Saturday, July 2, 2016

Trung Quốc ngoan cố, Biển Đông tiềm ẩn nhiều bất ổn

Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đang nghe điều trần. (Hình: UN PCA)
Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đang nghe điều trần. (Hình: UN PCA)
BẮC KINH (NV) – Trung Quốc sẽ không chấp nhận bất kỳ phương thức nào có tính áp đặt nhằm giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông hoặc có sự can dự của bên thứ ba.
Đó là tuyên bố của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngay sau khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc loan báo sẽ công bố phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông vào ngày 12 tháng 7.
Tuy phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao có nói thêm là Trung Quốc sẽ “tiếp tục tuân thủ luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế được ghi trong hiến chương Liên Hiệp Quốc, sẽ kiên trì cùng các quốc gia có liên quan trực tiếp giải quyết tranh chấp bằng đàm phán song phương,” song ông Paul Reichler, một luật sư Hoa Kỳ đảm trách vai trò điều hành nhóm luật sư thay mặt Philippines kiện Trung Cộng tại Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc, cảnh cáo, Trung Quốc sẽ tự hủy hoại uy tín của chính mình nếu gạt bỏ phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sắp công bố.
Thái độ ngoan cố của Trung Quốc đối với vấn đề Biển Đông đang hun nóng Biển Đông nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung.
Chẳng hạn Hoa Kỳ vốn đã có một đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh đang đồn trú tại đảo Okinawa của Nhật để khi cần có thể triển khai ngay ở khu vực Thái Bình Dương, song vừa công bố ý định sẽ điều động thêm một đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh nữa đến Nam Thái Bình Dương.
Theo kế hoạch vừa kể thì đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh đồn trú tại Okinawa sẽ đảm trách khu vực Bắc Thái Bình Dương, còn đơn vị thủy quân lục chiến viễn chinh mới sẽ chịu trách nhiệm về toàn bộ khu vực Nam Thái Bình Dương, nơi có Biển Đông.
Trong một hội nghị diễn ra vào cuối tuần vừa qua tại Washington D.C, do Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế tổ chức, ngoài việc công bố dự án phát triển lực lượng tác chiến hỗn hợp hải – lục tại Thái Bình Dương, Tướng John Wissler, tư lệnh thủy quân lục chiến Hoa Kỳ cho biết, ông đã đề nghị Hạm Đội 7 thành lập một đơn vị đặc nhiệm, có thể triển khai nhanh để đối phó với bất kỳ bất trắc nào ở khu vực Thái Bình Dương giống như đơn vị tương tự đang hoạt động tại Châu Phi.
Cũng vào cuối tuần vừa qua, ông Joko Widodo, tổng thống Indonesia đã ra lệnh gia tăng thăm dò – khai thác các mỏ dầu ở vùng biển quanh quần đảo Natuna. Indonesia đã chia vùng biển quanh quần đảo Natuna thành 16 lô và chỉ mới thăm dò – khai thác dầu tại 5/16 lô.
Ông Widodo còn yêu cầu mở rộng tối đa hoạt động ngư nghiệp ở quần đảo Natuna. Sản lượng ngư nghiệp của vùng này hiện chỉ khoảng 9% tiềm năng. Bộ trưởng Đặc Trách Đại Dương của Indonesia nói thêm, vùng biển phía Đông Natuna có mỏ khí đốt với trữ lưỡng thuộc loại lớn nhất thế giới và Indonesia đang muốn biến Natuna thành một trung tâm chế biến khí đốt.
Nói cách khác, ngoài việc săn đuổi, dùng súng cảnh cáo, bắt giữ các tàu đánh cá của Trung Quốc xâm nhập và đánh bắt trái phép ở vùng biển quanh quần đảo Natuna (quần đảo mà Trung Quốc thừa nhận là thuộc chủ quyền của Indonesia, song “chú thích thêm” rằng vùng biển quanh Natuna là “ngư trường truyền thống của ngư dân Trung Quốc” và đang có “sự chồng lấn về chủ quyền” với Indonesia), Indonesia đang tìm mọi cách để minh định, vùng biển quanh quần đảo Natuna là của mình.
Hạ viện Indonesia vừa quyết định tăng ngân sách quốc phòng năm nay lên 10% để mở rộng căn cứ không quân ở Natuna và điều động thêm các loại phi cơ, chiến hạm, kể cả tàu ngầm đến đồn trú ở Natuna. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment