dài thời gian 84 ngày để thỏa thuận với công ty này nhằm đổi lấy số tiền 500 triệu đô la.
- Bảo Linh
Bảo Linh: Em không ngạc nhiên, vì chính phủ đã biết trước thảm họa này do Formosa gây ra nhưng họ đã kéo dài thời gian 84 ngày để thỏa thuận với công ty này nhằm đổi lấy số tiền 500 triệu đô la. Chính phủ quan tâm đến túi tiền và quyền lợi của chính phủ hơn tại vì chính phủ chi rất nhiều tiền để đối phó với biểu tình, hỗ trợ ngư dân,nên họ cần lấy lại số tiền từ Formosa và đã âm thầm thỏa thuận với công ty này.  Trước đó nhiều cán bộ thúc đẩy dân đi tắm biển rồi ăn cá biển mà không chịu công bố thông tin nước biển có độc cho thấy họ vô trách nhiệm với người dân trong thảm họa môi trường ở Hà Tĩnh này.
Chân Như: Công ty Formosa đền bồi thiệt hại 500 triệu Mỹ kim để giải quyết những hậu quả do vụ ô nhiễm môi trường nầy gây ra. Theo bạn thì vì sao là con số 500 triệu, con số nầy được tính trên cơ sở nào và con số nầy đã hợp lý chưa?
Bảo Linh: Em thấy con số này không có cơ sở và hoàn toàn không hợp lý bởi vì không có một hội đồng đánh giá tiêu chí quốc tế nào về môi trường mà chỉ là một thỏa thuận giữa chính phủ Việt Nam với công ty thôi. Con số này chưa chắc đã giải quyết được ổn thoả những hậu quả về môi trường do Formosa gây ra nên những đền bù đó không thể nào gọi là thỏa đáng được.
Chân Như: Nhận xét của Khải Tường?
Khải Tường: Em cũng cảm nhận đây là một sự thỏa thuận ngầm nào đó giữa chính quyền và Formosa. Tất nhiên, theo bản thân em thì để tính toán thiệt hại hậu quả này cần phải tính đến thiệt hại của một tổng thể đối với dân sinh cũng như môi trường. Đồng thời, cũng cần một hệ thống nào để đánh giá giống như các ban ngành chuyên môn nghiên cứu và phân tích một cách chi tiết nghiêm túc. Nói chung, em cảm thấy đó là một quá trình rất dài nhưng  chỉ vỏn vẹn trong khoảng 70-90 ngày họ đưa ra. Em cảm thấy thời điểm này cũng đúng là chưa làm hài lòng dân chúng, nhưng khoảng thời gian này lại rất ngắn để đánh giá thiệt hại của hiện tại.
Chân Như: Theo Lê An thì sao?
Lê An: Em hoàn toàn không biết tại sao là 500 triệu nhưng 500 triệu không đủ. Khi BP tràn dầu ở vịnh của Mỹ thì họ được bồi thường 10 tỷ đô trong khi đó ở đây cả 4 vùng biển Việt Nam.  500 triệu mỹ kim đó không thấm vào đâu. Trong khi cả 6 triệu dân ở ngoài miền Trung sẽ mất tương lai, mất việc làm, gia cảnh gia đình họ sẽ khốn khó thậm chí nguồn thực phẩm cũng chết. Và 500 triệu mỹ kim đó nếu như bồi thường cho 6 triệu dân thì một người chỉ được khoảng 80 đô, 1 triệu 6 tiền Việt Nam. Như vậy thì đâu làm được gì. Vấn đề là  không biết 500 triệu đó ai đứng ra thương lượng? Em không biết mục đích để làm gì nhưng rõ ràng 500 triệu mỹ kim đó xuống tới tay nhân dân thì được bao nhiêu người và ai sẽ là người hưởng. Cái người dân cần không phải số tiền đó, mà thật sự phải thưa Formosa ra toà án quốc tế hoặc là đóng cửa luôn.  500 triệu không giải quyết được vấn đề gì cả cho cả một thế hệ sau này.
Không đánh kẻ chạy lại?
34847694-3ad3-4e47-8d73-e1751c906dd6.jpg-400.jpg
Các quan chức Việt Nam họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam, tại Hà Nội vào ngày 30 Tháng Sáu năm 2016. AFP photo
Chân Như: Vẫn theo Lê An, ông Mai Tiến Dũng cho biết “chúng ta chỉ đánh kẻ chạy đi chứ không đánh kẻ chạy lại”. Điều này cho thấy có vẻ như chính quyền đã thỏa mãn với con số 500 triệu và sẽ không có động thái nào khác về vấn nạn môi trường nầy. Các bạn nghĩ sao?
Lê An: Thật sự nếu ông đó văn minh như nước ngoài thì ông đó cần phải từ chức. Người dân Việt Nam không cần những người như ông đó.  Hoặc ông thứ trưởng bộ môi trường ngày trước bảo do hải triều đỏ chứ không phải Formosa, bây giờ lại công bố do Formosa thì rõ ràng ông đó chắc chắn đã ăn hết một phần của Formosa rồi. Hay như ông phó chủ tịch Hà Tĩnh, ông bảo người dân cứ tắm biển bình thường, đấy bây giờ ông giỏi xuống tắm.
Rõ ràng một điều là chính phủ Việt Nam mình rất nhiều người nhúng tay vào chuyện này. Em nghĩ một điều rất cơ bản là mình cần minh bạch, cần nhiều người từ chức và rất nhiều người phải chịu trách nhiệm thật sự đối với vấn đề này. Rồi đây tất tần tật những chuyện này nếu giải quyết không êm xuôi người dân lại xuống đường.
Thực phẩm bẩn từ gia súc, gia cầm cho đến cả cá biển đều bẩn hết thì người Việt Nam ăn cái gì bây giờ? Mình không thể nào đánh đổi cả một tương lai của thế hệ sau này, cả một môi trường biển như vầy để đối lấy cái “Đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại”. Nói chung những ông đó nên từ chức đi là vừa.
Giờ đây, nhà nước lại phát ngôn ra những câu nói giống như xoa dịu lòng dân hay tỏ ra mình là một người đức độ nhưng đó chính là ngụy quân tử.
- Khải Tường
Chân Như: Nhận xét của Khải Tường?
Khải Tường: Câu nói đó thật sự em thấy rất hài hước. Đúng là những kẻ không chuyên nghiệp thì họ diễn những vở kịch cũng rất rẻ tiền. Câu đó em cảm thấy ý nói lên Việt Nam này độ lượng, nhân từ, bao dung, nhưng em nghĩ những thiệt hại xảy ra cho đến ngày hôm nay đối với người dân cho đến môi trường thì thật muốn bao dung cũng không bao dung cho được vì chính nhà nước đã tạo ra  áp lực tinh thần lên người dân rất nhiều khi họ đòi được quyền sống, họ đòi được quyền phải biết rõ chân tướng. Giờ đây, nhà nước lại phát ngôn ra những câu nói gần giống như làm xoa dịu lòng dân hay tỏ ra mình là một người đức độ nhưng nó chính là một từ chính là ngụy quân tử. Lúc nào cũng cố gắng tỏ vẻ mình là một người thánh thiện nhưng bên trong thì đầy những dã tâm và dụng ý của riêng họ.
Chân Như: Bảo Linh, theo các bạn, chính quyền VN cần phải làm gì hơn nữa để bảo đảm cho môi trường và sinh thái của Việt Nam trong những hợp đồng xây dựng những nhà máy lớn, những khu công nghiệp tại Việt Nam vào thời gian tới?
Bảo Linh: Theo em với một cơ chế quản lý lỏng lẻo và hay nhận tiền bôi trơn từ doanh nghiệp của những cán bộ quản lý về môi trường thì nó tạo ra nhiều kẽ hở về vi phạm môi trường. Do vậy, Việt Nam khó có thể quản lý được những vấn đề ô nhiễm môi trường khi cho đầu tư những nhà máy, những xí nghiệp ồ ạt khắp nơi trên cả nước.  Người dân Việt Nam thấy rất nhiều thảm hoạ về môi trường đã xảy ra đối với những nhà máy như Vedan, nhà máy Nhiệt Điện Vĩnh Tân hay nhà máy Bauxit. Thảm hoạ môi trường diễn ra liên tiếp với tầng số dày đặc hơn từ những nhà máy mà chính phủ đã cấp phép.  Em không hy vọng nhiều để cho họ có thể quản lý tốt hơn mà chỉ hy vọng vào người dân có thể phát hiện tố cáo và báo chí lên án những vấn đề đó.
Lê An: Đây là một vấn đề lớn, vì khi Mỹ muốn giúp Việt Nam không đồng ý cho giúp, đến khi Đài Loan lên tiếng quay trên truyền hình lúc đó (chính quyền) mới rục rịch sẽ công bố, nhưng rõ ràng không thỏa đáng vào đâu hết. Việt Nam trước tiên cần phải tránh hợp tác với các chuyên gia nước ngoài (chuyện đó là đương nhiên) vì từ đó giờ Việt Nam không đủ trình độ để làm bất cứ một thứ gì. Những nhân tài của đất nước thì lại ở những nước khác vì nước mình (Việt Nam) không biết cách thu hút nhân tài, thậm chí, các ông ở trên chỉ biết ăn hối lộ và tham nhũng.
Em nghĩ vấn đề tham nhũng phải giải quyết đầu tiên, trước khi các nước khác đầu tư vào Việt Nam, vì nếu phát triển công nghiệp thì đương nhiên những nhà máy lớn sẽ đầu tư vào Việt Nam, nhưng với tình trạng như thế này thì không tốt chút nào. Việt Nam cần cải tổ lại bộ máy nhà nước thì tốt hơn.
Khải Tường: Theo em tìm hiểu tất cả những nhà máy hóa chất công nghiệp nước ngoài khi họ muốn đầu tư vào một nước nào họ đều phải dựa trên những tiêu chuẩn hợp lý kể cả về mặt quốc tế cũng như tại địa phương đó. Tuy nhiên, em thấy chính quyền Việt Nam chỉ cần tiền trước.  Hiện nay, cơ chế quản lý  khá lỏng lẻo. Em có cảm giác các nhà máy hóa chất chắc họ cũng đã mách bảo nhau rằng ở Việt Nam này dễ lắm cứ mang tiền qua là họ (chính quyền) sẽ cho đặt nhà máy, mặc kệ sau này những thiệt hại xảy ra đối với người dân như thế nào.
Đối với bản thân em, em không tin tưởng lắm đối với cơ chế quản lý môi trường hiện nay vì bên trong đó chứa đựng những mâu thuẫn nội tại mà người dân không thể biết hết được.  Như Bảo Linh có nói, báo chí cũng có thể “nhẩy vào”. Điều nầy đúng nhưng chỉ một vài tờ còn vài tờ cũng sẽ phải lặng xuống, vì báo chí Việt Nam lại theo định hướng của riêng xã hội chủ nghĩa.  Theo em, nếu tiếp tục dùng đồng tiền để khỏa lấp tất cả không khéo “sớm hay muộn” người Việt Nam sẽ sống trong ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Hành động của giới trẻ
000_A4698.jpg-400.jpg
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP photo
Chân Như: Là những người trẻ, các bạn có những hành động thiết thực nào để nhằm góp phần cải tạo và bảo vệ môi trường vốn đang bị ô nhiễm khá nặng nề tại VN hiện nay?
Khải Tường: Thật ra giới trẻ của Việt Nam, trong đó có khoảng 2/3 các bạn nắm được các kiến thức của xã hội cũng như nắm được xu thế chung của quốc tế. Họ biết gìn giữ, biết chú ý đến những thiệt hại đối với những nhà máy hoặc chỗ làm ra chất độc đối với môi trường. Một người trẻ như em, đao to búa lớn thì em không nói nhưng những hành động nhỏ để cố gắng cho mọi người biết được tác hại của việc làm những chất độc. Bởi giữa con người với người phải đối xử với nhau bằng nhân từ chứ không phải lúc nào cũng vì quyền lợi cá nhân mà dẫm đạp đi tất cả. Điều đó không hay cho lắm.
Bảo Linh: Cũng giống như bạn Khải Tường nói, giới trẻ phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề môi trường. Với em, Việt Nam là một trong những đất nước em thấy môi trường vệ sinh tệ hàng nhất trong Đông Nam Á, nào là xả rác khói bụi... Đó là những vấn đề cơ bản những bạn trẻ phải hiểu và từ đó,vận động những người nhà, bạn bè, người thân rồi vận động xã hội phải tích cực bảo vệ môi trường.  Ngoài ra, giới trẻ biết tìm hiểu những vấn đề lớn hơn như những sự kiện Formosa vừa qua và phải biết lên tiếng. Một tín hiệu rất vui cho những bạn trẻ Việt Nam đó là vừa qua nhiều bạn trẻ đã biết đi biểu tình phản đối nhà máy Formosa  nhưng cần phải nỗ lực nhiều hơn để bảo vệ môi trường của Việt Nam tại vì bây giờ những nhà máy xây dựng rất nhiều, nó ảnh hưởng rất lớn đến môi trường lớn xung quanh, trực tiếp đến đời sống của mình.
40 năm giáo dục cũng chẳng dạy người ta vấn đề gì cả. Bây giờ đi thang máy xếp hàng cũng là một vấn đề rất khó thì hỏi làm sao vấn đề ăn uống không xả rác lại có thể để người ta cho là hàng đầu được.
- Lê An
Lê An: Câu hỏi này nó giống như nhiều câu hỏi mà ĐCSVN đã hỏi trong tất tần tật các bài tư tưởng lý luận rồi.  Nhưng thật sự một điều là nói thì nói suông thôi anh. Riêng cá nhân em, thí dụ mình học bằng cách bản thân mỗi người không xả rác, đem theo một túi ni lông trong ba lô khi xả rác xong thì nhét trở lại bao ba lô đem về nhà , đấy là một cách rất tốt.  Khi đi chơi hoặc đi rừng đi biển thì  sau picnic hoặc sau sinh hoạt,  mình dọn liền tại chỗ thì việc đó sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, ý thức này rất tệ và  bảo đảm Việt Nam sẽ không chấp hành vì không ai phạt được chuyện đó cả. 40 năm giáo dục cũng chẳng dạy người ta vấn đề gì cả. Bây giờ đi thang máy xếp hàng cũng là một vấn đề rất khó vì chen chúc nhau thì hỏi làm sao vấn đề ăn uống không xả rác lại có thể để người ta cho là hàng đầu được. Vấn đề này rất khó vì chỉ phát xuất từ ý thức của mỗi người thôi. Việt Nam mình không thể cứ mỗi lần có gì đó lại phạt thì chắc nhà nước sẽ giàu to về vấn đề đó.
Chân Như: Xin cám ơn các bạn đã dành thời gian chia sẻ cảm nghĩ của mình về sự kiện này.

No comments:

Post a Comment