Hà Tường Cát/Người Việt
Vụ cá chết ở Hà Tĩnh khiến người ta phải nhớ lại vụ tràn dầu ở vịnh Mexico, Hoa Kỳ, đúng 6 năm trước. Cả hai đều là thảm họa môi trường do con người gây nên, dù nguyên nhân và tầm mức tác hại không giống nhau.
Trong cuộc họp báo ngày 30 tháng 6, 2016, chính quyền Việt Nam xác định là nguyên nhân khiến cá chết hàng loạt là do độc tố xuất phát từ các chất thải kỹ nghệ ở khu vực Vũng Áng, theo dòng hải lưu di chuyển xuống tới duyên hải Thừa Thiên-Huế. Cuộc điều tra kéo dài gần 3 tháng đi đến kết luận Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã có vi phạm về nước thải xả ra biển trong đó có chứa những độc tố vượt quá mức quy định.
Formosa Hà Tĩnh là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng, làm hải sản chết bất thường trong vùng biển thuộc 4 tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên trong bốn tháng vừa qua kể từ ngày phát hiện 6 tháng 4.
Các cơ quan chính quyền Việt Nam đã nhiều lần làm việc với Formosa Đài Loan, công ty mẹ của Formosa Hà Tĩnh. Tới ngày 28 tháng 6 Formosa Hà Tĩnh công khai nhìn nhận trách nhiệm về việc gây tai nạn môi trường và đồng ý 500 triệu đô la bồi thường thiệt hại kinh tế cho người dân và hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, phí tổn xử lý ô nhiễm và phục hồi môi trường biển.
Sự kiện cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung là thảm kịch môi trường lớn nhất ở Việt Nam từ trước đến nay. So với thảm họa tràn dầu của BP ở vịnh Mexico năm 2010 thì vụ Formosa Hà Tĩnh là nhỏ hơn nhiều, căn cứ trên các dữ kiện cụ thể và theo số tiền bồi thường mà BP và Formosa đã phải trả. Tuy nhiên không đủ cơ sở khoa học để đưa ra một sự so sánh như thế, vì tổn thất trước mắt có thể biết nhưng tác hại lâu dài chưa thể ước tính được hết.
Ngày 20 tháng 4 năm 2010, giàn khoan Deepwater Horizon của công ty BP đang hoạt động tại khu vực khoan dò Macondo Prospect trên vịnh Mexico bị nổ, cháy và chìm. Ống dẫn dầu từ mỏ lên bị vỡ dưới đáy biển và mỗi ngày ước lượng từ 5,000 đến 60,000 thùng dầu (40 gallons mỗi thùng) chảy ra ngoài. 87 ngày sau chỗ vỡ mới bịt lại được và 5 triệu thùng dầu (210 triệu gallons) đã lẫn vào nước biển vịnh Mexico trong một khu vực rộng từ 6,500 đến 180,000 km2.
Nhiều loài sinh vật biển, trong đó có cá heo, chết hàng loạt. Kinh tế của các tiểu bang vùng vịnh như Louisiana, Alabama, Mississippi,… từ ngư nghiệp tới du lịch bị thiệt hại nặng nề. Trong vòng ba năm sau đó, ngư nghiệp tổn hại $2.4 tỷ, ngành du lịch thiệt hại ước lượng $23 tỷ. Tháng 11 năm 2012, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Liên bang Hoa Kỳ loan báo lệnh tạm thời cấm BP ký hợp đồng mới với chính quyền Mỹ. BP là một trong 4 đại công ty dầu khí quốc tế, từ hàng thứ hai rớt xuống hàng thứ tư. Công tác vớt dầu, dọn sạch các bãi biển, đầm lầy phải làm liên tục cho đến ba năm sau mới xong.
Tổng cộng BP tổn phí khoảng $54 tỷ vì vụ tràn dầu này, bao gồm tiền phạt, tiền bồi thường, phí tổn dọn dẹp dầu chảy và cho các dự án công tác phục hồi môi trường.
Còn Formosa Hà Tĩnh thì cho đến bây giờ được biết mới chỉ phải bồi thường $500 triệu, bằng 1% vụ chảy dầu của BP.
Ngay lập tức có những dư luận cho là số tiền bồi thường ấy quá ít. Nhưng nhiều hay ít khó có thể nói nếu không nắm đủ các dữ kiện căn bản.
Ngay lập tức có những dư luận cho là số tiền bồi thường ấy quá ít. Nhưng nhiều hay ít khó có thể nói nếu không nắm đủ các dữ kiện căn bản.
Theo lời giải thích của Bộ Trưởng Tài Nguyên và Môi Trường Trần Hồng Hà số $500 triệu là “dựa trên mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân và môi trường,” nhưng ông lại nói thêm “Còn những tổn thương lớn hơn đến tâm lý, nhưng chúng tôi thấy rằng không cần thiết là bao nhiêu.” (?!)
Bộ Trưởng Chủ Nhiệm Văn Phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, chủ tọa cuộc họp báo, cho biết “số tiền bồi thường $500 triệu “sẽ được dành ưu tiên cho người dân, đặc biệt là ngư dân các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do cá chết.” Không rõ có bao nhiêu ngư dân bị ảnh hưởng và mỗi người sẽ được bồi thường như thế nào.
Ông Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy Ban Văn Hóa, Giáo Dục, Thanh Niên, Thiếu Niên và Nhi Đồng của Quốc Hội Việt Nam, nói với BBC: “Việc chính phủ kết luận như thế là việc rất hoan nghênh, nhưng nó chỉ là bước đầu, còn những bước tiếp theo. Tôi cho rằng hoàn toàn không phải chỉ là chính phủ mà người dân có thể khởi kiện để tố cáo hành vi của doanh nghiệp đưa ra tòa và tòa xét xử.”
Tại Việt Nam chưa có tiền lệ người dân kiện doanh nghiệp trong trường hợp như thế và do đó khó tin rằng chuyện này có thể là hiện thực. Vả lại Bộ Trưởng Mai Tiến Dũng trong cuộc họp báo đã khẳng định “Chính phủ không can thiệp vào quá trình tố tụng vụ Formosa làm cá chết hàng loạt.” Ông nói: “Việt Nam đang xây dựng môi trường đầu tư,…,Formosa đã nhận lỗi trước người dân Việt Nam, đưa ra 5 cam kết về bồi thường, hỗ trợ. Chính phủ có thái độ rõ ràng là xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm pháp luật nhưng cũng có chính sách độ lượng.” Và ông nói thêm: “Việc đưa vụ án ra khởi tố hay không thì cần cân nhắc. Người dân Việt vốn khoan hồng, độ lượng.” Bộ Trưởng Trương Minh Tuấn cũng xác định, “Việc khỏi tố hay không thì cơ quan tố tụng tư pháp sẽ xem xét. Chính phủ không can thiệp.”
Đề cập tới dư luận cho là quá trình công bố nguyên nhân cá chết quá chậm, Bộ Trưởng Thông Tin và Truyền Thông Trương Minh Tuấn điều hành phần giải đáp câu hỏi của các phóng viên trong buổi họp báo, nói rằng: “Đảng, Nhà nước Việt Nam chủ trương công khai, minh bạch diễn biến và các biện pháp xử lý sự cố môi trường nghiêm trọng này.” Theo ông: “Công bố nguên nhân là để giải quyết kịp thời hậu quả, cong bố thủ phạm là để giải quyết sai phạm. Đây là hai quá trình khác nhau và công bố vào các thời điểm khác nhau… Dư luận trên các trang mạng xã hội thời gian vừa qua có nhiều ý kiến phản úng chính dáng, dễ hiểu bởi sự việc này liên quan tới sự an lành của đất nước, đời sống của người dân, Tuy nhiên phản ứng thái quá, suy diễn không dựa trên kết quả điều tra đã làm nhiễu loạn thông tin gây bất lợi cho quá trình điều tra.”
Ông Tuấn phủ nhận cáo buộc nhà nước ngăn cản cơ quan báo chí đưa tin, giấu giếm thông tin với nhân dân. Ông giải thích: “Báo chí đưa tin rất nhiều chiều, với tần suất dày đặc. Để tạo thuận lợi cho quá trình điều tra, chúng tôi có yêu cầu các cơ quan bào chí tạm ngưng đưa thông tin suy diễn. Trong sự cố phức tạp vừa rồi, sự điều tra của báo chí không đủ để tìm ra nguyên nhân bằng sự điều tra của các cơ quan chức năng, các nhà khoa học.”
Truy tố hình sự
Như vây nếu so sánh hai thảm họa môi trường chảy dầu BP và cá chết Formosa Hà Tĩnh, ta thấy cách giải quyết ở Mỹ và Việt Nam khác hẳn nhau, Nước Mỹ là xứ tự do báo chí có thể trình bày góp ý vào tất cả mọi chuyện, còn ở Việt Nam truyền thông không được góp phần vào cuộc điều tra vì đó là nhiệm vụ của nhà nước. Thậm chí khi các giới chức chính phủ họp báo nói là Formosa đã nhận lỗi, các phóng viê cũng chỉ được xem một đoạn băng video thu sẵn từ trước. Bằng phương cách hành xử ấy người ta có lý do để hoài nghi bất cứ điều gì chính quyền nói, vì không thể hiểu trong quá trình điều tra, đã có những thỏa hiệp thế nào với Formosa kể cả việc liệu Formosa có phải là thủ phạm chính của cá chết hay không.
Trong vụ BP đã có rất nhiều cuộc điều tra của các cơ quan, ủy ban khác nhau cùng những quy kết lỗi lầm và trách nhiệm. Đồng thời hơn 1 triệu đơn khiếu nại từ 220,000 cá nhân và cơ sở thương mại được xem xét và BP đã phải trả $6.2 tỷ. Tiếp đó hơn 100 đơn kiện đã đệ nạp tại nhiều tòa án khác nhau trong đó bộ tư pháp Hoa Kỳ củng là một nguyên đơn. Ngày 25 tháng 2, 2013, BP và các đối tác của đại công ty này bao gồm Halliburton, Transocean ra trước tòa án liên bang ở New Orleans, Louisiana.
Ngày 4 tháng 9, 2014, Chánh Thẩm Carl Barbier phán quyết BP phạm lỗi bất cẩn và hành xử trái phép. Ngoài ra BP và một số viên chức công ty còn bị truy tố hình sự. Tổng cộng BP phải trả $54 tỷ bao gồm tiền phạt, tiền bồi thường và tiền xử lý ô nhiễm, phục hồi môi trường.
Với kinh nghiệm ấy, phải coi là vụ Formosa Hà Tình tuy là nhỏ hơn vụ BP rất nhiều, nhưng cách giải quyết cũng như tiền bồi thường là quá đơn giản, không minh bạch và thiếu thực chất. (HC)
02-07-2016
No comments:
Post a Comment