Theo Bộ trưởng Giao thông Trương Quang Nghĩa, Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đã gửi đề xuất xây đường sắt cao tốc kết nối các địa phương này với Trung Quốc.
Thông tin tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 1/7, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho hay, hiện có 3 tỉnh, thành là Hải Phòng, Lạng Sơn và Lào Cai đều đề xuất xây đường sắt tốc độ cao kết nối 3 tỉnh đó với Trung Quốc.
"Địa phương nào khi đề xuất cũng cấp bách và chính đáng. Chúng tôi sẽ tập hợp các đề xuất, xin ý kiến Thủ tướng", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Câu chuyện đường sắt tốc độ cao ở các địa phương miền Bắc và việc kết nối với mạng lưới giao thông Trung Quốc từng nhiều lần được đề cập. Cuối năm 2015, trong buổi làm việc với Bộ Giao thông, lãnh đạo Lạng Sơn cho hay phía Trung Quốc tuyên bố sẽ xem xét tài trợ vốn nếu ngành giao thông Việt Nam có chủ trương xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội.
“Phía Trung Quốc cho rằng đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn hiện dùng cho cả tàu hàng và chở khách nên tốc độ không cao và họ mong muốn có một tuyến với tốc độ cao khoảng 200 km/h”, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Trần Sỹ Thanh thời điểm đó cho biết.
Thừa nhận BOT có rất nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nêu thực tế khó khăn trong việc tìm nguồn vốn phát triển giao thông.Một vấn đề thời sự khác được đề cập trong phiên họp của Chính phủ ngày 1/7 là việc huy động nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thúc đẩy triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.
“Chúng tôi đang chờ quyết định cuối cùng để triển khai sử dụng vốn dư 17.000 tỷ đồng hoàn thành 24 dự án. Nếu không có gói đặc biệt thì nhiệm kỳ tới rất khó phát triển”, Bộ trưởng Nghĩa nói.
Ông thông tin, ngành giao thông đang tập trung cơ cấu lại hình thức vận tải, cơ cấu lại đầu tư. Năm năm qua đầu tư giao thông đường bộ quá lớn trong khi đầu tư cho đường thủy nội địa rất thấp.
“Cần tập trung tăng cường cơ sở hạ tầng cho đường thủy. Như đường thủy miền Tây đóng góp 70 – 75% năng lực vận tải”, ông Nghĩa nói.
No comments:
Post a Comment