Saturday, July 2, 2016

Lời xin lỗi, 500 triệu USD và môi trường biển: Cuộc trao đổi không cân xứng

Cát Linh, phóng viên RFA 2016-07-02  
000_CL8R5-622.jpg
Tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung chiều 30/6/2016 ở Hà Nội, chính phủ Việt Nam cũng cho chiếu một đoạn video với lời phát biểu nhận lỗi của ông Trần Nguyên Thành, chủ tịch hội đồng quản trị công ty gan thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh. AFP
Những cam kết bồi thường của Tập đoàn Formosa được chính phủ Việt Nam chấp thuận trong cuộc họp báo chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ngày 30 tháng 6 vừa qua.
Sự đền bù này có đáp ứng được so với những gì đã xảy ra và hậu quả những gì mà người dân và kinh tế của 4 tỉnh miền Trung đang gánh chịu hay không? Quan trọng nhất là họ có xây dựng lại hệ thống xả thải đủ công suất để bảo đảm trong tương lai không xảy ra thảm hoạ môi trường nữa không ?
Dư luận lên tiếng cho rằng sự đền bù này không thoả đáng và có những vấn đề vẫn chưa được giải quyết minh bạch.

Không bất ngờ

Nguyên nhân cá chết hàng loạt được công bố chính thức bởi văn phòng chính phủ ngày 30 tháng Sáu vừa qua có vẻ như không gây bất ngờ cho những ai quan tâm đến vấn đề Formosa trong mấy tháng qua.
Bây giờ có tập đoàn Formosa hoạt động ở đây, thì cá chết, chúng tôi khẳng định là tập đoàn Formosa xả thải chứ không phải đến bây giờ chính phủ mới công bố.
-Một ngư dân
Trên truyền thông mạng, ngay từ khi những con cá chết hàng loạt trôi dạt vào bãi biển Hà Tĩnh được phát hiện, và sau đó là một thợ lặn vùng này nhìn thấy một ống xả thải khổng lồ đặt dưới đáy biển, gần khu công nghiệp Formosa thải ra một loại nước có màu vàng đục, thì tất cả ngư dân Kỳ Anh, Nghệ An, Hà Tĩnh và những nhà quan sát, nhất là những người đấu tranh cho môi trường biển đều khẳng định nguyên nhân là do công ty nhà máy thép Formosa.
Ngay sau khi chính phủ chính thức công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt, Đài Á Châu Tự do hỏi chuyện những ngư dân miền Trung, thì câu trả lời đều là “Chúng tôi đã biết và khẳng định là Formosa.”
Từ Việt Nam, những bạn trẻ trong nhóm Con đường Việt Nam đã trực tiếp đến Hà Tĩnh và hỏi chuyện một người dân địa phương, câu trả lời của họ là:
“Người dân chúng tôi ở đây quả quyết rằng do tập đoàn Formosa xả thải ra làm cá chết. Chúng tôi đi biển từ thời ông cha đến giờ chưa có tình trạng cá biển chết hàng loạt thế này. Bây giờ có tập đoàn Formosa hoạt động ở đây, thì cá chết, chúng tôi khẳng định là tập đoàn Formosa xả thải chứ không phải đến bây giờ chính phủ mới công bố.”

‘Chẳng thấm vào đâu’

Cách đây hơn hai tháng, chính Tập đoàn Formosa cũng đã cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam vì câu phát biểu của ông Chu Xuân Phàm, giám đốc đối ngoại Formosa Vũng Áng trả lời truyền thông trong nước, ‘Chọn cá hay chọn thép”. Lần này thì tập đoàn Formosa một lần nữa cuối người xin lỗi trong cuộc họp báo được truyền đi cả nước. Cùng với lời xin lỗi đó là số tiền đền bù 500 triệu USD:
anh6-1714-622.jpg
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo công bố nguyên nhân gây ra tình trạng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung Việt Nam cách nay 2 tháng, ảnh chụp chiều 30/6/2016 tại Hà Nội.
“Việc đền bù đó, không phải lấy để bù lại những mất mát của người dân chúng tôi, đặc biệt sức khoẻ người dân chúng tôi đang rất yếu, ăn cá thì bị nhiễm chất độc.
Chúng tôi yêu cầu làm sạch biển của chúng tôi, để chúng tôi trở lại ngư trường đánh bắt thuỷ hải sản. Chứ việc đền bù 500 triệu USD đối với ngư dân bốn tỉnh chúng tôi thì ăn thua gì. Mà nếu như có thì mỗi người chúng tôi cũng chẳng có bao nhiêu cả.”
Người ngư dân này còn nói thêm rằng, có thể Tập đoàn Formosa nghĩ rằng 500 triệu USD là nhiều, nhưng với tất cả những người lấy biển làm nhà, lấy lưới mưu sinh như họ thì nếu số tiền ấy có đến được từng hộ gia đình họ, cũng chẳng là bao nhiêu so những thiệt hại mà họ đã phải chịu.
Một ngư dân khác, ngồi bên cạnh những con tàu đánh cá vẫn còn đang phải neo trên cạn cho biết số đền bù đó:
“Chẳng thấm vào đâu.”
“Việc đền bù đó chiếu theo thiệt hại về mọi mặt thì chẳng thấm vào đâu cả. vì riêng về dân 4 tỉnh, trong suốt 3 tháng, nguồn thu hoạch không có. Rồi thảm hoạ về môi trường, chất độc nhập sâu vào lòng đất, làm cho cá chết trôi dạt vào bờ. Sau khi trời chiếu rọi xuống, bốc mùi hôi thúi lên thì bay vào không khí. Cuối cùng người kề cận, đặc biệt là dân bốn tỉnh miền Trung thì phải chịu những thiệt hại đó.”
Những người dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã từng được chính quyền địa phương hứa hỗ trợ 5 triệu đồng cho một hộ gia đình có ghe tàu phải nằm bờ. Tuy nhiên, cho đến nay, theo Nguyễn Anh Tuấn, nhà hoạt động trẻ đã có thực hiện nhiều hoạt động giúp đở cho người dân Hà Tĩnh trong mấy tháng qua cho biết, họ vẫn chưa nhận được số tiền đó.

Trách nhiệm và truy cứu hình sự?

Sau tất cả những diễn biến của ngày 30 Tháng Sáu vừa qua, chính quyền Việt Nam đã xác nhận thảm hoạ môi trường vừa qua là do con người gây ra. Do đó, một câu hỏi được dư luận truyên đi trên truyền thông mạng là liệu có truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhà máy Formosa?
Theo quan điểm của tôi thì nên khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố rồi thì xem xét trách nhiệm cá nhân, xem ai là người chịu trách nhiệm trong thảm hoạ môi trường lần này.
-LS Trần Thu Nam
Điều này được luật sư Trần Thu Nam cho biết, căn cứ vào mức độ lỗi và các hành vi đó, theo ông nhà máy Formosa hoàn toàn có biểu hiện cố ý xả thải:
“Theo quan điểm của tôi thì nên khởi tố vụ án. Sau khi khởi tố rồi thì xem xét trách nhiệm cá nhân, xem ai là người chịu trách nhiệm trong thảm hoạ môi trường lần này.”
Cùng với cam kết bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân, nhà máy Formosa còn nói rằng sẽ khắc phục các hạn chế của hệ thống xử lý chất thải, nước thải, đảm bảo xử lý triệt để các chất thải độc hại trước khi thải ra môi trường.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật đúc, luyện kim cho biết, nhìn chung, chi phí xử lý chất thải chiếm đến 20-30% tổng vốn đầu tư của nhà máy thép. Như vậy, dự án Khu liên hợp gang thép của Formosa giai đoạn 1 có vốn đầu tư 10,5 tỷ USD thì phải chi khoảng 2-3 tỷ USD cho xử lý chất thải. Thế nhưng, hệ thống xả thải hiện nay của Formosa trị giá 45 triệu USD.
Đây chính là vấn đề mà những người hiểu luật, làm luật và cả những người dân trong nước quan tâm đến. Luật sư Trần Vũ Hải, thuộc Đoàn luật sư Hà Nội cho biết:
“Giấy phép xả thải Formosa là do ông Thứ trưởng Bộ tài nguyên môi trường ký tháng 12 năm 2015, mấy tuần trước khi ông ấy nghỉ hưu. Hiện nay đang là một chủ đề mọi người bàn tán để xem có truy cứu trách nhiệm của ông ấy hay không.”
Cũng theo luật sư Trần Vũ Hải, sau các nghiên cứu và tiếp xúc các ngư dân ở Kỳ Anh, nhóm luật sư được họ cho biết không có ai tham khảo với họ về việc cấp giấy phép và khi giấy phép được thực hiện. Ông khẳng định:
“Cho nên tôi cho rằng việc cấp giấy phép nước thải này là một quy trình trái pháp luật. Vì theo luật Việt Nam, theo điều 201 của Luật tài nguyên nước thì khẳng định thì đối với trường hợp cấp phép xả nước thải từ 10.000m3 trở lên thì phải xin tham vấn cộng đồng, những người bị ảnh hưởng từ sản xuất hoặc kinh doanh.”
Những gì mà ngư dân miền Trung hiện tại mong muốn là “Chính quyền phải trục xuất Formosa rời khỏi Việt Nam. Nếu đang hoạt động thì vẫn còn xả thải chứ không có cách nào khác.”
Có nhiều người quan tâm vụ việc này đã có ý kiến so sánh Formosa Vũng Áng Hà Tĩnh là một “BP - Vụ án tràn dầu trên diện rộng ở vùng vịnh Mexico năm 2010.” Con số ước tính mà tập đoàn dầu khí nổi tiếng BP phải bồi thường và chi trả cho vụ việc này lên đến hàng chục tỷ USD.
Chính vì thế, những người mà ban Việt ngữ Đài Á Châu Tự do chúng tôi có dịp tiếp xúc đều có chung một trăn trở, trăn trở đó là: một lời xin lỗi của Formosa, lời hứa bồi thường 500 triệu USD và thảm hoạ môi trường sẽ kéo dài trong nhiều thập kỷ sắp đến tại Việt Nam, liệu đó có phải là một cuộc trao đổi cân xứng hay không? Không ít người nói với chúng tôi rằng, trong cuộc trao đổi đó, họ chưa nhìn thấy giải pháp cho việc khôi phục lại nước biển sạch cho Việt Nam, giải pháp khôi phục lại kinh tế biển và giải pháp khôi phục lại đời sống của ngư dân.

No comments:

Post a Comment