Saturday, July 2, 2016

Ngân sách nhà nước CSVN: ‘Bóc ngắn, cắn dài’


Các công thự ngốn nhiều ngàn tỷ nhưng hạ tầng thì hoặc xây vừa xong là hư, hoặc không làm gì cả. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)
Các công thự ngốn nhiều ngàn tỷ nhưng hạ tầng thì hoặc xây vừa xong là hư, hoặc không làm gì cả. (Hình: Thời báo Kinh tế Sài Gòn)

HÀ NỘI (NV) – Theo Tổng Cục Thống Kê của Việt Nam, trong sáu tháng đầu năm nay, tỉ lệ chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống công quyền) đã xấp xỉ 72% tổng chi ngân sách.
Sáu tháng vừa qua, chính quyền CSVN chỉ thu được 425,600 tỷ đồng từ tất cả các nguồn. Nếu so với dự kiến thì chỉ đạt 42% và đã chi ra 508,500 tỷ đồng!
Trong 508,500 tỷ đồng đã chi, các khoản chi thường xuyên ngốn 363,400 tỷ đồng. Khoản đầu tư để phát triển chỉ còn 74,500 tỷ đồng (khoảng 15% tổng chi). Số còn lại (68,000 tỷ đồng) phải dành cho trả nợ.
Có một điểm đáng lưu ý là trong bối cảnh như thế “nợ đọng ở lĩnh vực xây dựng cơ bản” (cách gọi những khoản còn thiếu hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp đã tham gia vào những dự án hạ tầng) của chính quyền các địa phương vẫn tăng. Theo ước đoán của chính phủ Việt Nam, đến lúc này, riêng “nợ đọng ở lĩnh vực xây dựng cơ bản” đã lên tới 87,000 tỷ đồng. Trong đó có 57,000 tỷ chưa biết sẽ kiếm từ đâu để trả.
Cần lưu ý rằng, nếu bị thiếu nợ nhiều và chậm được trả nợ, cả hệ thống ngân hàng lẫn các doanh nghiệp đang là chủ nợ bất đắc dĩ chỉ còn một con đường để đi. Đó là tuyên bố ngưng hoạt động hoặc xin phá sản. Những địa phương hiện đang dẫn đầu về “nợ đọng ở lĩnh vực xây dựng cơ bản” là Hà Giang (2,412 tỷ đồng), Ninh Bình (3,236 tỷ đồng), Đà Nẵng (1,391 tỷ đồng). “Nợ đọng ở lĩnh vực xây dựng cơ bản” chủ yêu do xây các trung tâm hành chánh nguy nga.
Việt Nam đã ngập trong nợ và tiếp tục chìm sâu trong nợ vì liên tục phải vay để chi tiêu và trả nợ trong khi các nguồn thu tiếp tục giảm.
Hồi thượng tuần tháng này, chính quyền Việt Nam công bố dự tính vay thêm 20 tỉ Mỹ kim, hơn một nửa trong số đó là để trả nợ.
Theo một quyết định liên quan đến “điều hành nợ nần” của Việt Nam trong năm nay mà Thủ tướng Việt Nam đã phê duyệt thì việc vay 452,000 tỷ đồng (khoảng 20 tỷ Mỹ kim) nhằm dùng 273,000 tỷ đồng (12 tỷ Mỹ kim) để trả nợ. Phần còn lại sẽ dùng để… bù đắp bội chi.
Trong 452,000 tỷ đồng mà chính phủ Việt Nam dự trù hỏi vay, có khoảng 336,000 tỷ đồng vay từ việc phát hành trái phiếu tại Việt Nam, vay của Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội (quỹ dùng để trả trợ cấp thất nghiệp, lương hưu) và SCIC (SCIC là cách gọi tắt tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. SCIC là cơ quan nắm giữ phần vốn của chính quyền Việt Nam tại các doanh nghiệp nhà nước và những doanh nghiệp đã được cổ phần hóa nhưng chính quyền Việt Nam chưa rút hết vốn).
Phần còn lại, chính phủ Việt Nam sẽ hỏi vay quốc tế như vay qua các nguồn ODA (nguồn vốn hỗ trợ phát triển), phát hành trái phiếu trên thị trường quốc tế, kể cả phát hành trái phiếu Samurai (vay bằng Yen tại thị trường tài chính của Nhật).
Cũng vào thượng tuần tháng này, cơ quan nghiên cứu của Ngân Hàng Đầu Tư-Phát Triển Việt Nam (thường được gọi tắt là Trung Tâm Nghiên Cứu BIDV), công bố kết quả khảo sát về thực trạng nợ nần của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015. Theo đó, mỗi năm, nợ nần của Việt Nam tăng 16.7%. So với tổng nợ của năm 2011 (1.393 triệu tỷ đồng), tổng nợ của năm 2015 (2.608 triệu tỷ đồng) tăng gấp 2 lần, tương đương 62.2% GDP.
Tuy nhiên Trung Tâm Nghiên Cứu BIDV nhấn mạnh, những số liệu vừa kể chỉ được tính theo cách tính toán nợ nần của chính phủ Việt Nam. Nếu tính đúng, tính đủ theo tiêu chuẩn quốc tế, tổng nợ của Việt Nam đã vượt quá 100% GDP.
Bởi mức độ ưu đãi dành cho Việt Nam khi vay từ các nguồn quốc tế đang giảm, nên Việt Nam đang chuyển hướng đi vay từ vay quốc tế thành vay trong nước. Tiền vay trong nước đã tăng từ 40% tổng nợ hồi năm 2011 thành 57.1% tổng nợ vào cuối năm 2015. Giá trị khối lương trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2011-2015 đã tăng gấp 2.5 lần so với giá trị khối lương trái phiếu phát hành trong giai đoạn từ 2006-2010.
Để có thể vay nhiều hơn từ trong nước, ngoài việc nâng lãi suất lên mức cao hơn lãi suất của hệ thống ngân hàng, chính phủ Việt Nam còn hạ kỳ hạn trái phiếu. Bởi có tới 77% trái phiếu đã phát hành từ 2011 đến 2013 là trái phiếu ngắn hạn (phải trả đủ cả vốn lẫn lãi trong vòng từ một đến ba năm) nên đến năm 2014, chính phủ Việt Nam phải liên tục phát hành thêm trái phiếu mới để lấy tiền thanh toán các trái phiếu tới hạn thanh toán.
Tuy vay càng ngày càng nhiều, số lượng vay càng lúc càng lớn nhưng hiệu quả sử dụng vốn vay của chính phủ Việt Nam cực kỳ tệ hại bởi đa số vốn vay được rót hết vào các công trình đầu tư vô bổ, thiếu chất lương và doanh nghiệp nhà nước. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), giai đoạn 2006-2010, chỉ số ICOR (để tính toán hiệu quả của việc sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam là 6.9, sang giai đoạn 2011-2014 vẫn còn tới 6.92. Nghĩa là vẫn phải bỏ ra gần 7 đồng mới tạo được 1 đồng sản lượng.

Sau giai đoạn phung phí tiền đi vay, Việt Nam tiến tới giai đoạn phải vay tiền để trả nợ và số tiền phải trả càng ngày càng lớn. Do dốc sức để trả nợ, đầu tư cho phát triển và chi để tăng năng suất lao động, giáo dục, y tế cũng như các lĩnh vực thiết yếu khác cùng giảm. Đây cũng là lý do các nguồn thu cho ngân sách giảm nhanh và mạnh. (G.Đ)

No comments:

Post a Comment